Người Việt muôn phương: Cô gái Việt trở thành Giám đốc trẻ nhất Đại học London South Bank

(PLVN) - Sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo nhất của tỉnh Cao Bằng, Lương Ngân đã sớm quen với cuộc sống không đường xi măng, không điện, không lớp học mẫu giáo... Tuy nhiên, tất cả những điều đó không thể ngăn cản được cô gái nhỏ dân tộc Tày nuôi và hoàn thành được giấc mơ đi du học, lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ và trở thành một công dân toàn cầu như ngày hôm nay.
Lương Ngân cùng bố mẹ và em gái trong ngày cô bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.
Lương Ngân cùng bố mẹ và em gái trong ngày cô bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

* Người Việt muôn phương - (Bài 4): Món nem nướng Huế giúp người phụ nữ Việt thành tỷ phú trên đất Thái Lan

* Người Việt muôn phương - (Bài 2): Hoàng tử Đại Việt trở thành ông tổ dòng họ Lý trên bán đảo Triều Tiên

Lương Ngân hay Emily Ngân Lương (SN 1986) sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ và xuất sắc vượt qua hàng trăm ứng cử viên đã được chọn làm giảng viên của Đại học Kinh tế Nam London (School of Business, London South Bank - Anh Quốc). Lương Ngân hiện giữ chức Giám đốc quản lý khóa Cao học Marketing trẻ tuổi nhất tại Đại học Kinh tế Nam London. 

Cô gái ham học

Nhớ về quãng thời gian đã qua, Ngân cười nói rằng hồi nhỏ mình thường được gia đình và bạn bè trọc gọi là Ngân “còi” vì cô nhỏ quá. Ngân là người dân tộc Tày, sinh ra ở xóm Dẻ Gà, xã Lương Thông, huyện Thông Nông - một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Cao Bằng. Xóm nghèo nhỏ của người Tày nơi gia đình Ngân sống hồi đó không có điện, đường xá, không có cả lớp học mẫu giáo...

Theo hồi tưởng của Ngân, từ năm 1992-1994, lúc cô vào tiểu học, lớp học chỉ là nhà mái tranh, vách đất, bàn ghế làm bằng tre, nứa đóng tạm. Hàng ngày, Ngân phải cùng các bạn vượt qua nhiều km đường rừng núi hẻo hút để đến trường học dưới chân núi. Với điều kiện hết sức khó khăn, thời tiết khắc nghiệt nên hơn 20 học sinh trong lớp khi mùa đông áo không đủ ấm, mùa hè mưa to dột xuống mái tranh... 

Các bạn nhỏ nơi đây cũng như Ngân chưa ai biết đến ánh sáng của bóng điện, tivi, xe đạp. Thế giới mở ra trong tâm hồn Ngân và các bạn từ những bài học đánh vần, viết tên dòng sông Dẻ Rào, núi Phja Khao... lên trang giấy trắng. Dù quãng đường đi học vất vả nhưng đêm về Ngân vẫn chăm chỉ thắp đèn dầu, say sưa học bài. 

Lương Ngân trong ngày bảo vệ luận án Tiến sĩ.
Lương Ngân trong ngày bảo vệ luận án Tiến sĩ. 

Mẹ Ngân là cô giáo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thông thấu hiểu tâm lý trẻ thơ, tính ham học hỏi của con nên đêm đêm trăn trở, nghĩ suy. Rồi mẹ Ngân bàn với bố chuyển nhà ra Thị xã (nay là thành phố Cao Bằng) tạo điều kiện cho con đi học. Đến năm học lớp 3, mẹ Ngân quyết định xin chuyển con ra thị xã Cao Bằng học khi cô bé còn chưa biết nói tiếng phổ thông.

Ngân vẫn nhớ như in kỷ  niệm ngày đầu tiên đi học ở Trường Tiểu học Sông Hiến (Thành phố Cao Bằng), cô bị điểm 1 môn tập viết và điểm 0 môn toán do không biết tiếng Kinh. “Ngân còi” vốn nhút nhát, lúc đó thêm tự ti và mặc cảm vì thua kém các bạn.

May mắn, Ngân được cô giáo và gia đình động viên, cố gắng trau dồi kiến thức và tiếng Kinh và tự quan sát xung quanh, học hỏi từ các bạn. Từ năm lớp 4 trở đi, cô bé người Tày luôn trong danh sách tốp đầu của lớp. Ngân tâm sự: “Qua mỗi cấp học, thầy cô giáo lại mở ra chân trời tri thức mới khiến em say mê học tập. Em ước mơ mình làm được việc gì đó xây dựng quê hương”. 

Tiến sĩ Lương Ngân cùng sinh viên tại Đại Học London South Bank.
Tiến sĩ Lương Ngân cùng sinh viên tại Đại Học London South Bank. 

Năm 2001, dù là học sinh giỏi môn Văn cấp Quốc gia bậc THCS nhưng Ngân xin thi vào Khối chuyên Lý, Trường THPT Chuyên tỉnh và 3 năm học liền đều đạt học sinh giỏi. 

Biến cố xảy ra với Ngân vào năm 2004, khi Ngân trượt đại học nhưng cô hứa với bố mẹ, năm sau tiếp tục tự ôn thi vào Đại học Ngoại thương và bày tỏ khát khao  muốn đi du học nước ngoài. Dù vui mừng vì ước mơ của cô con gái nhỏ nhưng gia đình không khỏi lo lắng vì kinh tế eo hẹp không thể đáp ứng được những khoản chi phí lớn khi Ngân đi du học. Biết được nỗi niềm của bố mẹ, Ngân hứa nếu đi du học sẽ tự tìm việc làm lo kinh phí học tập.

