Khám phá món bánh dưỡng nhan của “hậu cung” Trung Hoa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung Quốc trong mắt du khách vốn là vùng đất xinh đẹp với những nét văn hóa độc đáo, cuốn hút. Bên cạnh đó nền ẩm thực nơi đây cũng vô cùng đa dạng, phong phú. Đặc biệt, món bánh quế hoa thanh khiết, nhẹ nhàng, vừa lạ miệng lại rất hấp dẫn, khiến bao người xao xuyến.
Khám phá món bánh dưỡng nhan của “hậu cung” Trung Hoa

Món điểm tâm của cung đình Trung Hoa

Nếu như bạn đã từng xem những bộ phim cổ trang Trung Quốc thì chắc sẽ không còn xa lạ với món bánh quế hoa đầy hấp dẫn. Món bánh này thường xuất hiện trong các gia đình quý tộc hoặc hoàng cung. Các cung tần mỹ nữ trong cung xem món bánh quế hoa như một món quà vặt độc đáo. Loại bánh này cũng thường xuyên được các cung nữ dâng lên hoàng hậu và các bậc phi tần trong hậu cung vào khi tiết thu mát mẻ và mùa hoa quế nở rộ.

Tương truyền cứ 10 bộ ngôn tình hay cung đấu thì có...9 bộ rưỡi xuất hiện bánh hoa quế, khẳng định mức độ kinh điển của nó trong ẩm thực dân gian lẫn ngự thiện cung đình Trung Hoa. Thiên hạ đồn rằng, cung phi ngày xưa thích tắm thơm từ hoa để tạo ra mùi hương quyến rũ, mà hoa quế chính là lựa chọn số một.

Chẳng phải tự nhiên mà người ta gọi loài hoa này là “cửu lý hương” (hương bay xa 9 dặm). Vì thế, ngoài hương vị thơm ngon và vẻ ngoài bắt mắt thì món bánh quế hoa cao còn có ẩn ý thâm sâu hơn nhiều: Bánh thơm như người, dùng bánh nhớ thiếp. Quế hoa cao, chỉ cần nghe tên thôi cũng khiến người ta thể liên tưởng đến sự thanh thanh, nhẹ nhàng và tràn đầy hương thơm.

Dù chỉ là một món bánh có vẻ ngoài khá đơn giản, thế nhưng ít ai biết rằng bánh quế hoa bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối của triều Minh (1368-1644), tính đến nay món bánh này đã có tuổi đời gần 400 năm. Mặc dù không rõ nguồn gốc chính xác của món ăn, nhưng theo dân gian lưu truyền rằng nhà thơ Dương Thận khi lên kinh ứng thí, ông nằm mộng thấy mình được lên cung trăng.

Trong giấc mơ, ông thấy một cung điện nguy nga và một cây quế hoa khổng lồ, tỏa hương ngào ngạt. Ông đào cây hoa lên rồi đem trở về mặt đất. Vào cuối thời Minh, một người bán hàng rong tên là Lưu Cát Tường ở Tân Đô đã dựa theo cảm hứng từ câu chuyện này, rồi tạo ra “quế hoa cao”.

Để làm ra món bánh này, ông thu thập bông quế hoa tươi và đem phơi khô hoặc ngâm nước muối để loại bớt vị cay và đắng, sau đó ướp hoa với đường hoặc ngâm mật ong. Bánh hoa quế được làm từ hỗn hợp các nguyên liệu mật hoa quế, bột gạo, bột nếp, dầu cải và đường (đường trắng hoặc đường mạch nha).

Tất cả được Lưu Cát Tường nhào nặn thật dẻo và đem đi hấp chín. Tiếp đó, ông dùng bột mì khô rắc lên làm bột áo hoặc dùng khăn ướt bọc lại để tránh dính tay, tiếp tục nhào nặn cho đến khi hỗn hợp bột mềm nhuyễn bóng mịn. Bước cuối cùng là cắt khối bột thành từng miếng vuông vắn, xoa dầu thực vật là hoàn thành món bánh mang đi bán.

Cứ thế món bánh lưu truyền suốt hàng trăm năm qua và trở thành một trong những loại bánh truyền thống lâu đời của dân tộc này. Nếu như trước kia, bánh quế hoa Trung Quốc trước đây thường chỉ xuất hiện trong những bữa yến tiệc của hoàng cung hay trong những gia đình giàu có nhưng nay đã trở nên rất phổ biến trong cuộc sống hàng này của người Hoa, là một món điểm tâm hay tráng miệng cực kỳ hấp dẫn.

