Khách quan, công bằng khi quy trách nhiệm Vinashin

Cuộc họp báo mới đây của Bộ GTVT và lãnh đạo Vinashin đã cân bằng tình trạng "bất đối xứng"  thông tin trong tiếp cận và tìm kiếm lời giải cho bài toán tái cấu trúc Vinashin. Cũng từ đây, câu hỏi được dư luận tiếp tục đặt ra là những khó khăn, đổ vỡ của Vinashin có phải chỉ "quy trách nhiệm" cho Chính phủ là đã công bằng và khách quan? Và sau bài học Vinashin, công tác giám sát, quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được "đổi mới" như thế nào?

Cuộc họp báo mới nhất của Bộ GTVT và lãnh đạo Vinashin đã cân bằng tình trạng "bất đối xứng"  thông tin trong tiếp cận và tìm kiếm lời giải cho bài toán tái cấu trúc Vinashin.

Cũng từ đây, câu hỏi được dư luận tiếp tục đặt ra là những khó khăn, đổ vỡ của Vinashin có phải chỉ "quy trách nhiệm" cho Chính phủ là đã công bằng và khách quan? Và sau bài học Vinashin, công tác giám sát, quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được "đổi mới" như thế nào để những "vết xe đổ" không lặp lại?

"Vinashin đi vay thì Vinashin sẽ phải tự trả"- Chủ tịch HĐTV Tập đoàn này khẳng định như vậy tại cuộc họp báo ngày 19.11.2010- ảnh MH

Quy trách nhiệm cũng cần khách quan, công bằng

Với tỷ lệ nợ/vốn điều lệ 2,8 lần, ông Nguyễn Ngọc Sự- Chủ tịch HĐ thành viên Vinashin tại cuộc họp báo ngày 19.11 vừa qua đã lạc quan khẳng định số nợ còn lại của Vinashin so với vốn điều lệ là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.

Khoản nợ 86.565 tỉ đồng của Vinashin từng khiến người dân lo ngại và phản ứng bởi theo cách "chia nợ" theo đầu người của một số đại biểu quốc hội thì đến đời con cháu chưa trả nợ xong theo ông Nguyễn Ngọc Sự thì " Vinashin là người đi vay thì sẽ phải trả". Vinashin chủ trương tập trung tài chính các công ty con về tập đoàn để tính toán trả nợ, tránh chồng chéo. Các chủ nợ của công ty con, công ty cháu" sẽ gặp trực tiếp tập đoàn để xử lý.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm việc  tiếp cận, nắm vấn đề thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu với tập đoàn Vinashin của Bộ còn hạn chế.

Với những thông tin đa chiều từ "những người trong cuộc", có thể nói những sai phạm của Vinashin bắt nguồn từ sự điều hành và quản lý nhà nước và việc quy trách nhiệm cần được nhìn nhận công bằng, khách quan để tìm ra đúng "lỗi" cần sửa.

Khi vấn đề "trách nhiệm" của Chính phủ được các đại biểu quốc hội đề cập, nhiều luồng ý kiến khác nhau đã khiến cho nghị trường đã nóng, đang nóng và tiếp tục còn nóng hổi. Bởi, nếu nói Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trong việc cho Vinashin vay lại trái phiếu quốc tế thì sẽ phải "lật lại dòng thời gian".  Thực tế, việc quyết định cho Vinashin vay lại trái phiếu quốc tế 750 triệu đã được Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định từ tháng 10.2005. Những thể chế, cơ chế về thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước đối với tập đoàn kinh tế cũng đã ra đời từ trước đó. Nên nói sai phạm của Vinashin có "lỗi cơ chế và hệ thống" không phải không có lý. Vấn đề là phải sửa "lỗi hệ thống" đó như thế nào?

Giải quyết khủng hoảng tại Vinashin cần tới sự hỗ trợ và chỉ đạo từ các Bộ, Ngành. Tuy nhiên, luôn cần xác định rõ, đây là vấn đề của một tổ chức kinh doanh, cho dù với quy mô rất lớn. Không chỉ người dân Việt Nam mà giới đầu tư, kinh doanh quốc tế cũng rất chú ý theo dõi quá trình xử lý những vấn đề tại Vinashin, bởi từ đây, họ có thể hình dung về hiệu quả vận hành của các tập đoàn kinh tế nhà nước, rộng hơn là hệ thống doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. Vì vậy, các giải pháp với Vinashin cần đảm bảo tính ổn định cho cả hệ thống kinh tế quốc gia. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đầu tư an toàn và hiệu quả. Công tác truyền thông giải quyết khủng hoảng Vinashin có nhiệm vụ gìn giữ và phát triển thương hiệu quốc gia.

