Kêu oan vì được... miễn tội

Trong một vụ án “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình), anh Nguyễn Văn T được miễn trách nhiệm hình sự nhưng vẫn “kêu oan”. Anh T cho rằng cơ quan tố tụng địa phương đã áp dụng sai pháp luật, chọn giải pháp “hòa cả làng” để “chạy tội” cho anh L là thủ phạm gây tai nạn, cũng là người mà anh T phải chịu tội thay...

Miễn trách nhiệm hình sự là quy định nhân văn của pháp luật, theo đó một người có hành vi phạm tội nhưng được pháp luật khoan hồng tha miễn. Tuy nhiên, do quy định của pháp luật còn chung chung và tương đối “mở” nên bên cạnh những trường hợp tha miễn đúng pháp luật thì vẫn còn tình trạng “lách luật”, miễn tùy tiện khiến không ít cảnh “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”, ảnh hưởng tới tính nghiêm minh, công bằng và nhân đạo của pháp luật…  

 

Miễn tội cho người “nhặt vợ”

Mới đây, TAND TP HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Lê Đức Thiên Tân (trú tại phường 14, quận 8, TP.HCM) về tội “Giao cấu với trẻ em” mà nạn nhân chính là vợ của bị cáo. Trước đó, Tân bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội danh này.

Gần hai năm trước, Tân dẫn một cô bạn “kẹt nét” về nhà ra mắt cha mẹ, lấy làm vợ nhưng không cưới hỏi, cũng không đăng ký kết hôn. Không lâu sau thì “vợ nhặt” của Tân có thai, lúc này gia đình và địa phương mới phát hiện cô vợ này chưa đủ 16 tuổi nên Tân bị mời lên công an làm việc, bị tạm giữ 2 ngày. Quá trình Tân bị truy tố về tội “Giao cấu với trẻ em”, hai người vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ vợ chồng.

Tháng 11/2012, khi TAND quận 8 xét xử, Tân bị tuyên 3 năm 6 tháng tù giam thì cô vợ đã kịp sinh đứa con gái thứ hai. Bị cáo Tân và gia đình kháng cáo xin miễn tội vì khi quan hệ với cô vợ “nhặt” về, Tân hoàn toàn không biết cô vợ còn “trẻ em” cũng như không nhận thức được quan hệ như vậy là phạm tội.

Xét hành vi của bị cáo thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, gây hậu quả nhưng đã được khắc phục hoàn toàn. Hơn nữa, Tân có nhân thân tốt, có khả năng tự cải tạo, tự giáo dục mà không cần áp dụng hình phạt nên đã tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo điều 25 BLHS thuộc trường hợp “hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Điều 25 - Bộ luật Hình sự 1999: Miễn trách nhiệm hình sự

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

2.Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

3.Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.

Việc miễn trách nhiệm hình sự cho anh Tân trong vụ án trên là đúng đắn và nhân văn nên tạo được sự đồng thuận trong dư luận. Bản thân Thẩm phán Nguyễn Đức Oánh (TAND TP HCM, chủ tọa phiên tòa) cũng bày tỏ quan điểm: Việc miễn hình phạt này không có nghĩa là Tân không phạm tội giao cấu và không nên hiểu là bất cứ hành vi yêu gái dưới 16 tuổi đều sẽ được hưởng khoan hồng đặc biệt như trường hợp anh Tân.

Pháp luật đặt ra đường lối mở, tòa xét thấy có thể áp dụng chế định miễn hình phạt tù do trường hợp này quá đặc biệt, phạm tội khi mới 18 tuổi, trình độ nhận thức lạc hậu và khiếm khuyết.

Mặt khác, bị cáo đã có trách nhiệm với vợ con, có cuộc sống chung và nơi ở ổn định. “Việc khoan hồng này thể hiện tính chất nhân đạo của pháp luật, thể hiện nguyên tắc xử lý có phân biệt và mục đích giáo dục phòng ngừa của pháp luật hình sự”, Thẩm phán Oánh bày tỏ.

Vẫn còn tình trạng “kẻ khóc, người cười”

Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng cho thấy không phải trường hợp miễn trách nhiệm hình sự nào cũng đúng pháp luật, được công dân tâm phục khẩu phục và tạo được sự đồng thuận của dư luận. Trong nhiều vụ việc cụ thể, cơ quan tố tụng đã “lách luật” khi thực hiện thao tác này để “khắc phục hậu quả” việc họ làm oan công dân.

Thế nên trong nhiều vụ án, nhiều người được miễn tội nhưng thay vì vui mừng thì họ lại rơi vào tình cảnh “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Do vẫn không thấy “tâm phục khẩu phục” với quyết định miễn tội nên họ vẫn khiếu nại kêu oan, và oái oăm là ở chỗ việc họ khiếu nại kêu oan là có căn cứ.

Đơn cử một vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Hưng Yên vào năm 2007, sau hơn 3 năm bị tạm giam vẫn không đủ căn cứ kết tội các bị can nên VKSND tối cao đã ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Văn Ch. (ở phường Hiến Nam, TP Hưng Yên) 7 đồng phạm khác với lý do “hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý thì đây là một vụ án oan sai do hình sự hóa quan hệ dân sự. Tuy nhiên, thay vì phải sòng phẳng, công tâm thừa nhận sai lầm để xin lỗi, minh oan cho họ thì cơ quan công tố cấp tối cao lại “lách luật” bằng cách áp dụng điều 25 BLHS để “ban ơn” miễn tội cho những người bị làm oan.

Tương tự, trong một vụ án “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình), anh Nguyễn Văn T được miễn trách nhiệm hình sự nhưng vẫn “kêu oan”. Anh T cho rằng cơ quan tố tụng địa phương đã áp dụng sai pháp luật, chọn giải pháp “hòa cả làng” để “chạy tội” cho anh L là thủ phạm gây tai nạn, cũng là người mà anh T phải chịu tội thay. 

Trước đó, khi họp án bàn về hướng giải quyết vụ việc trên, ngay trong nội bộ các cơ quan tố tụng huyện Minh Hóa cũng có những quan điểm bất đồng. Về yếu tố lỗi của anh L, VKS huyện nói có, Công an lại bảo không. Sau nhiều phiên họp án, cuối cùng liên ngành tố tụng quyết định thống nhất “hòa cả làng” bằng cách miễn luôn trách nhiệm hình sự cho anh T nhưng lại không đúng căn cứ pháp luật. Và như vậy, rõ ràng khiếu nại của anh T là có cơ sở.

Nguyễn Lê 

Đọc thêm