Khám phá nghề muối ngàn năm thăng trầm ở Tây Phi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Muối là một khoáng chất rất quan trọng đối với người dân Tây Phi kể từ thời cổ đại, thậm chí có thể được dùng để đổi vàng hay nô lệ. Do địa hình thiên nhiên ít mỏ khoảng sản tự nhiên, nguồn khoáng chất này được cung cấp chủ yếu thông qua những cuộc du hành của những thương nhân muối qua sa mạc Sahara rộng lớn.
Lạc đà là phương tiện chủ yếu vận chuyển muối qua sa mạc Sahara.
Lạc đà là phương tiện chủ yếu vận chuyển muối qua sa mạc Sahara.

Trong quyển II bộ sách “Lịch sử đại cương Châu Phi”, các nhà nghiên cứu của tổ chức UNESCO đã nhấn mạnh tầm quan trọng của muối đối với người châu Phi cổ đại: “Muối là một khoáng chất có nhu cầu rất lớn, đặc biệt trong thời kỳ đầu của chế độ sống dựa trên nông nghiệp. Những người săn bắt và hái lượm thức ăn có thể hấp thụ được một lượng lớn muối ăn từ động vật họ săn được và thực vật tươi.

Tuy nhiên, muối trở thành một chất phụ gia cần thiết khi thực phẩm tươi không thể duy trì được ở những nơi có khí hậu khô nóng, việc tiết mồ hôi của con người cũng làm thất thoát một lượng muối lớn. Đặc biệt, muối trở nên cực kỳ đáng mơ ước trong các xã hội có chế độ ăn khắt khe”.

Buôn bán muối phát đạt từ thời cổ đại

Những con đường giao thương muối giữa các quốc gia Tây Phi đã được hình thành, quy tụ về buôn bán tại các “trung tâm” thương mại lớn từ thời cổ đại đến thời Trung cổ như Koumbi Saleh (thuộc Đế quốc Ghana từ năm 300 đến khoảng năm 1100), Niani (thuộc nước Guinea hiện nay) và Timbuktu (thuộc quốc gia Mali). Phương tiện vận chuyển chủ yếu là lạc đà băng qua sa mạc hoặc bằng thuyền dọc theo các con sông lớn như Niger và Senegal. Muối thường được đóng thành phiến để dễ vận chuyển trên đường đi. Mỗi con lạc đà có thể mang theo bốn hoặc năm phiến muối.

Muối thời bấy giờ quý đến mức có thể được sử dụng để đổi lấy các loại hàng hoá khác như ngà voi, da động vật sống, đồng, sắt, ngũ cốc,… thậm chí là vàng ở một số vùng của Tây Phi. Mặt khác, cách chia trác phổ biến nhất giữa những người khai thác muối và chủ sở hữu lạc đà là với mỗi bốn tấm được vận chuyển đến Timbuktu, một tấm dành cho những người khai thác và ba tấm còn lại được trả cho chủ sở hữu lạc đà.

Khi việc buôn bán trở nên ngày càng phát đạt, những đoàn thương mại lớn đối mặt với nguy cơ bị tấn công bởi những nhóm thổ phỉ và những tên cướp. Do đó, họ phải tăng cường thêm các vệ sĩ, trai tráng khoẻ mạnh để bảo vệ được hàng hoá, ngăn ngừa hiểm nguy có thể xảy trên những hành trình dài.

Đơn cử, một trong những hành trình chở muối lớn nhất vào thời Trung cổ là những đoàn lữ hành gồm 40.000 con lạc đà chở muối từ Taoudenni – một trung tâm khai thác muối ở vùng sa mạc phía bắc Mali – đến thành phố Timbuktu nằm ở rìa nam của sa mạc Sahara, cách sông Niger 20km về phía bắc. Cuộc hành trình ước tính dài 435 dặm (gần 700km) kéo dài suốt một tháng.

Các chuyến lữ hành đối mặt với nhiều hiểm nguy trước những tên cướp.Các chuyến lữ hành đối mặt với nhiều hiểm nguy trước những tên cướp.

Nói thêm về Taoudenni – thủ phủ của Vùng Taoudénit – là nơi có rất nhiều mỏ muối nằm trên nền các hồ muối cổ xưa. Tại đây, muối được đào bằng từ lòng hồ muối cổ, được các thợ muối cắt thành phiến và vận chuyển bằng xe tải hoặc lạc đà đến Timbuktu. Vào cuối những năm 1960, dưới chế độ của Moussa Traoré, một nhà tù đã được xây dựng tại địa điểm này và các tù nhân bị buộc phải làm việc trong hầm mỏ. Nhà tù đã bị đóng cửa vào năm 1988.

Các thương nhân đổi muối lấy các các mặt hàng như da, vải bông và vàng ở thành phố Timbuktu và tiếp tục đi lên phía bắc về phía sông Niger – con sông lớn thứ 3 của châu Phi, chỉ sau sông Nile và sông Congo – để giao thương với các thương nhân đến từ khắp nơi, trong đó có các thương nhân châu Âu. Những người nô lệ cũng bị vận chuyển trên con đường này và thậm chí có lúc bị buôn bán để lấy muối. Các sản phẩm như kẹo cao su và tiêu melegueta ở Tây Phi từng là “cơn sốt” tại châu Âu thời Phục hưng.