Thực tế, sau bài học Vinashin, Chính phủ đã nhìn thấy những bất cập trong cơ chế giám sát, quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, ngành xem xét và báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, hoàn thiện công tác quản lý, giám sát này theo nguyên tắc chặt chẽ hơn.

Để không có Vinashin thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tất cả các tập đoàn khi vay vốn nước ngoài phải có sự đồng ý của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Các DN này khi góp vốn vào DN khác cũng phải đúng lĩnh vực,đúng ngành nghề, phải được chấp thuận của Bộ quản lý ngành.

Để "vết xe đổ" không lặp lại

Ngày 13/6/2010, kết luận cuộc họp cấp Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì để giải quyết các vấn đề của Vinashin, Chính phủ cho rằng ngoài các yếu tố khách quan như tác động của suy thoái kinh tế, nguyên nhân chủ quan là do Vinashin đầu tư dàn trải, việc quản lý dự án, công nợ, sử dụng đồng vốn còn nhiều hạn chế, yếu kém…”.

Trên thực tế,Vinashin đứng hàng đầu trong khối tập đoàn và tổng công ty nhà nước về tham vọng đầu tư đa ngành bất chấp nguyên tắc, từ đóng tàu đến vận tải biển, cảng biến tới sản xuất thép, xi măng, bia, dịch vụ hàng không, bảo hiểm, ngân hàng, nhập khẩu ôtô - xe máy

Trong nền kinh tế hiện đại, đa dạng hoá đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành xu hướng phát triển ngày càng đậm nét của các tập đoàn kinh tế ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xu hướng đa dạng hoá đầu tư được giải thích bởi một số lý do: cùng với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều ngành nghề mới được hình thành, nhiều lĩnh vực có tiềm năng chưa được khai thác triệt để, rào cản gia nhập ngành chưa sâu…, từ đó mang đến nhiều cơ hội, thách thức lớn và mới cho các doanh nghiệp cả ở thị trường trong nước, lẫn thị trường quốc tế tham gia và khẳng định mình trong các lĩnh vực đầu tư mới.

Có thể nói, việc đa dạng hoá đầu tư của các tập đoàn và doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển kinh doanh, từ sự xuất hiện cung - cầu mới, từ xu hướng phát triển ngành và sự phát triển của khoa học công nghệ, cũng như từ sự gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các đối thủ tiềm năng đòi hỏi các doanh nghiệp phải bám sát thị trường, nhạy bén và năng động nắm bắt những thời cơ mới, không ngừng mở rộng quy mô, phát huy được các nguồn lực bên trong, huy động được nguồn lực bên ngoài, giảm thiểu rủi ro theo kiểu” không bỏ hết trứng vào một giỏ “ và góp phần phát triển thị trường, tạo thế đà phát triển tiếp theo cho doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, các tập đoàn và công ty nhà nước lớn đã và đang giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, là công cụ để Nhà nước điều hành và phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng XHCN.

Như vậy, về bản chất kinh tế, các tập đoàn và công ty nhà nước không phải và càng không thể là định chế hoạt động thiên về đầu tư bề rộng thuần tuý với kỳ vọng thu lợi nhuận thị trường, mà chỉ nên tham gia hoặc đảm trách các hoạt động kinh doanh công ich và những hoạt động nào mà các doanh nghiệp tư nhân không muốn làm hoặc không được phép làm, để bảo đảm giữ cân đối và duy trì cạnh tranh lành mạnh, hoặc hỗ trợ và tạo động lực thúc đẩy đời sống kinh tế-xã hội diễn ra trơn chu, bình thường.

