Khám phá nghề muối (Kỳ 8): Người Ai Cập cổ đại cũng đã “sành” rau muối

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc sử dụng muối cho uớp xác của người Ai Cập cổ đến nay vẫn còn gây tranh cãi trong giới khoa học. Tuy nhiên, khó thể phủ nhận, muối là một trong những vật phẩm cúng tế quan trọng trong nghi thức dành cho người chết của người Ai Cập cổ đại.
Mẫu vật túi muối “natron” tại Phòng Trưng Bày cổ vật Ai Cập ở Washingtong DC (Mỹ).
Mẫu vật túi muối “natron” tại Phòng Trưng Bày cổ vật Ai Cập ở Washingtong DC (Mỹ).

Đồ ăn còn nguyên từ 2000 năm trước

Đối với người Ai Cập cổ đại, xác chết là “sợi dây kết nối” cuộc sống trần gian với thế giới bên kia. Cuộc sống vĩnh cửu có thể được duy trì bằng hình ảnh điêu khắc của một người hoặc bằng cách lặp lại tên của người đã khuất nhưng lý tưởng nhất chính là bảo quản thi thể người chết vĩnh viễn. Hầu hết trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của nền văn minh Ai Cập cổ đại, một ngôi mộ thường có hai phần: Phần dưới mặt đất để chứa thi hài và phần trên mặt đất dành cho các lễ vật.

Theo đó, thực phẩm là một trong những đồ cúng tế quan trọng cho người chết. Trong cuốn sách “Salt: A World History” (Lịch sử thế giới về Muối), tác giả Mark Kurlansky đã mô tả một ngôi mộ cổ của tầng lớp thượng lưu như sau: Đồ ăn còn sót lại được tìm thấy trong một ngôi mộ từ trước năm 2000 trước Công nguyên (TCN) bao gồm chim cút, chim bồ câu hầm, cá, sườn bò, thận, cháo lúa mạch, bánh mì, quả sung hầm, quả mọng, pho mát, rượu và bia. Ngoài ra còn có cá muối và một thùng gỗ đựng muối ăn.

Điều này được tác giả giải thích rằng, tầng lớp thượng lưu người Ai Cập cổ đại có chế độ ăn uống rất đa dạng, đến mức có nhiều học giả đánh giá đây là một trong những nền ẩm thực phát triển nhất thế giới tại thời điểm đó. Đơn cử, người Ai Cập đã biết trộn nước muối với giấm tạo ra một loại nước sốt gọi là “oxalme” mãi sau này mới trở nên phổ biến trong nền ẩm thực của người La Mã.

Mặt khác, cũng giống như người Trung Quốc cổ ở Tứ Xuyên, người Ai Cập cũng đánh giá cao hương vị của các loại rau được ngâm trong nước muối. “Không có thức ăn nào ngon hơn rau muối” là những từ được viết trên một thoại bản bằng giấy cói cổ được khai quật sau này. Ngoài ra, họ còn biết làm một loại gia vị từ cá hoặc ruột cá ngâm trong nước muối, gần tương tự với những loại gia vị tiền thân của nước tương ở Trung Quốc hay nước mắm ở Việt Nam.

Đối với người Ai Cập cổ đại, xác chết là “sợi dây kết nối” cuộc sống trần gian với thế giới bên kia.Đối với người Ai Cập cổ đại, xác chết là “sợi dây kết nối” cuộc sống trần gian với thế giới bên kia.

Một số nhà khảo cổ cho rằng người Ai Cập cổ đại có thể là nhóm người đầu tiên áp dụng kỹ thuật ướp muối cho thịt và cá. Bởi ghi chép sớm nhất của Trung Quốc về việc bảo quản cá trong muối từ khoảng 2000 năm TCN. Nhưng cá muối và thịt chim muối đã được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ Ai Cập từ rất lâu trước đó. Dù vậy, vẫn chưa có bằng chứng khảo cổ nào khẳng định chắc chắn điều này.

Nói chung, người Ai Cập cổ đại đã nhận ra ướp muối cho thịt có thể hấp thụ độ ẩm khiến vi khuẩn không có môi trường phát triển. Mặt khác, muối tự thân cũng có khả năng diệt vi khuẩn. Các nhà khoa học tìm thấy trong muối cổ đại của người Ai Cập có chứa một số tạp chất như “saltpeter” – có tác dụng diệt khuẩn mạnh. Mặt khác, ai cũng biết protein trong thịt trải qua quá trình biến đổi lý hóa khi tiếp xúc với nhiệt nhưng ít ai biết trong một số tương tự, muối cũng kích thích quá trình biến đổi này. Vì vậy, kỹ thuật ướp muối cho thịt, cá từ lâu cũng được xem là một trong các kỹ thuật nấu ăn.