Năm 2005, Ngân thi đỗ Đại học Ngoại thương. Từ đây Ngân tự mình bắt đầu và vượt qua nhiều khó khăn trên hành trình chinh phục ước mơ.

Hành trình “vượt vũ môn”

Ngay từ những năm đầu đại học, Ngân đã cố gắng vừa học vừa làm thêm để có thể tự trang trải cuộc sống, bớt đi phần nào gánh nặng cho bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp trường Ngoại thương, với vốn kiến thức của mình Ngân nhanh chóng tìm được công việc tốt ở Hà Nội. Mặc dù vậy, Ngân vẫn luôn ấp ủ một ước mơ đó là được khám phá thế giới bên ngoài.

“Ngày còn học ở ĐH Ngoại thương, tôi vẫn nhớ mình được học môn Văn hóa Anh, môn học mà tôi rất thích và từ đó đã tạo thêm động lực và mong muốn được đi du học ở Anh trong tôi. Tôi muốn được tiếp tục thử thách bản thân trên con đường học tập và khám phá đất nước Anh, cũng như để phát triển bản thân mình”, Ngân kể.

Năm 2011, Ngân thi đậu chương trình Thạc sĩ tại Trường Đại học Strathclyde, thành phố Glasgow, Vương quốc Anh. Vậy nhưng để thực hiện mục tiêu vươn ra thế giới, cô gái Việt gặp vô vàn rào cản, đặc biệt là chi phí cho việc du học tự túc ở xứ sương mù “đắt đỏ” vì gia đình không có điều kiện.

Tại nơi đất khách quê người, Ngân phải vừa học, vừa làm thêm, áp lực chồng chất lên đôi vai bé nhỏ của Ngân trên đất nước xa lạ. Cô phải tìm đủ mọi việc để làm thêm như làm trợ lý, nhân viên cửa hàng, rồi làm phiên dịch... có lúc Ngân như muốn gục ngã. 

Tiến sĩ Lương Ngân (thứ 3 từ phải sang) trao quà cho học sinh có thành tích xuất sắc của Trường THPT Chuyên tỉnh Cao Bằng.
 Tiến sĩ Lương Ngân (thứ 3 từ phải sang) trao quà cho học sinh có thành tích xuất sắc của Trường THPT Chuyên tỉnh Cao Bằng. 

“Sống ở đâu cũng có những cái khổ và cái sướng riêng, tôi thấy ở nước ngoài không sung sướng như nhiều người tưởng. Áp lực lúc nào cũng có, nhất là với người làm quản lý. Hơn nữa, những khác biệt về văn hóa và lối sống cũng là một cản trở lớn. Để vượt qua những trở ngại này, tôi nghĩ khả năng quan sát, tự học hỏi và năng lực hòa nhập vào môi trường sống với người bản địa là những yếu tố quan trọng nhất”, Lương Ngân nói về những áp lực khi sống ở nước ngoài mà đến tận thời điểm hiện tại Ngân vẫn đang cố gắng vượt qua. 

Năm 2012, cô gái Việt hoàn thành luận văn Thạc sĩ về vai trò của mạng xã hội đối với quản lý nhà hàng trong ứng dụng thực tiễn marketing được Trường Đại học Strathclyde đánh giá cao, là nghiên cứu mẫu trong lĩnh vực nhà hàng tại Việt Nam và Vương quốc Anh.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2017, Ngân bảo vệ Luận án Tiến sĩ thành công xuất sắc trước Hội đồng gồm nhiều nhà khoa học danh tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, marketing. Ngay sau đó, cô được Hội đồng nhà trường chọn làm giảng viên của London South Bank University. Đây là trường đại học danh tiếng có chất lượng giảng dạy hàng đầu thế giới. 

Chỉ sau một thời gian ngắn, Ngân được bổ nhiệm làm Giám đốc quản lý Khoa cao học Marketing. Ngân vẫn nhớ cảm giác khi nhận nhiệm vụ Giám đốc khoa: “Tôi đã rất lo lắng vì trong khoa toàn các Giáo sư, Tiến sĩ dày dặn kinh nghiệm. Rất may ở đây, lãnh đạo dù có trẻ tuổi nhưng vẫn được tôn trọng và ủng hộ”.

Sống và làm việc tại đất nước văn minh, hiện đại, công việc rất bận rộn nhưng ước mơ từ tuổi thơ vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim Lương Ngân. Cô dành quỹ thời gian eo hẹp của mình lập kế hoạch cá nhân cho các hoạt động hướng về góp sức xây dựng quê hương. 

Giữa tháng 12/2018, Ngân trở về Cao Bằng, thời gian chỉ có 2 tuần, cô bố trí kín lịch làm việc với tỉnh. Ngân biên soạn và lên lớp 2 buổi/ngày tập huấn miễn phí cho lớp Nông dân khởi nghiệp thuộc Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng (CSSP). Chưa dừng lại ở đây, Ngân xây dựng Dự án “Phát triển chiến lược kinh doanh du lịch dài hạn và bền vững trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” và sẽ trực tiếp triển khai với tỉnh từ năm 2019-2021.

Đọc thêm