Khai thác hải sản ở Đà Nẵng: Trông người mà ngẫm đến ta

Khai thác hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương có tiềm năng về biển. Đây là hoạt động đem lại nguồn lợi cao và nhanh, sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường tại chỗ mà có ý nghĩa quyết định sự tăng trưởng của lĩnh vực xuất khẩu, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. 

Khai thác hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương có tiềm năng về biển. Đây là hoạt động đem lại nguồn lợi cao và nhanh, sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường tại chỗ mà có ý nghĩa quyết định sự tăng trưởng của lĩnh vực xuất khẩu, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. 

Tàu của ngư dân Đà Nẵng hầu hết công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ.

Tàu của ngư dân Đà Nẵng hầu hết công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ.

Đối với thành phố Đà Nẵng, từ xa xưa đánh bắt hải sản đã khá phát triển, là hoạt động kinh tế chủ yếu của hàng nghìn hộ cư dân ven biển. Thời kỳ cao điểm, toàn thành phố có hơn 2.000 tàu lớn nhỏ, mỗi năm đưa từ biển về gần 50 nghìn tấn hải sản các loại. Tuy vậy, mấy năm gần đây hoạt động này giảm đáng kể cả về số lượng tàu thuyền và năng lực đánh bắt. Theo số liệu từ Sở NN&PTNT năm 2009, toàn thành phố có 1.835 chiếc tàu, tổng công suất 75.391 CV, đánh bắt được 35.700 tấn hải sản.

 

Hiện tại chỉ còn 1.763 chiếc, tổng công suất 73.312 CV, trong đó chỉ có hơn  160 chiếc tàu công suất từ 90 CV trở lên đủ khả năng đánh bắt xa  bờ.  7 tháng đầu năm nay, ngư dân toàn thành phố đánh bắt gần 25 nghìn tấn hải sản, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Thu nhập của ngư dân ở Đà Nẵng chỉ từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Có thể nói, khai thác hải sản ở Đà Nẵng đang tụt hậu khá xa so với các địa phương cùng khu vực. Gần 10 năm nay không đóng mới được chiếc tàu công suất lớn nào, trong khi đó hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ đã xả bản hoặc bán đi địa phương khác. Số tàu hiện có hạ thủy đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, nhiều chiếc nằm bờ hàng năm trời. Mặc dù Nghị định của Chính phủ cấm phát triển tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ, nhưng ở Đà Nẵng thúng máy phát triển khá nhiều. 

Nhìn sang địa phương cùng khu vực là tỉnh Quảng Ngãi, được coi là nghèo và ít có điều kiện đầu tư về cơ sở hậu cần nghề cá như Đà Nẵng, mới thấy hoạt động đánh bắt hải sản của thành phố Đà Nẵng đã và đang thua kém rất xa. Hiện địa phương này có hàng chục nghìn tàu thuyền công suất lớn, mỗi năm khai thác khoảng 120 nghìn tấn hải sản các loại.

Đây cũng là địa phương có các nghề lưới cản, lưới vây rất hiệu quả, phát triển đại trà. Hiện tại ở Quảng Ngãi đã hình thành nhiều HTX và doanh nghiệp khai thác hải sản biển quy mô lớn và đội tàu hậu cần nghề cá ra đời từ nhiều năm nay. Chỉ tính riêng khu vực Sa Huỳnh (gồm 2 xã Phổ Châu và Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) đã có 700 tàu cá, trong đó 250 chiếc công suất 250 CV/trở lên. Mỗi năm ngư dân Đức Phổ đưa từ biển về trên 40 nghìn tấn hải sản, trong đó 60% đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu. Tương tự, huyện Tư Nghĩa cũng có gần 1.000 tàu, trong đó 2/3 là tàu đánh bắt xa bờ.

 
Hải sản chất lượng cao ngày một ít dần.

Hải sản chất lượng cao ngày một ít dần.

Tại huyện này, HTX Đánh bắt hải sản Cỗ Lũy có hàng trăm chiếc tàu công suất lớn. Nhiều năm nay, HTX chủ trương không đóng mới tàu công suất 90 CV mà chủ yếu là loại 350 đến 500 CV. Chỉ tính năm 2009, HTX này hạ thủy 30 chiếc tàu công suất trên 400 CV, dự kiến năm nay hạ thủy tiếp 40 chiếc tương tự.

Tại các huyện ven biển Quảng Ngãi, mô hình làm ăn lớn về khai thác hải sản phát triển khá nhanh. Gia đình có đội tàu 3-4 chiếc công suất 350 CV khá phổ biến. Tàu công suất lớn, vươn khơi xa, đánh bắt bằng các nghề hiệu quả nên hoạt động khai thác hải sản ở Quảng Ngãi liên tục đạt sản lượng cao, ngư dân thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Phải nói rằng, so với các địa phương khác, hiệu quả đánh bắt hải sản ở Đà Nẵng rất thấp. Trong khi 31 tỉnh, thành có hoạt động khai thác hải sản biển, mỗi năm đánh bắt trên 2 triệu tấn, thành phố Đà Nẵng chiếm sản lượng quá khiêm tốn chưa đến 40 nghìn tấn, bằng 1 huyện của tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên? Trước hết phải thấy rằng sự quan tâm của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cho hoạt động đánh bắt hải sản còn quá ít. Việc hỗ trợ về vốn vay ưu đãi để ngư dân đóng mới tàu công suất lớn hầu như không có. Sau 2 cơn bão lớn là Chanchu và Xangsane năm 2006, tàu cá bị thiệt hại nhiều, năng lực đánh bắt giảm sút, các ngân hàng gần như quay lưng với ngư dân. Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề đánh bắt có triển khai nhưng kinh phí hạn hẹp, chỉ dừng lại ở dạng mô hình là chủ yếu.

Các cơ sở đóng sửa tàu thuyền đã giảm đáng kể so trước đây, hiện tại trên địa bàn thành phố không còn cơ sở nào thực hiện chức năng đóng mới tàu cá công suất lớn. Cùng theo đó, chi phí đầu vào liên tục tăng, trong khi giá hải sản không tăng, dẫn đến thu nhập của ngư dân thấp, ngày càng ít người gắn bó với biển. Đó là chưa kể, đánh bắt hải sản biển lắm rủi ro, rất vất vả, nhiều hộ cha truyền nhưng con không nối, lao động thiếu trầm trọng... Nói tóm lại, khai thác hải sản ở Đà Nẵng đang đối mặt với vô vàn khó khăn, nếu không có sự đầu tự hợp lý theo kiểu kích cầu khó nâng cao năng lực đánh bắt như các địa phương khác.

Nói về cơ sở hậu cần nghề cá, ít địa phương nào có được như Đà Nẵng. Cảng, chợ cá quy mô lớn, âu thuyền tránh bão xây dựng cơ bản, Khu Công nghiệp Dịch vụ thủy sản với hàng chục nhà máy quy mô lớn... Thế nhưng, cơ sở này đang là cơ hội cho ngư dân các địa phương bạn làm giàu, còn ngư dân Đà Nẵng đang thúc thủ trên những con tàu ọp ẹp, rệu rã, không mấy thiết tha ra biển. Hẳn rằng, trước thực trạng không lấy gì lạc quan này, chính quyền thành phố và ngành thủy sản sớm có giải pháp vực dậy ngành thủy sản, tương xứng với tiềm năng hiện có, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư đóng mới tàu công suất lớn và sớm hình thành đội tàu hậu cần nghề cá...

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu      

Đọc thêm