Dù không thể chắc chắn người Ai Cập có phải là người đầu tiên phát hiện ra quá trình ướp muối hay không, nhưng các nhà khoa học khẳng định đây chắc chắn là nền văn minh đầu tiên bảo quản thực phẩm bằng muối trên quy mô lớn. Bởi lẽ, người cổ đại sống cạnh và dựa chủ yếu vào dòng sông Nile. Một năm khô hạn hoặc ngập lụt chính là thảm hoạ mà họ thường xuyên gặp phải. Để chuẩn bị ứng phó, người Ai Cập thu thập và dự trữ thực phẩm trong các hầm chứa khổng lồ. Để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm thường xuyên, người cổ đại đã tích luỹ vốn kiến thức đáng kể về quá trình lên men và cách bảo quản thực phẩm.

Muối cổ đại được thu thập thông qua phương pháp làm bốc hơi nước biển ở lưu vực sông Nile. Bên cạnh đó, người Ai Cập đã phát triển giao thương từ rất sớm. Vì vậy họ có thể mua từ một số nguồn muối ở Địa Trung Hải hoặc từ châu Phi, đặc biệt từ Lybia và Ethiopia. Địa phận Ai Cập cổ đại cũng có những hồ muối khô và các mỏ muối trong các sa mạc, nơi cung cấp rất nhiều loại muối khác nhau. Ngày nay, trên bàn ăn của người phương Tây có loại muối gọi là “Northern salt” (dịch: muối từ phương Bắc) và “red salt” (dịch: muối đỏ) được biết có thể xuất phát từ một hồ nước gần Memphis – thủ đô của Ai Cập cổ đại.

Muối có thực sự được dùng để ướp xác?

Rất lâu trước khi có bộ môn hoá học phát triển vào thế kỷ 17 và 18, khi các nhà hoá học tìm ra bảng nguyên tố và có thể phân biệt được các loại muối khác nhau, thì các nhà giả kim, thầy lang và đầu bếp thời cổ đại đã biết tới sự tồn tại của các loại muối khác nhau, với vị và tính chất hoá học riêng biệt. Có thể thấy người Ai Cập đã sử dụng từng loại muối cho nhiều mục đích khác nhau.

Nếu người Trung Quốc có thể phát minh ra thuốc súng từ hợp chất có thành phần muối kali nitrat thì người Ai Cập cổ đại tìm ra một loại muối khác để áp dụng trong kỹ thuật ướp xác. Mặc dù họ không thể diễn đạt chính xác bằng các thuật ngữ hoá học sau này mà đặt tên cho nó là “netjry” hoặc “natron” với ý nghĩa là “muối thần”. “Natron” là loại muối tự nhiên được tìm thấy trong một “wadi” – từ tiếng Ả Rập chỉ một lòng sông khô cạn (tương tự như thung lũng) cách Cairo khoảng 40 dặm về phía Tây Bắc, vị trí này được gọi là Natrun. “Natron” thường được tìm thấy với màu “trắng” hoặc “đỏ”, theo người Ai Cập cổ đại ghi chép lại. Nhưng trên thực tế, “natron trắng” có màu xám còn “natron đỏ” lại có màu hồng.

Một phần của lăng mộ Pha-ra-on Tutankhamen.

Một phần của lăng mộ Pha-ra-on Tutankhamen.

Nghi thức quan trọng nhất trong lễ tang Ai Cập là “the opening of the mouth” (tạm dịch: mở miệng), còn được biết đến là nghi thức “cắt dây rốn”. Theo quan niệm của người cổ đại, đây là nghi thức mang tính biểu tượng để giải phóng xác chết khỏi trần gian và có thể tiếp thụ dinh dưỡng ở thế giới bên kia; trên nguyên lý giống như việc cắt dây rốn cho một đứa trẻ sơ sinh là “khúc dạo đầu” cho việc đứa trẻ đó có thể bắt đầu cuộc sống và tiếp nhận nguồn dinh dưỡng ở trần thế. Sau đó, trong các nghi lễ cúng tế kết thúc, không thể thiếu muối. Tuy nhiên, “natron” hầu hết chỉ được sử dụng cho vua chúa và quý tộc vì ý nghĩa linh thiêng của nó.

Trong các ngôi mộ cổ được bảo quản công phu nhất được giới khảo cổ tìm thấy phải nhắc tới ngôi mộ của Pharaon Tutankhamen – ông đã chết ở tuổi 18 vào khoảng năm 1352 TCN. Ngôi mộ của ông được phát hiện vào năm 1922, được trang trí một con dao bằng đồng dùng để “cắt dây rốn”, xung quanh là bốn điện thờ, mỗi điện thờ có chứa những chiếc cốc chứa đầy hai thành phần quan trọng để bảo quản xác ướp: nhựa thông và “natron”.

Từ bao lâu nay, các nhà khoa học đã tranh cãi về việc liệu muối có thực sự hiệu quả để ướp xác hay không. Rất khó để biết, bởi vì khi xét nghiệm các mẫu “natron” cổ cũng chỉ phát hiện dấu vết một lượng nhỏ muối natri clorua sót lại trên các xác ướp.

(còn tiếp)

Đọc thêm