Ngày nay để phù hợp với khẩu vị nhiều người, món bánh quế hoa có thể được “biến tấu” với nhiều công thức và nguyên liệu khác nhau. Theo thời gian, món bánh quế hoa này được nâng tầm khi thay thế bột nếp bằng bột củ năng, bột sắn và bột thạch dẻo để biến thành món tráng miệng trong suốt, khoe được vẻ đẹp của hoa. Ngoài ra, bánh có thể thêm chất làm đông để có vị giống thạch, hoặc thêm sữa dừa, sữa dê để tạo kết cấu xốp dẻo, béo mịn hơn.

Món bánh quế hoa được xem là sự sáng tạo độc đáo, ôm chứa tinh hoa ẩm thực riêng biệt của Trung Hoa. Thoạt nhìn, món bánh này khá đơn giản, nhưng để có được mùi thơm đặc trưng, người thợ phải lựa chọn thật kỹ từng cánh hoa quế nhỏ xíu, bởi chỉ cần hoa vàng úa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị bánh. Để làm được món bánh ngon đúng điệu thì đòi hỏi người chế biến phải tỉ mỉ và cẩn thận.

Ngày nay không chỉ có mật hoa quế, món bánh cũng có thể dùng trực tiếp hoa quế khô và một vài hạt kỷ tử đỏ. Bản thân kỳ tử là một thảo dược thường thấy trong các bài thuốc đông y có tác dụng sáng mắt, đẹp da chống lão hóa và tăng cường sinh lý. Sử dụng kỷ tử trong món bánh quế hoa này không chỉ có mang lại những công dụng tuyệt vời mà còn làm cho món bánh thêm phần đẹp mắt và tao nhã hơn, phù hợp làm món điểm tâm trong cho các cung tần, mỹ nữ.

Món bánh thanh cao, dưỡng nhan

Bánh quế hoa truyền thống tuy không quá nổi bật về vẻ bên ngoài thế nhưng lại hấp dẫn nhờ vào hương vị đặc biệt của mình. Bánh hoa quế được miêu tả là mềm xốp không khô, ngọt mà thanh, đặc biệt còn lưu giữa được hương thơm tinh tế của hoa quế, không hề gây ngán cho người thưởng thức, thử một miếng liền muốn dùng thêm miếng nữa.

Bí quyết nằm ở việc ngâm hoa quế cho bớt chất cay, ngào với đường và mật để giữ nguyên cái hương thơm nồng ấp mà không gây tê lưỡi, rát họng, càng ăn càng ấm bụng và dễ chịu. Khi ăn một chiếc bánh quế hoa, người ta sẽ cảm nhận được rõ nhất là vị thơm nồng của hoa quế, điểm xuyết vào đó là chút ngọt thanh của đường và mật. Ngày nay, bánh quế hoa đã trở thành đặc sản của Tân Đô, Trung Quốc. Mặc dù người Việt quen gọi là bánh, nhưng nó cũng gần giống như là món thạch rau câu.

Món bánh này không chỉ đẹp mà còn có công dụng dưỡng nhan. Trong Đông y, hoa quế là một loại dược liệu rất tốt cho sức khoẻ. Bản thân hoa quế có tính hàn, tươi mát và mang mùi thơm rất dễ chịu. Người ta thường lấy hoa tươi phơi khô dùng làm trà, làm gia vị thêm vào các thức ăn nhẹ hoặc làm thuốc trong y học. Mùi hoa khi nở rộ có mùi hương thoảng thơm của đào chín, mơ chín. Được biết, những loại hoa quế có thể dùng làm Quế hoa cao gồm quế tứ quý (vàng nhạt), đan quý (đỏ cam), kim quế (vàng tươi), ngân quế (vàng rất nhạt).

Khi ăn bánh quế hoa có vị cay ấm, hương thơm thanh nhẹ thoang thoảng, phảng phất của mùi trái mơ chín. Đông y cho rằng, tính ấm của quế hoa giúp làm giảm cơn đau bụng do kinh nguyệt, làm đẹp da, trị mụn, trị ho, thanh nhiệt hạ hỏa... bên cạnh đó, khi được dùng chung với mật ong, loai thảo dược này còn giúp sáng da, đen tóc và trở thành món ăn được nhiều phi tần, mỹ nữ thời xưa yêu thích. Thậm chí còn có tương truyền rằng nếu dùng bánh quế hoa thường xuyên ngoài giúp dưỡng nhan còn giúp cơ thể tỏa ra mùi thơm rất quyến rũ.

Bánh quế hoa phổ biến nhất là vào mùa thu, khi tiết trời dần mát mẻ và cũng là mùa hoa quế nở rộ. Nếu bánh quế hoa phiên bản thạch hợp để làm món tráng miệng thì bánh quế hoa phiên bản bột gạo hấp rất hấp để nhâm nhi với trà. Không chỉ ngon miệng và dễ làm, với công dụng chăm sóc sức khoẻ của mình, bánh quế hoa chắc chắn sẽ là món điểm tâm được nhiều chị em “săn đón” hiện nay.

Đọc thêm