Thăng trầm “cố đô muối” Timbuktu ở Tây Phi

Theo nhiều tài liệu sử học ghi lại, trong các điểm trung chuyển quan trọng của con đường giao thương muối xuyên Sahara, thành phố Timbuktu là điểm cuối cùng phía nam của tuyến thương mại qua Sahara đến phía tây của Địa Trung Hải. Timbuktu bắt đầu được tộc người di cư Tuareg xây dựng vào năm 1100 sau Công nguyên. Sau đó đến cuối thế kỷ 13, được sát nhập vào Đế chế Mali. Trong thời gian sở hữu Timbuktu, những vị vua Mali đã cho xây dựng những đền thờ hồi giáo lớn (vẫn còn đến ngày nay) và một khu dân cư dành cho hoàng tộc.

Trong quá khứ, thành phố Timbuktu đã từng được coi là trung tâm kiến thức của thế giới hồi giáo, đã từng rất phồn thịnh và giàu có. Để diễn tả điều này, một nhà thơ Ả Rập cổ sống tại Tây Phi đã viết: “Muối đến từ phương Bắc, vàng đến từ phương Nam còn tri thức đến từ Timbuktu”. Trong thế kỷ 14, Timbuktu chính là một điểm quan trọng trên con đường buôn vàng – nô lệ – muối xuyên Sahara. Trong thời gian này, Timbuktu rất nhộn nhịp với sự có mặt của nhiều thương gia Ả rập, Do Thái đến từ nhiều phương, bao gồm cả người châu Âu.

Tuy nhiên, về sau này, con đường giao thương này dần mất đi, thành phố Timbuktu cũng không còn giữ được vị trí đầu mối quan trọng của mình và bị suy yếu theo. Timbuktu chính thức đánh mất mình vào năm 1591 khi người Ma Rốc xâm chiếm thành phố này. Theo chính sách của người Ma Rốc, tất cả các học giả đều bị giết hoặc đưa về Ma Rốc để ngăn ngừa mầm mống chống đối chính quyền mới. Các cuộc tranh giành, nội chiến đã diễn ra để giành lấy Timbuktu kéo dài mãi đến năm 1893 khi thực dân Pháp chính thức bước vào châu Phi.

Tuy nhiên, thực dân Pháp đã giữ nguyên hiện trạng điêu tàn và cô lập của Timbuktu mà không xây đường xe lửa đến Timbuktu, giúp phát triển kinh tế nơi này như họ đã làm với những nơi khác. Đến năm 1960, Timbuktu trở thành một phần của nước Cộng hoà Mali độc lập. Năm 1988, thành phố được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Muối ở Taoudenni được cắt thành phiến để dễ vận chuyển.Muối ở Taoudenni được cắt thành phiến để dễ vận chuyển.

Dù rằng quá khứ huy hoàng của thành phố Timbuktu đã hầu như bị lãng quên trong nhiều thế kỷ, có một giá trị vẫn luôn được duy trì kể từ thời Trung cổ đến ngày nay. Đó là các đoàn lạc đà vẫn tiếp tục vận chuyển số lượng hàng hoá lớn, trong đó có các phiến muối từ các mỏ muối ở Taoudenni xuyên qua sa mạc Sahara đến các vùng Tây Phi và Trung Phi.

Vào thế kỷ 20, các nhà sử học ghi nhận một số đoàn lữ hành lạc đà giữa Taoudenni và Timbuktu vẫn còn hoạt động trên sa mạc Sahara. Muối được vận chuyển trong hai đoàn lữ hành lớn, một lần rời Timbuktu vào đầu tháng 11 và một lần khác rời Timbuktu vào cuối tháng 3. Nhà nhân chủng học người Mỹ Horace Miner đã dành 7 tháng ở thành phố cổ này vào năm 1939-1940 để chứng kiến điều này. Ông ghi chép lại, đoàn lữ hành mùa đông gồm hơn 4.000 con lạc đà vận chuyển tổng sản lượng lên tới 35.000 phiến muối.

Vào khoảng năm 2007–2008, tại Taoudenni vẫn ghi nhận có khoảng 350 đội các thợ mỏ, với tổng số thợ lên khoảng 1000 người vẫn đang làm việc. Những người thợ này sống trong những túp lều tạm bợ được xây dựng từ những khối muối kém chất lượng. Thời gian làm việc của họ tại các mỏ muối kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 để tránh những tháng nóng nhất trong năm.

Dù vẫn được duy trì đến ngày nay nhưng có thể thấy, nghề buôn muối tại Tây Phi đã không còn phát đạt như trước. Cuộc sống của những diêm dân thường khắc nghiệt trong khi các vụ thương lái muối truyền thống cũng ngày càng ít dần đi.

Đọc thêm