Ngôi chùa không hòm công đức, nức danh với pho tượng táng 300 năm tuổi

(PLVN) - Về thăm xứ Kinh Bắc mà chưa lấy một lần đến vãn cảnh chùa Tiêu thì thật đáng tiếc. Chùa Tiêu còn có tên là chùa Thiên Tâm hay Tiêu Sơn Tự, nằm lưng chừng núi Tiêu, nay thuộc xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Ngôi chùa không hòm công đức, nức danh với pho tượng táng 300 năm tuổi

Nơi nuôi dạy Lý Công Uẩn

Tiêu Sơn cổ tự từng là một trung tâm Phật giáo lớn, được nhắc đến trong những trang đầu tiên của lịch sử vương triều Lý. Theo sử sách và truyền kể từ dân gian, chùa đã có từ rất lâu đời. Đến thời nhà Lý, chùa do Thiền sư Vạn Hạnh trụ trì. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Thái tổ họ Nguyễn (Lý). Người châu Cổ Pháp Lộ Bắc Giang. Mẹ là Phạm Thị, ngày 12 tháng 2 năm thứ 5 niên hiệu Thái Bình (974) sinh ra vua. Vua khi bé đã thông minh, khí độ, rộng rãi, du học ở chùa Lục Tổ, sư Vạn Hạnh trông thấy lấy làm lạ nói rằng: Đây là người phi thường sau này lớn lên tất có thể cứu nước, yên dân làm bậc minh chủ thiên hạ”.Lý Công Uẩn được 3 tuổi đã được mẹ đem lên chùa Tiêu gửi Thiền sư Lý Vạn Hạnh nuôi dạy lớn khôn. 

Hiện nay, chùa Tiêu còn lưu giữ nhiều tài liệu, cổ vật, những giai thoại phản ánh sống động về lai lịch, công trạng của Lý Công Uẩn và Quốc sư Lý Vạn Hạnh – người đã có công nuôi dưỡng, giáo dục Lý Công Uẩn từ thơ ấu cho tới lớn khôn, sau trở thành bậc minh vương khai lập nền văn minh Đại Việt.

Bí mật về nhục thân thiền sư Như Trí

Bãi bể nương dâu, chiến tranh loạn lạc, chùa chìm khuất vào ven đồi như một cổ tự. Cho đến một ngày cách nay 60 năm, khi nhà chùa dọn cỏ ở tháp Viên Tuệ, thì một viên gạch rơi ra.

Nhà chùa cầm viên gạch ghép lại chỗ cũ, thì phát hiện thấy dòng chữ in trên viên gạch: Hòa thượng Như Trí, viên tịch năm 1723 (Bảo Thái năm thứ tư triều Lê Dục Tông). Sau này, tìm hiểu các tài liệu, thấy tên sư Như Trí đứng thứ 15 trong danh sách các vị hòa thượng đã trụ trì chùa Tiêu, vẫn được chùa cúng thỉnh. 

Quang cảnh chùa Tiêu
Quang cảnh chùa Tiêu  

Qua khe hở do viên gạch rơi ra, ni sư Đàm Chính ghé mắt nhìn vào và giật mình suýt ngã khi thấy rõ ràng một người đang ngồi kiết già trong bảo tháp. Hoảng quá, ni sư Đàm Chính cầm viên gạch bịt kín lại và chôn chặt chuyện này trong lòng, không kể với bất kỳ ai. 

Theo các tài liệu còn lưu lại ở chùa, thiền sư Như Trí là đệ tử nối pháp của thiền sư Chân Nguyên. Thiền sư Như Trí đã từng khắc in lại bộ Thiền Uyển Tập Anh, là bộ sách có giá trị đặc biệt không những về lịch sử Phật giáo mà còn là một tác phẩm truyền kỳ có giá trị về văn học, triết học và văn hóa dân gian. 

Thiền sư Như Trí cùng người thầy Chân Nguyên của mình tiếp nối tinh thần phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Theo các tài liệu của thiền phái Trúc Lâm, sau khi mãn duyên độ sinh, ngài an nhiên trước sinh tử, nhập thất kiết già và để lại nhục thân bất hoại. 

Thời gian qua đi, một người đàn ông trong làng, khi thả trâu trên núi Tiêu, đã lên tháp Viên Tuệ với ýđịnh tìm vàng bạc.Gỡ mấy viên gạch ra, ông này nhìn thấy một pho tượng giống hệt một người còm nhom đang ngồi trong tháp. Do tò mò, ông ta đã kiếm một cây gậy chọc thử vào pho tượng. Kết quả, ông ta chọc thủng mặt vị thiền sư đã an tọa gần 300 năm trong tháp gạch rêu phong. 

Trải qua gần 300 năm, mặc cho sự khắc nghiệt của thời tiết, vi khuẩn, toàn thể nhục thân của thiền sư Như Trí đến nay vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí cả khối vật chất của phủ tạng cũng vẫn vẹn nguyên? Câu hỏi này về sự bí ẩn này cho đến nay chưa có lời giải đáp thỏa đáng. 

Việc tu bổ pho tượng táng nhục thân thiền sư Như Trí đã hoàn thành năm 2004. Tượng thiền sư Như Trí đã trở lại dáng vẻ gần như ban đầu và hiệnđược đặt trong nhà thờ Tổ với sự bảo quản vô cùng kỹ lưỡng.

Ngôi chùa không có hòm công đức

Đến chùa Tiêu, du khách thập phương không chỉ được chiêm bái pho tượng thiền sư Như Trí đầy bí ẩn và vô cùng quý giá ở Việt Nam, mà còn không khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước ngôi chùa chưa bao giờ có hòm công đức. Điều đó dường như trái với việc phổ biến hiện nay ở miền Bắc trong nhiều ngôi chùa, hầu như ban thờ nào cũng có hòm công đức lớn, nhỏ nhưng riêng ở chùa Tiêu thì không. Các ban thờ khá “đơn giản” bởi hoa quả, bánh kẹo, đèn nhang...

Theo sư cụ Đàm Chính trụ trì tại chùa Tiêu, nhà chùa chỉ nhận tiền công đức khi xây dựng cơ sở vật chất cho chùa. Khi xây dựng xong thì nhà chùa không nhận bất kỳ tiền công đức của ai. Vì khi nhận phải trông coi, không trông coi được sẽ bị đánh cắp. Khi nào nhà chùa xây dựng, cải tạo gì sẽ lại kêu gọi người dân công đức.

“Tôi không biết Chùa Tiêu không có hòm công đức từ khi nào và cũng không ai biết vì sao chùa lại không có hòm công đức. Khi xây dựng bất cứ công trình gì, nhà chùa đều hoàn thiện và xây dựng khang trang, đúng với tâm nguyện của những người góp công góp quả”- một bà vãi ở chùa vui vẻ tâm sự. 

Đọc thêm