Những nghi thức, tập tục lạ kỳ của người Mạ trên dải Trường Sơn

(PLVN) - Trên khắp dải đất Tây Nguyên hùng vĩ, hầu như dân tộc nào cũng đều có nét văn hóa đặc sắc, độc đáo riêng thông qua lễ hội, phong tục. Từ quá trình sản xuất lao động đến ma chay, cưới hỏi hiện vẫn còn lưu giữ được bản sắc văn hóa qua nhiều thế kỷ. Dân tộc Mạ, một trong những người bản địa sống lâu đời trên đất Tây Nguyên là một điển hình rõ nét.


Nghi thức bôi máu trong Lễ mừng lúa mới
Nghi thức bôi máu trong Lễ mừng lúa mới

Gọi hồn lúa trong ngày Lễ

Lễ mừng lúa mới thường được tổ chức sau khi hoàn tất quá trình thu hoạch, lúa đã được đóng bao và cất vào kho chứa. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Mạ, họ cầu mong hồn lúa, thần linh che chở, để giúp cho lúa phát triển tốt, được mùa, dân làng được an lành, ấm no.

Vào thời gian trước, nghi lễ này được thực hiện trong từng gia đình, dòng tộc. Nhưng đến nay, Lễ mừng lúa mới đã trở thành đại lễ của cả bon làng, nghi lễ được tổ chức lớn hay nhỏ phụ thuộc vào kinh tế chung của cả bon, số lượng lúa thu hoạch được nhiều hay ít.

Lễ vật chính cúng trong Lễ mừng lúa mới gồm một con heo, một con gà, một ché rượu cần, những loại nông sản đã được thu hoạch. Tiếp theo, già làng sẽ cắt tiết gà trống hiến sinh, sau đó, lấy máu bôi lên cây nêu và các vật xung quanh, rồi sau đó sẽ khấn gọi hồn lúa và các thần linh.

Sau khi khấn xong, già làng còn dâng tế thần linh một con lợn, một ché rượu cần và các loại nông sản đã thu hoạch được sau quá trình sản xuất. Khi tế xong, già làng mời khách và người dân mỗi người ăn một nắm cơm và một miếng thịt để chúc mừng buổi lễ thành công và cảm ơn các thần linh đã về chứng giám.

Già làng K’Măng (ngụ bon N’jriêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ: “Lễ mừng lúa mới là nghi lễ quan trọng nhất trong lao động sản xuất của người Mạ từ xưa đến nay. Đồng thời, đây cũng là dịp dân làng tỏ lòng thành kính với các vị thần, đặc biệt là thần hồn lúa đã ban cho họ có những cây lúa tốt, cho mùa gieo trồng thuận lợi và bội thu”.

Tiễn đưa người quá cố

Người Mạ còn quan niệm chết có 2 loại: chết lành (những cái chết bình thường, già yếu, bệnh tật) và chết dữ (chết bất ngờ, chết trẻ, chết bệnh đột ngột, tai nạn, hỏa hoạn, đuối nước...). Những cái chết dữ sẽ có nghi lễ, hủ tục và kiêng kỵ nhiều hơn và phức tạp hơn.

Khi gia đình có người bệnh đang hấp hối, con cháu trong nhà lần lượt đeo vòng cườm cho người bệnh, mong họ ra đi thanh thản, đồng thời, lấy ché gõ lên vai người sắp mất 7 lần. Đến lúc ngừng thở, mọi người bắt đầu than khóc. Đến khi khâm liệm, người nhà sẽ lấy máu gà bôi vào chân người chết, nhằm muốn người chết mang đi đau ốm, bệnh tật và để lại sự may mắn cho gia đình.

Khi có người chết, những thanh niên trong gia đình có nhiệm vụ vào rừng chọn cây để làm quan tài. Khi hoàn thành, họ dùng than, đá màu vẽ hình cây nêu lên thân quan tài. Khi đã có quan tài thì được để theo hướng “đầu trong chân ngoài”, tiếp theo đó, phải lấy sợi chỉ dệt thành hai cái khung hình thoi xếp từ ngoài vào trong và đặt ở hai đầu của quan tài. Người ta còn để một cục than lớn nhằm mục đích sưởi ấm cho linh hồn người chết khi xuống dưới âm phủ.

Trong lúc chuẩn bị đưa tang, gia chủ lấy máu gà bôi dưới chân quan tài để báo cho âm phủ biết có người sắp về dưới đó. Khi tiến hành đưa tang, quan tài không được khiêng đi từ cửa chính của ngôi nhà, mà phải đi bẳng của phụ hoặc tháo vách nhà để đưa quan tài ra khỏi nhà. Bởi, người Mạ có quan niệm rằng, khi còn sống người ta đi bằng cửa chính nên khi chết rồi thì họ phải ra đi bằng cửa khác. Khi đưa tang đến đầu làng, quan tài được quay 7 vòng để linh hồn người đã chết không thể quay về nhà được nữa. Tất cả tài sản của người chết sẽ mang theo để chôn cùng, có những thứ không chôn cùng được thì phải đập bể rồi bỏ bên cạnh bia mộ.

