Khách du lịch đến Hải Phòng: Không có cơ hội tiêu tiền?

Tại cuộc làm việc giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam và UBND thành phố, một thành viên của đoàn công tác thuộc Tổng cục du lịch đưa ra con số so sánh khiến những người tham dự giật mình.

Tại cuộc làm việc giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam và UBND thành phố, một thành viên của đoàn công tác thuộc Tổng cục du lịch đưa ra con số so sánh khiến những người tham dự giật mình. Theo số liệu thống kê, báo cáo của Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Hải Phòng, lượng khách du lịch đến thành phố Cảng năm 2009 hơn 4 triệu người, trong đó có gần 631 nghìn khách quốc tế, chiếm gần 10% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và 14% tổng lượng khách nội địa. Song doanh thu của du lịch Hải Phòng năm 2009 hơn 1,21 nghìn tỷ đồng, chưa bằng 1,7% doanh thu của ngành du lịch cả nước. Điều đó tiếp tục lặp lại trong thống kê về lượng khách và doanh thu của du lịch 6 tháng đầu năm 2010 khi lượng khách đến Hải Phòng gần 2 triệu người nhưng doanh thu cũng chỉ hơn 639 tỷ đồng. Bài toán hiệu quả và chất lượng du lịch Hải Phòng một lần nữa là đề tài gây nhiều tranh luận và băn khoăn.

Nhưng có một điều rõ ràng, mức chi tiêu của du khách đến Hải Phòng quá thấp và thấp hơn khách đến tỉnh bạn Quảng Ninh rất nhiều. Không khó để nhẩm tính, mỗi du khách đến Hải Phòng chỉ tiêu chừng hơn 320 nghìn đồng. Dường như du khách đến Hải Phòng “không có chỗ để tiêu tiền” như một số đại biểu thẳng thắn chỉ ra khi bàn về du lịch Hải Phòng. Theo tính toán, một công chức bình thường đi du lịch, công tác, mức chi tiêu tối thiểu theo quy định cũng tương đương với mức bình quân đó. Như vậy có nghĩa, rất nhiều người đến du lịch Hải Phòng gần như không chi tiêu gì, hoặc có cũng không đáng kể. Thực tế, một lượng khách không nhỏ đến du lịch Hải Phòng theo tính chất “vãng lai” trước khi đến một điểm du lịch khác như Hạ Long hay Hà Nội. Chẳng hạn, nhiều khách du lịch than phiền, tua du lịch nội thành Hải Phòng khá hấp dẫn với những địa danh như Quán Hoa, Nhà hát thành phố, tượng nữ tướng Lê Chân, đền Nghè, chùa Hàng, đình Hàng Kênh, nhưng khách cũng chỉ biết đến và đi qua. Bởi những điểm du lịch này không có điểm phụ trợ để khách tiêu tiền ngoài một số dịch vụ “ăn theo”, người bán hàng rong đeo bám, gây khó chịu cho khách.

Tại hội thảo quốc gia về phát triển du lịch Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vừa qua, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chia sẻ, ông cảm thấy buồn và tiếc khi các bãi biển của Việt Nam, từ Trà Cổ, Đồ Sơn đến Cửa Lò đều đang đánh mất dần vẻ đẹp vốn có. Du lịch phải là ngành lấy chất lượng và hiệu quả là chính. Nếu chạy theo số lượng, không tập trung nâng cao chất lượng, ngành du lịch sẽ không thể tạo ra sự đột biến, không thể phát triển bền vững.

Với Hải Phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: du lịch Hải Phòng chưa phát triển cùng tốc độ với sự phát triển kinh tế- xã hội thành phố. Hạ tầng du lịch chưa được đầu tư tương xứng, nhất là hai trọng điểm Đồ Sơn, Cát Bà, chưa có điểm du lịch hấp dẫn, có sức hút mạnh. Du lịch Hải Phòng vẫn mang nặng tính thời vụ khi tập trung “khai thác” vài tháng mùa hè nên khó tránh khỏi kiểu làm du lịch chụp giật. Điều đó kéo theo việc đầu tư cho du lịch cũng ít được quan tâm, nếu có cũng manh mún, mạnh ai nấy làm và chưa có hướng đi đột phá để tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao. Cái vòng luẩn quẩn vẫn chưa có lối thoát. Rõ ràng du lịch Hải Phòng đang cần hướng sự  đột phá để gây dựng thương hiệu mạnh, tạo sức hút về một điểm đến hấp dẫn. Nhưng có lẽ, hãy bắt đầu từ việc khắc phục tình trạng khách du lịch đến Hải Phòng không có cơ hội tiêu tiền để rồi bị mang tiếng là điểm “vãng lai”.

Đọc thêm