Khám phá khu vườn độc, lạ của thầy giáo miền Tây

(PLVN) -Qua bàn tay, khối óc của thầy giáo Huỳnh Công Thống (60 tuổi, giáo viên tại phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) khiến khu vườn có sức thu hút mãnh liệt từ các loại trái cây lạ từ ngoại quốc du nhập về 

Sở thích sưu tầm cây lạ

Thầy Thống cho biết, ngay từ khi còn nhỏ đã có niềm đam mê, yêu thích với cây cảnh. Và trong suốt hành trình cuộc đời mình, thầy luôn tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm nhiều giống cây mới lạ đem về trồng trong vườn, tích lũy qua năm tháng nay đã trở thành cả một khu vườn độc đáo ở miền Tây. Thế là mỗi lần có khách đến nhà, thầy lại phấn khích và niềm nở dẫn bạn bè, du khách đến tham quan khu vườn có một không hai của mình.

Theo chân thầy vào vườn, khách thập phương không thể không ngoái nhìn củ bình vôi khổng lồ với trọng lượng hơn 40kg. Khi được hỏi về tuổi đời của củ bình vôi này thì chính thầy cũng không rõ, vì từ thời ông nội đã có. Sau đó, đến đời của thầy Thống thì củ lại tiếp tục phát triển và ngày càng to hơn. Qua tìm hiểu, củ bình vôi này đã đạt giải nhất phần thi cây, củ quả lạ trong “Lễ hội vườn trái cây Tân Lộc” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức vào tháng 06/2019. Ngoài ra, cây sầu riêng gần trăm năm tuổi với chu vi khủng là 2,4m cũng là những điểm nhấn trong khu vườn. Đến nay, cây vẫn khỏe, sai trĩu quả và năng suất cho ra vẫn đều đặn mỗi năm.

Củ bình vôi khổng lồ và cây sầu riêng trăm năm tuổi là một trong những điểm nhấn của khu vườn.

Nhưng đó là chưa đủ, vào năm 2012, trong một lần tình cờ, thầy được người thân ở Mexico biếu một loại nho thân gỗ, ăn thì vị chua giống trái dâu, nhưng bề ngoài lại giống trái sung, ngon và lạ. Tiếp đó, thầy đã nhờ người thân gửi hạt giống về nghiên cứu. Sau nhiều năm trồng, lai tạo, hiện trong khu vườn đã có hơn 20 chủng loại nho thân gỗ.

Thầy Thống chia sẻ: “Thất bại cũng không ít lần, nhưng mình không nản, cũng đi tìm tòi kiến thức khắp nơi, dày công dành thời gian cho loại nho này cũng khá nhiều. Gần 10 năm qua, kể từ khi trồng được cây thích ứng với đất nơi này, số lượng cây trưởng thành tăng vọt và đã bắt đầu cho hiệu quả năng suất ổn định, mọi người biết đến vườn nho thân gỗ nhiều hơn, từ đó kinh tế gia đình cũng đi lên nhờ nó”.

Nho thân gỗ và Cherry Surinam luôn nhận được sự ưu ái từ khách tham quan cũng như các nhà vườn.

Theo đó, trái nho còn sống có màu xanh, khi chín sẽ có màu nâu đậm, da nhăn lại, đồng thời nước có vị ngọt, thịt có vị chua và chát của phần vỏ. Ngoài ra, cây Cherry Surinam (nguồn gốc Brazil) cũng được thầy quan tâm và trồng thử nghiệm tại vườn. Kết quả cho ra hơn mong đợi, cây được thuần hóa tốt, quả cho ra đều, trái có vị ngọt. Bên cạnh đó, còn có các loại cây độc đáo khác xuất hiện trong khu vườn như: cây bánh kem (nguồn gốc Pháp), phong lá đỏ (còn gọi là bụp Châu Phi), gỗ thánh, thủy tùng (nguồn gốc Đắk Lắk), óc chó ( nguồn gốc Bắc Mỹ), cây mắc ca (Macadamia), cây gõ đỏ…

Làm chơi, ăn thiệt

Hiện, số lượng cây nho giống các loại trong vườn đã đạt hơn 5000 cây, trung bình mỗi ngày vườn của thầy thu hoạch được 0,5 – 3kg từ các cây trưởng thành. Cây được lai tạo ra có sức sống mãnh liệt, phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam, chính vì thế nhiều nhà vườn đã tìm đến mua về trồng. Ban đầu gia đình chỉ bán cho vài người quen, nhưng càng lúc càng nhiều người đến mua, từ đó gia đình có thêm thu nhập nhờ việc nhân giống cây nho thân gỗ. Mỗi tháng thầy Thống cho ra thị trường 1.000 – 3.000 cây giống.

Hiện tại trong khu vườn đã có hơn 20 loại nho thân gỗ được thầy Huỳnh Công Thống lai tạo.

Với năng suất ổn định, bước đầu thầy bán nho thân gỗ tại vườn với giá 200.000đ/kg để mọi người biết đến loại nho này nhiều hơn. Sau đó, thầy mày mò tìm cách để bảo quản nho được lâu hơn bằng cách nấu siro nho với đường mạch nha cô đặc, cho ra mùi vị thơm nồng, chua ngọt, mỗi chai 450ml có giá 100.000đ.

Bên cạnh đó, được sự vận động của từ chính quyền địa phương, khu vườn 5000m2 của thầy Thống giờ đã là điểm du lịch sinh thái của quận Thốt Nốt, kết nối du lịch với bạn bè gần xa, đồng thời tạo điểm nhấn cho ngành du lịch địa phương. Dự định tương lai, khu vườn sẽ được chủ nhân mở rộng hơn nữa để mọi người biết đến và tham quan.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Trần Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc cho biết: “Hiện vườn nho thân gỗ thầy Thống là một loại hình miệt vườn mang tính đặc thù hết sức độc lạ, vườn chẳng những tiên phong, phát triển đạt hiệu quả cao mà đó còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, thông qua mô hình liên kết sản xuất theo hướng hợp tác xã gắn với du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đặc biệt luôn quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện về nhiều mặt để vườn thầy Thống là điểm nhấn cho khách du lịch gần xa biết đến”.

Cây nho thân gỗ cho trái quanh năm.

Sắp tới địa phương sẽ kiến nghị, xem xét cho các nhà vườn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm tăng cường năng lực, mở rộng quy mô, để cơ sở đồng bộ phát triển kinh tế kết hợp với quần thể du lịch sinh thái như: vườn dừa, vườn mận, vườn chôm chôm, vườn nho thân gỗ…phối hợp tạo nên tiếng nói cho vùng cung ứng trái cây và du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc, vị phó chủ tịch chia sẻ thêm.

Hiện nay, giống nho thân gỗ rất được sự quan tâm từ các nhà vườn tỉnh lân cận, thậm chí ở miền trung cũng tìm đến đặt mua và học hỏi kiến thức. Với nhiệt huyết và tấm lòng của một nhà giáo luôn muốn đem tri thức trao tặng đến mọi người, thầy Huỳnh Công Thống luôn sẵn sàng chia sẻ bí quyết của mình mỗi khi có ai đến học hỏi.

Đọc thêm