Vui xuân lành mạnh, an toàn trong khuôn khổ pháp luật

(PLVN) - Đôi khi, những niềm vui và sự bận rộn khi Tết đến Xuân về có thể khiến người ta tạm quên đi pháp luật; nhưng pháp luật thì luôn hiện hữu để điều chỉnh hành vi của mọi công dân để đi đúng quỹ đạo trong hành lang pháp lý an toàn. 
Vui xuân lành mạnh, an toàn trong khuôn khổ pháp luật

Bởi vậy, vui xuân lành mạnh, an toàn, tuân thủ đúng pháp luật chính là thông điệp mà Pháp luật Việt Nam gửi tới độc giả.

* Dịp Tết năm nay, nhóm bạn em mua vài bánh pháo nổ dự định sẽ đốt vào đêm giao thừa cho thêm phần rôm rả. Xin hỏi việc đốt pháo nổ như vậy có vi phạm pháp luật không? Đốt pháo với số lượng bao nhiêu thì mới bị xử lý?  

- Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, theo đó kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). 

Cũng từ năm 1994 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể về quản lý pháo nổ. Như vậy, mọi hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ nói chung đều là trái pháp luật và tùy theo mức độ nguy hiểm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC năm 2008 quy định thì việc đốt pháo là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Chương II của thông tư này. Các hoạt động đốt pháo cụ thể sẽ bị xử lý cụ thể như sau: 

- Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người; 

- Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy; -Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác; 

- Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo; -Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 

Pháo lậu bị cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy
 Pháo lậu bị cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy 

Hành vi đốt pháo tùy vào mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý tương ứng. Nếu hành vi đốt pháo mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ phải xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2016/NĐ CP năm 2016. 

Theo đó, về hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm với phạt tùy vào mức độ mà sẽ bị xử phạt thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là 40.000.000 đồng. Nếu hành vi vi phạm là nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội gây rối trật tự công cộng với mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù. 

*Mặc dù Chính phủ đã có chỉ thị cấm đốt pháo nổ nhưng tôi thấy trong những dịp đặc biệt vẫn diễn ra các hoạt động bắn pháo hoa, pháo nổ… Xin hỏi pháp luật quy định những ai, trong những trường hợp nào được phép sử dụng pháo nổ? 

- Theo Nghị định số 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo quy định về những người được sử dụng những loại pháo cụ thể, trong những trường hợp cụ thể được pháp luật cho phép như sau: Điều 5 Nghị định 36 về Các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng: 

1. Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép. 

2. Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa. 

3. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự. 

4. Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.” 

Theo Khoản 4, điều 5, Nghị định 36 kể trên, cá nhân hoặc tổ chức được phép sử dụng các loại pháo như sau: Pháo hoa lễ hội bằng giấy: là loại pháo khi bắn sẽ phun ra giấy, kim tuyến..; Pháo điện; Pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, tre, trúc, kim loại; Que hương phát sáng, pháo bông; Các sản phẩm tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh. 

Nghị định số 36/2009/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo quy định về những người được sử dụng những loại pháo cụ thể, trong những trường hợp cụ thể
 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo quy định về những người được sử dụng những loại pháo cụ thể, trong những trường hợp cụ thể 

* Tết này bạn em định rủ nhóm bạn thân trong xã (khoảng hơn chục người) đến nhà bạn ấy đón giao thừa vui Tết. Dự kiến chúng em sẽ tổ chức nhậu nhẹt liên hoan suốt đêm giao thừa đón mừng xuân mới, sau đó có chương trình thi hát karaoke tranh giải “Giọng hát vàng” , chạy xe máy thi tranh giải “Vua tốc độ”… Nhưng em rất băn khoăn, sợ rằng những việc làm của chúng em ảnh hưởng đến mọi người và sẽ bị mọi người nhắc nhở, xử lý; chưa kể cũng có thể vi phạm. Em xin hỏi pháp luật quy định vấn đề này như thế nào?   

- Điều bạn băn khoăn do dự là hoàn toàn có cơ sở. Tết nhất là dịp để sum họp gia đình, quây quần bên mâm cơm trước bàn thờ gia tiên, tri ân nguồn cội. Vậy nên vui đâu thì cũng chỉ nên chốc lát rồi trở về với gia đình mình chứ không nên tụ tập tại nhà người khácdù đó là bạn thân.

Chưa kể, những người trẻ tuổi, rượu bia nhậu nhẹt rất dễ mất kiểm soát hành vi, dẫn đến những hậu quả khó lường. Hãy khoan nói đến những va chạm, xô xát có thể xảy ra khi các bạn quá chén mà chạy xe trang ngôi vị “Vua tốc độ” trên đường; hay xô xát ẩu đả do nhậu xỉn… 

Mà chỉ xét riêng việc các bạn tụ tập thâu đêm suốt sáng, ăn uống hát hò đã gây ồn ào, khó chịu, ảnh hưởng đến người khác đã là vi phạm pháp luật rồi. Theo điểm a, khoản 1, điều 6 nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định: Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng. 

Ngoài ra, nếu việc mở nhạc, hát hò gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 17 Nghị định 155/2016 từ 1 - 160 triệu đồng. Nếu hành vi gây mất trật tự an ninh của các bạn ở mức độ nguy hiểm, đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì các bạn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 318 về Tội gây rối trật tự công cộng.

Điều luật quy định cụ thể như sau: “1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm." 

*Một người quen có đặt vấn đề sẽ gửi nhờ tại nhà tôi vài bao pháo nổ để bán trong dịp Tết sắp tới. Người này trấn an tôi rằng các bao hàng đã ghi rõ tên của anh ta là chủ hàng nên không liên quan gì đến tôi, nhưng tôi vẫn rất băn khoăn. Xin hỏi việc tôi giữ hộ số pháo nổ như thế có vi phạm pháp luật hay không, nếu có thì có thể bị xử lý như thế nào? 

- Trước hết, cần khẳng định hành vi trông hộ, giữ hộ, cho để nhờ pháo nổ chính là tàng trữ trái phép pháo nổ. Pháo nổ (không phân biệt nguồn gốc, xuất xứ) là loại hàng hóa cấm sản xuất, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép.

Người nào sử dụng, tàng trữ và buôn bán trái phép pháo nổ mà không được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì tùy thuộc vào mức độ thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

-Về xử phạt hành chính, theo điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tùy theo mức độ vi phạm, hành vi tàng trữ trái phép pháo nổ có thể bị phạt tiền mức thấp nhất từ 1 triệu đến 2 triệu đồng; mức cao nhất từ 20 triệu đến 40 triệu đồng nếu có hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt nam trái phép các loại pháo nổ. Ngoài hình thức phạt tiền, thì còn có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. 

- Nếu số lượng pháo nổ lớn, hành vi vi phạm ở mức độ nguy hiểm sẽ bị xử lý hình sự theo điều 232 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt thấp nhất từ 1-5 năm tù; nặng nhất có thể lên tới tù chung thân. Ngoài ra, theo điều 232, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.

Đọc thêm