Đặc biệt, trong khuôn khổ cơ chế truyền thống hiện hành, các tập đoàn và công ty nhà nước thường nhận được nhiều và dễ khai thác, lạm dụng các ưu đãi (nhất là về vốn, nghĩa vụ tài chính và điều kiện đất đai) cùng các cơ hội kinh doanh độc quyền hơn những loại hình doanh nghiệp khác từ các “lỗ hổng cơ chế”, nên việc đầu tư đa ngành vì mục tiêu lợi nhuận thị trường thuần tuý, nhất là có tính chất cơ hội cục bộ, cá nhân tất yếu sẽ gây ra những cạnh tranh không lành mạnh hoặc những cái giá đắt đỏ phải trả cho rủi ro thị trường, sự thiếu trách nhiệm và nạn tham nhũng…

Thực tiễn cho thấy, việc hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực cũng có tính hai mặt của nó: Một mặt, nếu doanh nghiệp đi đúng hướng và đầu tư thành công sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu như đã nêu trên; mặt khác, nếu “ chệch hướng” hoặc đầu tư không hiệu quả có thể làm suy sụp hình ảnh của doanh nghiệp, thậm chí đánh mất thương hiệu và gây ra những thiệt hại to lớn khó lường cho doanh nghiệp.

Những tác động mặt trái của đa dạng hoá đầu tư là do: Khi doanh nghiệp đầu tư đa ngành, đa nghề ít nhiều bản thân doanh nghiệp đánh mất đi lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh của mình, rất dễ mắc sai lầm do sự phân tán các nguồn lực và thiếu kinh nghiệm của bộ máy quản lý. Bên cạnh đó, việc kiểm soát vốn vào hoạt động đa lĩnh vực là rất phức tạp, nếu làm không tốt thì sự thất thoát, lãng phí và khả năng đổ vỡ tài chính là những nguy có thực.

Đặc biệt, cần thấy rằng, với khả năng tài chính có hạn của mình, việc đầu tư vốn dàn trải sẽ buộc doanh nghiệp phải tìm đến nguồn vốn mới với những điều khoản thương mại ngặt nghèo, dễ đưa họ sa vào chiếc bẫy nợ nần hoặc sự lãng phí khủng khiếp nguồn vốn NSNN và tín dụng đầu tư các cấp, loại.

Tập quyền cần đi đôi với phân quyền và tăng cường giám sát, kiểm tra và phản biện xã hội; Quyền hạn phải song hành với trách nhiệm cá nhân rõ ràng và nghiêm khắc; Minh bạch hoá và công khai hoá chi tiêu NSNN và đầu tư công; Các tổ chức và dự án kinh tế nhà nước phải được vận hành vì lợi ích xã hội cụ thể, chứ không phải là cơ chế tiêu tiền công một cách lãng phí cho lợi ích của các cá nhân, phe nhóm có đặc quyền… Đó là những bài học không mới, nhưng đã, đang và sẽ còn luôn nóng hổi trong thực tế quản lý nhà nước và kinh doanh nói chung, trong quản lý các tập đoàn và công ty nhà nước nói riêng ở Việt Nam và các nước chuyển đổi khác trên thế giới         

Thực tiễn trên đây đòi hỏi cần đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc và thực hiện những cải tổ mạnh mẽ hơn nữa trong cơ chế quản lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu qủa hoạt động của các tập đoàn và công ty nhà nước. Đây cũng hành động thiết thực tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, kiềm chế lạm phát và bảo đảm sự phát triển bền vững của cả khu vực doanh nghiệp, lẫn của nền kinh tế-xã hội. Điều này tuỳ thuộc không chỉ vào bản thân doanh nghiệp, mà còn vào môi trường pháp lý và sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung và cả sự dũng cảm, thông minh của Chính phủ.../.

 TS Nguyễn Minh

Luật sư Bùi Việt Anh- Trưởng VPLS Tâm Hoàng Nghĩa:Thực tế Vinashin đã cố ý làm trái so với các quy định của pháp luật, cố tình báo cáo sai sự thật. Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cố ý làm trái thì người lãnh đạo doanh nghiệp phải có trách nhiệm về vấn đề này. Về vấn đề quy trách nhiệm, theo tôi thì khi có vấn đề xảy ra có trách nhiệm của tất cả các cơ quan liên quan. Chính phủ điều hành nền kinh tế, Quốc hội kiểm tra, giám sát việc điều hành công việc của Chính phủ, do vậy các đơn vị có liên quan đều phải xem xét và nhìn nhận lại trách nhiệm của mình. Tôi có xem kết luận của Bộ Chính trị trên mạng về vụ việc này, tôi thấy Bộ Chính trị cũng đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan và hợp lý.

Đọc thêm