Khắc phục tình trạng thiếu cán bộ tư pháp ở cơ sở: Có sự thống nhất về cơ chế tuyển dụng và chế độ đãi ngộ

Trước thực trạng người ít việc nhiều, công việc của cán bộ tư pháp quá tải, các địa phương rất cần có thêm cán bộ tư pháp để san sẻ công việc. Giải quyết tình trạng quá tải, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp, cải cách hành chính cần sự quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương

Trước thực trạng người ít việc nhiều, công việc của cán bộ tư pháp quá tải, các địa phương rất cần có thêm cán bộ tư pháp để san sẻ công việc. Giải quyết tình trạng quá tải, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp, cải cách hành chính cần sự quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương

Khó tuyển được cán bộ tư pháp có năng lực

Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo phòng tư pháp, lãnh đạo UBND các địa phương thì khó khăn lớn nhất trong việc tuyển dụng cán bộ tư pháp hiện nay là cơ chế lương không hấp dẫn. Ông Phạm Hải Nam, Trưởng phòng Tư pháp huyện An Dương cho biết, phòng còn thiếu người nhưng hai năm nay vẫn chưa tuyển dụng đủ. Khi có sinh viên về thực tập, phòng “trải thảm đỏ” mời gọi, sẵn sàng nhận về làm việc, nhưng các em cũng không thiết tha. Ở cấp huyện có biên chế còn khó như vậy, việc tuyển cán bộ tư pháp ở cấp xã còn khó khăn hơn nhiều. Ông Nguyễn Đình Mai, Phó chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết, hơn 50% công việc ở địa phương liên quan đến công tác tư pháp, hộ tịch, xã cần bổ sung thêm cán bộ tư pháp nhưng loay hoay mãi chưa tìm được nguồn. Bà Chu Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND xã Phục Lễ nói: “Dù địa phương đã bố trí tạm thời được cán bộ giúp việc cho cán bộ TP-HT nhưng cũng chưa ổn định bởi mức lương xã trả quá thấp”. Huyện Thủy Nguyên mới có 8/37 xã, phường đã bố trí được 2 cán bộ tư pháp diện hợp đồng.

 Thử làm một phép tính đơn giản, với mức lương khởi điểm cử nhân Luật ra trường, nếu là biên chế, mỗi tháng khoảng 1,6 triệu đồng, như vậy thì khó có phòng tư pháp nào có thể thu hút được cán bộ có nưng lực. Trong khi một cử nhân Luật ra trường có nhiều cơ hội hấp dẫn khi làm cán bộ pháp chế cho các doanh nghiệp, các văn phòng luật sư, văn phòng công chứng…mà mức thu nhập trung bình đều hơn hẳn công chức tư pháp quận, huyện. Cấp huyện khó tuyển cán bộ giỏi, còn cấp xã hầu như không tuyển được cử nhân luật. Nếu tuyển được cán bộ có trình độ trung cấp Luật thì hầu hết cũng chỉ hưởng lương theo hợp đồng. Số xã, phường có điều kiện, lượng lệ phí chứng thực thu được nhiều có thể linh động bố trí cán bộ hợp đồng, nhưng thu nhập cũng không quá 1 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của lao động hợp đồng do ngân sách xã tự cân đối chỉ 500-750 nghìn đồng/người/tháng, khó  thể có thể hấp dẫn đối với cán bộ tư pháp.

 Trong khi không thu hút được cán bộ tư pháp do cơ chế lương không thì vẫn có tình trạng là cán bộ tư pháp luôn biến động, hoặc được chuyển làm cán bộ ở vị trí cao hơn, hoặc chuyển công việc. Theo một khảo sát, sau mỗi kỳ bầu cử đại biểu HĐND, khoảng hơn 10% cán bộ tư pháp vững về chuyên môn, nghiệp vụ có sự chuyển đổi vị trí, công việc. Điều đó cũng thêm khó khăn cho công việc của cán bộ tư pháp cơ sở.

Chứng thực tại UBND xã Phục Lễ (Thủy Nguyên)

Cần cơ chế rõ ràng, quyết tâm cao

Theo phân tích của ông Trần Văn Nguyên, Trưởng phòng Tư pháp huyện An Lão: ở cấp xã, thường chắc chắn có biên chế mới đào tạo cán bộ. Nếu không, khi đào tạo xong, không biết bố trí sắp xếp người được đào tạo vào vị trí nào, vừa mất công địa phương cử đi đào tạo, vừa gây tâm lý chán nản đối với người được đào tạo. Về mặt trình độ chuyên môn, cán bộ có thể vừa làm, vừa bồi dưỡng nghiệp vụ. Song cái khó nhất hiện nay là cơ chế chính sách. Khi không có biên chế, đồng nghĩa với việc địa phương không có kinh phí chi trả cho chức danh cán bộ được bố trí công việc. Trưởng phòng Tư pháp quận Dương Kinh Đỗ Bích Vân cho rằng, việc bố trí cán bộ tư pháp 2 thuộc thẩm quyền của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Nếu cán bộ lãnh đạo thực sự chăm lo đến công tác tư pháp của cơ sở sẽ có cách tháo gỡ.

Thực tế thời gian qua, một số địa phương đã bố trí cán bộ tư pháp 2 bằng cách ký hợp đồng, hoặc cử cán bộ văn phòng kiêm nhiệm, san sẻ, bớt công việc cho cán bộ TP-HT. Tại huyện An Dương, với những xã có nguồn cán bộ, đáp ứng yêu cầu (có bằng trung cấp Luật), phòng tư pháp huyện tham mưu UBND huyện ký hợp đồng với cán bộ tư pháp 2 . Như vậy, cán bộ tư pháp 2 ở xã sẽ được xếp lương theo ngạch bậc, hưởng lương của huyện cấp theo ngân sách. An Dương là huyện tiên phong trong bố trí cán bộ tư pháp 2 theo cách riêng của mình, bởi vậy toàn huyện có 14/16 xã đã có cán bộ tư pháp 2. Tuy nhiên, việc bố trí cán bộ tư pháp hợp đồng với huyện, hay xã cũng chỉ là “giải pháp tình thế”, bởi như vậy hiệu quả sẽ không cao, thiếu cơ chế ràng buộc chặt chẽ giữa quyền lợi và trách nhiệm, người làm hợp đồng có thể nay làm mai bỏ, ảnh hưởng đến công việc chung của địa phương.

Để phục vụ cho công tác tư pháp, hộ tịch, nhất là công tác chứng thực đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp tại cơ sở, ngày 10-10-2007, Sở Tư pháp có văn bản số 341đề nghị UBND thành phố, Sở Nội vụ quan tâm, bổ sung đủ biên chế và chỉ đạo UBND quận, huyện bố trí mỗi phòng Tư pháp có tối thiểu 6 biên chế cán bộ và mỗi xã, phường, thị trấn có 2 cán bộ tư pháp, hộ tịch. Ngày 17-11-2008, UBND thành phố có văn bản 6653 chỉ đạo các Sở Tư pháp Nội vụ, Tài chính, UBND các quận, huyện phối hợp kiện toàn, tổ chức bổ sung biên chế cán bộ tư pháp quận, huyện, xã, phường, thị trấn đáp ứng yêu cầu chứng thực nói riêng và công tác tư pháp ở địa phương nói chung. Tuy nhiên đến nay, việc bổ sung cán bộ tư pháp hộ tịch ở các địa phương vẫn chưa thực hiện được. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng công tác tư pháp cơ sở và tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Giải quyết vấn đề này, cần có một cơ chế rõ ràng và sự quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương. ./. 

Đọc thêm