Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn

(HPĐT)- Ngày 24- 11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12 bước sang ngày làm việc thứ 29. Buổi sáng, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường thông qua một số dự án luật.

(HPĐT)- Ngày 24- 11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12 bước sang ngày làm việc thứ 29. Buổi sáng, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường thông qua một số dự án luật. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất các Đại biểu Quốc hội.

Mở đầu phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải trình với đại biểu Quốc hội một số vấn đề đáng quan tâm như kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả; về khai thác, chế biến bô- xít và triển khai thí điểm hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ; về Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin; về bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân; khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung và một số nhiệm vụ chủ yếu về ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và triển khai nghị quyết của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Thủ tướng nêu rõ, sẽ tăng cường các biện pháp ổn định giá cả; chỉ thực hiện dự án bô- xít khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường; tiếp tục chỉ đạo sát sao đề án tái cơ cấu Vinashin hướng vào mục tiêu chất lượng và hiệu quả; nhanh chóng triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn… Tiếp đó, Thủ tướng trả lời trực tiếp chất vấn của 9 đại biểu Quốc hội chung quanh các vấn đề về Vinashin, trách nhiệm của Thủ tướng, của Chính phủ; về quản lý các tập đoàn và tổng công ty nhà nước; về điện, quy hoạch, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn… và nhiều nhóm vấn đề khác. Kết thúc phiên chất vấn, Thủ tướng nhấn mạnh: Được Quốc hội tín nhiệm, Thủ tướng đã làm hết sức mình trên tinh thần thực hiện nghiêm túc theo Hiến pháp và pháp luật, tất cả vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh thành công còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhưng lúc nào Thủ tướng cũng nghiêm túc nhìn nhận hạn chế, yếu kém của mình, luôn trân trọng các ý kiến đóng góp chân tình, trách nhiệm của Quốc hội, của nhân dân. Thủ tướng  mong Quốc hội  tiếp tục chia sẻ, ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ Thủ tướng hoàn thành nhiệm vụ.  

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội.

Với phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12 đã kết thúc 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đây là một kỳ họp, một kỳ chất vấn được quan tâm, có đổi mới, cải tiến, đạt kết quả thiết thực, có chất lượng tốt, cả về số lượng, quy mô, vấn đề chất vấn… 96,3% số đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tham dự kỳ chất vấn với sự quan tâm theo dõi của nhân dân, cử tri. Cùng với  234 chất vấn bằng văn bản của 94 đại biểu của 44 đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó có 164 văn bản được trả lời, tại hội trường có 104 đại biểu đăng ký chất vấn,  66 đại biểu được chất vấn, tham gia thảo luận, giải trình, làm rõ hơn, cho thấy tính nghiêm túc của kỳ chất vấn. Nhìn chung, các phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, chất lượng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, việc chất vấn, trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề ngày càng rõ ràng, tập trung hơn. Vinashin là một nhóm vấn đề không phải chỉ với Bộ trưởng, mà với cả thủ tướng, các Phó Thủ tướng… cùng trả lời, đi được đến cùng sự việc. Các vấn đề được trở đi trở lại, không chỉ nêu tình hình, mà phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, quan trọng hơn là nêu rõ trách nhiệm thuộc về ai, sắp tới xử lý thế nào. Hỏi và trao đổi đều có lý lẽ, có căn cứ, có thực tiễn. Mỗi Bộ trưởng đều có báo cáo trả lời chất vấn từ kỳ họp trước đến nay như thế nào. Đây là phong cách làm việc mới, rất đáng hoan nghênh. Tại các phiên chất vấn, số lượng đại biểu hỏi nhiều hơn, số lượng Bộ trưởng trả lời ít hơn, nhưng lại có sự tham gia nhiều hơn của các thành viên Chính phủ. Báo chí, phát thanh truyền hình trực tiếp công khai có tác dụng tốt, tạo không khí dân chủ trong xã hội, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước hiểu rõ hơn, gắn Quốc hội, Chính phủ với cử tri, với nhân dân. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu, cần tiếp tục cải tiến. Thành công lớn nhất, chung nhất là thông qua hỏi và trả lời, trao đổi, tranh luận, đã tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề, nhất là vấn đề lớn, quan trọng, nổi cộm, bức xúc, nêu ra và có tìm nguyên nhân, giải pháp, các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm thấy rõ hơn, chí ít đã biết yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân, cử tri đối với mình. Sự trao đổi thẳng thắn, chân tình, trách nhiệm, có khi gay gắt, nhưng có sự thông cảm, chia sẻ với nhau.

Những hạn chế là vẫn có trường hợp chất vấn chưa rõ vấn đề, hỏi dài, một người hỏi nhiều vấn đề quá, một vấn đề nhiều khía cạnh quá, có trường hợp còn vụn vặt chưa đúng tầm của Quốc hội. Có Bộ trưởng trả lời  hơi dài, cung cấp nhiều thông tin cho đại biểu Quốc hội, có trường hợp nặng về diễn giải, một số trường hợp nhận trách nhiệm thẳng thắn, nhưng có trường hợp còn chung chung, chưa cụ thể. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, sau kỳ chất vấn, đề nghị các thành viên Chính phủ triển khai thực hiện các chương trình kế hoạch mà đại biểu nêu. Việc gì làm được phải kiên quyết làm, nếu có vướng mắc đề nghị để sửa. Đại biểu Quốc hội theo dõi, giám sát lời hứa của các Bộ trưởng. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cương giám sát để hậu chất vấn là sự nối tiếp, phát huy kết quả của chất vấn; đề nghị nhân dân, cử tri cả nước cùng đại biểu Quốc hội theo dõi giám sát.

Chiều, cùng ngày Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; thông qua Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; thông qua Luật Tố tụng hành chính.

Ngày 25- 11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường theo chương trình xây dựng pháp luật./.

Đọc thêm