Chống dịch Covid-19: Cuộc chiến chung vì tương lai chung toàn cầu

(PLVN) - Dịch bệnh Covid-19 lan rộng làm cho cả thế giới chao đảo. Hiện tại, chưa thể dự liệu được chính xác thời điểm dịch bệnh kết thúc trên thế  giới. Nhưng nhiều hệ lụy và hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của dịch bệnh đã lộ rõ.
(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Ba tháng sau khi dịch bệnh viêm phổi cấp do virus coro na gây ra bùng phát ở Trung Quốc, dịch bệnh này hiện đã lây lan ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Con người chưa tìm ra được vắc-xin thích hợp để phòng ngừa, rất nhiều quốc gia vẫn chưa có được đối sách thích hợp để đẩy lùi sự lây lan và chấm dứt dịch bệnh. Ở rất nhiều nơi trên thế giới, dịch bệnh diễn biến chưa tới đỉnh điểm. 

Hiện tại, chưa thể dự liệu được chính xác thời điểm dịch bệnh kết thúc trên thế  giới. Nhưng nhiều hệ lụy và hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của dịch bệnh đã lộ rõ. Dịch bệnh mới làm thế giới, cuộc sống của con người và hoạt động của quốc gia thay đổi rõ nét và sâu sắc hơn. Những hình ảnh về thế giới như thể dừng chuyển động hiện tại chắc chắn nhắc nhở nhận thức của con người là thế giới đã từng như thế và rất có thể sẽ lại như thế chỉ bởi một dịch bệnh.

Dịch bệnh làm thay đổi chính sách của quốc gia, hoạt động quốc tế và quan hệ quốc tế. Dịch bệnh làm thay đổi nhận thức, nhịp sống và cách sống của con người trên trái đất. Dịch bệnh làm thay đổi mối quan hệ giữa người dân và nhà nước, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quốc gia và thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế vẫn được tiến triển nhưng vận hành không thể như trước được nữa.

Trước mắt, dịch bệnh này làm suy giảm nhịp độ tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới cũng như quốc gia. Thất nghiệp trở thành thách thức lớn đối với mọi chính phủ và chính quyền. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế thế giới đã bước vào suy thoái. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã ước tính thiệt hại do dịch, bệnh gây ra ít nhất là hơn 4.000 tỷ USD nếu dịch bệnh chỉ dai dẳng trong thời gian nửa năm. 

Dịch bệnh càng kéo dài thì đương nhiên mức độ tổn hại do nó gây ra sẽ càng lớn, nguy cơ khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới bùng phát không phải là không có. Mọi phân tích và dự báo dù có lạc quan nhất thì cũng đều cho rằng tổn hại do dịch bệnh này gây ra đối với thế giới nó chung lớn hơn và tai hại hơn so với hệ luỵ và hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và nơi công trên thế giới hồi những năm 2008/2009.

Hệ lụy của dịch bệnh này đã bắt đầu lộ rõ, tuy chưa thật sự đầy đủ. Mức độ nguy hại của nó đối với cuộc sống của con người và số phận của quốc gia cũng đã lộ rõ. Bởi thế, chính hiện tại là khi hơn bao giờ hết các quốc gia và đối tác trên thế giới phải thật sự cùng nhau đồng sức đồng lòng và kề vai sát cánh đẩy lùi dịch bệnh, coi đấy thực sự là cuộc chiến chung vì tương lai chung. 

Đọc thêm