Đến lúc chôn cất xong, mọi người trong gia đình không được khóc nữa. Những người dự đám tang phải đi tắm rửa, giặt quần áo trên người để giũ đi sự dơ bẩn và xui xẻo. Khi mọi người đưa tang về lại nhà, gia chủ sẽ lấy nước ấm để người đưa tang về rửa mặt và tay chân rồi mới vào nhà ăn cơm. Ăn cơm xong, chủ nhà sẽ lấy tim gà xiên vào cây nhọn rồi gõ lên vai từng người trong nhà. Người dự đám tang về đến nhà sẽ cho chó liếm tay và không được đi vào nhà bằng cửa chính.

Còn đối với người chết dữ, bắt buộc phải làm lễ cúng 7 ngày cho dân làng, nếu không có điều kiện làm thì cuối năm phải cúng, vật cúng tế là bò với dê. Nghi lễ đối với người chết dữ cầu kỳ và phức tạp hơn nhiều. Nếu không, sau này trong làng có người đau ốm thì gia chủ của nhà có tang sẽ bị già làng phạt đền, hoặc khi cả bon không được mùa cũng bị đổ tội. Đối với những người chết dữ, gia đình phải tìm chim công để cúng, dùng ống tre gõ trên nóc nhà để đuổi “priêng” giải trừ xui xẻo...

Cô dâu chú rể chạm trán trong ngày cưới

Còn với việc hôn nhân, khi con trai có tình cảm với cô gái nào thì phải tìm người mai mối. Muốn lấy được cô gái, bên phía nhà trai cũng phải tốn kha khá sính lễ. Vào ngày cử hành hôn lễ, người con dâu mới phải gùi một gùi củi về nhà chồng, mẹ chồng là người đón và đỡ gùi củi đó xuống, sau đó hướng dẫn cô dâu mới và đón mọi người vào nhà làm lễ.

Nghi thức chạm trán cho cô dâu chú rể

Nghi thức chạm trán cho cô dâu chú rể

Trong lễ cưới, quan trọng nhất là nghi thức “chạm trán” cho cô dâu, chú rể. Đôi trai gái phải đứng bên nhau trước bàn thờ, người chủ hôn sẽ tượng trưng bôi máu con vật hiến tế lên trán cô dâu, chú rể để cầu mong sự may mắn đến với cặp vợ chồng mới. Tiếp đến, cô dâu, chú rể quì gối, đối mặt với nhau để chủ hôn trùm lên đầu họ một tấm đắp mới dệt, lúc này hai người ở trong tấm đắp phải chạm trán với nhau bảy cái, để thể hiện sự tâm đầu ý hợp của đôi vợ chồng trẻ. Đây là nghi thức thiêng liêng, như là lời thề thủy chung của đôi trai gái trước sự chứng kiến của thần linh và dân làng.

Và cuối cùng, người cậu của chú rể trao cho cô dâu và chú rể mỗi người một chiếc bánh bột nếp. Cô dâu và chú rể sẽ lần lượt trao cho nhau, họ cùng ăn chung hai chiếc bánh này và uống chung một bầu rượu cần hút từ chóe rượu cúng Yàng. Nghi thức này đánh dấu từ nay hai người sẽ bắt đầu cuộc sống chung, cùng ăn chung một mâm, uống chung một cần rượu và sẽ gắn bó với nhau suốt đời.

Sau ngày cưới, người Mạ vẫn giữ tập quán phổ biến đó là, người con rể phải về nhà bố mẹ vợ sinh sống, sau khi hoàn tất các lễ vật mới được đưa vợ về nhà mình. Tuy nhiên, tàn dư mẫu hệ và hình thức cư trú song phương vẫn còn tồn tại, ở một số nơi có kiểu bên nhà gái đi hỏi chồng thì họ cư trú luân phiên mỗi bên vài năm, đến khi một bên cha mẹ không còn nữa thì mới ở hẳn với bên có cha mẹ còn sống.

Ở người Mạ, tục kết hôn với em chồng hoặc em vợ vẫn còn tồn tại, nếu một trong 2 người chết đi, họ vẫn có thể lấy em vợ hoặc em chồng (trong trường hợp những người này còn độc thân).

Đặc biệt, người dân tộc Mạ cực kỳ ít trường hợp ly hôn, bởi theo phong tục của người Mạ, khi ly hôn phải được già làng đồng ý thì mới trở thành hợp thức. Bên cạnh đó, họ quan niệm rằng ngoại tình là tội rất lớn, những kẻ gian dâm phải chịu sự trừng phạt của thần linh, phải bồi thường cho người bị phụ tình theo cách phân xử của phong tục.

Trước sự phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, nhiều tập tục lạc hậu đã bị xóa bỏ, hoặc được cải tiến cho phù hợp. Tuy nhiên, đến nay những truyền thống và phong tục trên đang dần bị mai một. Vì thế, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Mạ ở Đắk Nông là điều hết sức cần thiết.

Đọc thêm