Huyền thoại thần tiên hạ phàm tại Bích Câu Đạo quán

(PLVN) - Ở Việt Nam hiếm có cụm công trình kiến trúc tôn giáo nào như Bích Câu Đạo quán. Ở đây, việc thờ cúng cũng rất đặc biệt,  từ thờ Phật đến thờ Thần rồi lại quay về thờ cả Thần, Phật và Mẫu. Không chỉ vậy, Bích Câu đạo quán còn gắn liền với huyền thoại thần tiên hạ phàm mà đến nay có nhiều tư liệu ghi chép lại.
Tiên Bà Giáng Kiều được thờ tại Bích Câu Đạo quán.
Tiên Bà Giáng Kiều được thờ tại Bích Câu Đạo quán.

Hạ phàm để lấy nhau

Bích Câu Đạo quán (Đống Đa, Hà Nội) là tên dòng suối nước trong xanh như ngọc chảy từ Nùng Lĩnh (ngọn núi thiêng trong Hoàng thành Thăng Long xưa) xuống Thủ Lệ, đổ ra hồ Tảo Liên ở cửa Nam thành cổ. Cửa Nam khi xưa là một hồ nước mênh mông sương khói, ở giữa có gò Kim Quy thoắt ẩn thoắt hiện như chốn bồng lai tiên cảnh. Hồ có giống sen trắng đặc hữu, nở sớm hơn các giống sen khác và hương thơm ngào ngạt, vì thế mà lấy tên là hồ Tảo Liên, đây chính là đầu nguồn sông Kim Ngưu cổ. Vùng đất Bích Câu cũng gắn liền với nhiều giai thoại, truyền thuyết kéo dài hàng trăm năm.

Tương truyền vào một đêm, vua Lý Thái Tổ mơ thấy được Phật bà Quan Âm ban hoa sen trắng. Sáng dậy, vua sai người đi tìm thì thấy hoa sen trong hồ Tảo Liên có sắc hương giống loài sen trong mộng. Cho là điềm tốt, vua liền sai dựng chùa Đắc Quốc ngay bờ hồ. Mỗi dịp đầu hè, vua lại ngự thuyền rồng tuyển những bông sen đẹp nhất để kính Phật và dâng lên thái miếu.

Tiên Ông Trần Tú Uyên được thờ tại Bích Câu Đạo quán.
Tiên Ông Trần Tú Uyên được thờ tại Bích Câu Đạo quán. 

Đến cuối thế kỷ XV - thời vua Lê Thánh Tông, ở làng Thịnh Quang ven hồ có một hàn sỹ tên Trần Tú Uyên tính tình phóng khoáng đã ra gò Kim Quy dựng lều, ngày ngày đọc sách làm thơ và kết giao bằng hữu. Trong một lần đi xem hội chùa trong vùng, Tú Uyên đã nhặt được một chiếc lá đỏ dưới gốc mẫu đơn có đề mấy câu thơ: Liễu biếc đào hồng tiết tháng ba/ Xe loan hạ cánh cửa thiên gia/ Cầu Lam chật ních người như kiến/ Ai biết thần tiên trước mặt ta?”.

Cùng lúc đó, lướt qua trước mắt chàng và khuất vào đám đông là bóng thướt tha của một thiếu nữ. Xem hội về, trong lòng Tú Uyên không khỏi tương tư. Mấy hôm sau, chàng đi chợ Cầu Đông, thấy một bà lão bán bức tranh tố nữ với dáng vẻ yêu kiều như cô gái trong ngày hội chùa hôm trước nên đã mua về.

Từ đó, Tú Uyên coi cô gái trong tranh như là người thật, ngày ngày ngắm nhìn, trò chuyện. Đến ăn cơm, uống nước chàng cũng mời cô gái trong tranh ăn uống cùng. Kể từ đó, trong túp lều cũng xảy ra nhiều chuyện lạ kỳ, có những hôm đi ra ngoài trở về, Tú Uyên đã bất ngờ thấy có người dọn sẵn cơm canh.

Không khỏi nghi hoặc, một hôm chàng giả vờ ra ngoài rồi đứng nép bên vách xem ai làm, bất ngờ khi thấy trong bức tranh bước ra một cô gái dịu hiền, thoăn thoắt làm mọi việc nội trợ như một người vợ đảm. Cô gái bị phát hiện thì đành thú thực mình là tiên thượng giới, tên Giáng Kiều, vì hai người có tiền duyên nên nàng hạ phàm để kết nghĩa phu thê. Kể từ đó, Giáng Kiều và Tú Uyên cùng sống hạnh phúc.

Tuy nhiên, chỉ được ít lâu, Tú Uyên không còn chú tâm học hành, chỉ suốt ngày chơi bời trà rượu. Giáng Kiều bất lực khuyên can, giận mà bỏ về trời. Mất vợ, chàng thư sinh mới sực tỉnh cơn mê, đau khổ toan tự tử. Thấy chồng đã biết hối cải nên nàng tiên lại lần nữa hạ phàm.

Từ đây, Giáng Kiều dạy chồng bốc thuốc cứu người, tu tiên học đạo tạo phúc cho dân trong vùng. Hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc và sinh được một con trai. Một thời gian sau, cả nhà Tú Uyên đều tu hành đắc đạo nên đã bay về trời. Vì công lao cứu dân độ thế, Tú Uyên được vua Lê Thánh Tông truy phong danh hiệu “An Quốc chân nhân”, cho phối thờ vào chùa Đắc Quốc, từ đây chùa cũng đổi tên thành chùa An Quốc. Dân gian cũng đặt bài ca để tưởng nhớ công đức của An Quốc chân nhân: “Giúp cho đất nước thanh bình/Giúp cho sức mạnh dân làng an cư/Quan triều chính cùng vua hoan hỉ/ Sắm lễ ra miếu để tạ thần/ Chiếu phong “An quốc chân nhân” 

Muôn đời hương khói 

Trong thời Lê sơ, khi Đạo giáo thịnh hành, chùa An Quốc được xây dựng mở rộng thành cụm kiến trúc tâm linh bản sắc Đạo giáo, đổi tên thành Bích Câu đạo quán. Bích Câu đạo quán có kiến trúc đồ sộ gồm nhiều dãy nhà, trở thành nơi các đạo sỹ tu luyện và hành nghề y, được biết đến là một trong những thắng cảnh nổi bật của đất Thăng Long. Đến thời Lê trung hưng, Đạo giáo mất vị thế trong đời sống, Bích Câu đạo quán trở thành nơi phối thờ Mẫu, Phật, Tiên.

Sau nhiều năm biến loạn, Bích Câu đạo quán gần như hoang phế. Đến đời vua Gia Long triều Nguyễn, tổng trấn Bắc thành Lê Chất đã bỏ tiền riêng tu sửa lại. Trong thời kỳ cuối 1946 đầu 1947, quán từng là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Hà Nội rồi bị quân Pháp san bằng. Đến năm 1953, người dân địa phương đã quyên góp tiền của, công sức phục dựng lại. Năm 1990, Bích Câu Đạo quán được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Năm 2011, quán được UBND TP. Hà Nội cho trùng tu, phục dựng theo kiến trúc cổ trong bản vẽ truyền lại, tuy nhiên quy mô chỉ bằng một nửa ban đầu.

Ngày nay, quán nằm ngay đầu đường Cát Linh, thuộc phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội. Bích Câu đạo quán có cổng tam quan ở phía trước, đền thờ An Quốc chân nhân ở phía sau, chùa An Quốc ở bên phải, điện thờ Mẫu ở bên trái, chính giữa là khoảng sân với bình phong giả sơn, hai bên sân có giếng thiên địa, trong khuôn viên có những công trình phụ trợ khác. 

Bích Câu đạo quán là kiến trúc tôn giáo đậm chất Việt Nam trong thời tam giáo đồng nguyên và nổi bật lối kiến trúc đạo giáo với đủ yếu tố âm dương phong thủy. Quán hiện còn lưu được những hiện vật giá trị như ngôi tháp cổ, bức vẽ nàng tiên Giáng Kiều do Viện Viễn Đông Bác Cổ tặng và một bức tranh mô tả quần thể di tích này vào thế kỷ XV.

Phối cảnh Bích Câu Đạo quán qua tranh.
Phối cảnh Bích Câu Đạo quán qua tranh. 

Hiện nay, ngoài vai trò là nơi thực hành tín ngưỡng tôn giáo, Bích Câu đạo quán còn là điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội. Hàng năm, nhân dân thuộc đất Bích Câu xưa mở hội tế ở đạo quán vào các ngày mồng 4 tháng 2 âm lịch để tưởng nhớ ngày Tiên Ông thành đạo, ngày mồng 3 tháng 6 âm lịch để kỷ niệm ngày gia đình chân nhân bay về trời và lễ hội lớn nhất được tổ chức vào ngày 12 tháng 8 âm lịch là ngày sinh của Tiên Ông.

Hội chính có lễ thỉnh Tiên đảo bút ban chữ, người dân quan niệm rằng, trong khi hành lễ Tiên Ông sẽ hiển linh và ban chữ thông qua hành động của bồi tế. Ba người bồi tế được chọn từ những cụ ông trong vùng, yêu cầu đức cao vọng trọng và thông thạo chữ nho. Những người này phải chay tịnh nhiều ngày trước khi khai hội.

Khi làm lễ, các bồi tế sẽ mặc trang phục áo thụng xanh, đầu đội mũ thư sinh, đi hài xanh khi làm lễ tế. Khi thực hành nghi lễ đảo bút, một người cầm bút hạc ngồi trước ban thờ, lấy khăn đỏ che mặt. Khi được Tiên Ông ứng thì sẽ tung khăn và viết chữ trong vô thức lên một mâm đồng rải cát. Bên cạnh là một người có vai trò chép lại những từ Tiên Ông ban và một người có trách nhiệm ra soát, chỉnh lý công việc ghi chép.

Lễ đảo bút có thể kéo dài đến 3 ngày. Sau lễ là phần hội với chương trình ca trù và văn nghệ diễn tả cuộc sống của chân nhân và gia đình nơi trần thế cùng các hoạt động thi hoa thủy tiên, chọi gà, cờ người, thổi xôi, thi chuối đẹp. Chính lễ đạo quán được coi là lễ hội lớn nhất trong vùng Bích Câu, ngoài làm lễ ở Đạo quán thì tộc trưởng bảy họ lớn trong vùng cũng sẽ làm lễ ở từ đường dòng họ. Ngày nay người dân vùng Bích Câu vẫn tin và tự hào về những huyền thoại trên mảnh đất của mình.

Đọc thêm