Khám phá tập quán sinh sống, lao động trên núi cao của người H’Mông ở Hà Giang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cách đây hơn 300 năm, người H’Mông đến với mảnh đất ở Hà Giang, sống trên các dãy núi cao từ 800m đến 1.700m so với mặt nước biển, cũng từ đó họ có nét văn hóa gắn bó với núi non trong đời sống sinh hoạt, tình cảm, tập tục, tâm linh.
Màn múa khèn của người H’Mông ở Hà Giang.
Màn múa khèn của người H’Mông ở Hà Giang.

Sinh sống lao động trên núi cao

Huyện Mèo vạc tiêu biểu cho các khu định cư của cộng đồng dân tộc H’Mông ở Hà Giang. Người H’Mông quan niệm vũ trụ có trời và đất, Vua trời cử ông Chày sinh ra bầu trời và cử bà Chày sinh ra mặt đất, lúc mới tạo ra mặt đất hình vuông, 4 góc phẳng phiu, bầu trời tròn, nhỏ hơn mặt đất, ông Chày bèn bảo bà Chày hãy co bớt mặt đất lại để nhỏ bằng mặt trời, bà Chày co lại và đã làm cho mặt đất lồi lõm, chỗ cao thành núi, chỗ thấp thành đồng bằng, chỗ hằn sâu thành sông, suối, ao, hồ, chỗ lõm sâu thành biển cả ... sau đó con người được sinh ra. Đó là quan niệm thô sơ, ban đầu của người H’Mông cũng như một số dân tộc khác khi giải thích về vũ trụ thời kỳ trước đây.

Người H’Mông sống ở độ cao 800m đến 1.700m so với mặt nước biển nên nước rất hiếm, vì vậy họ chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy, trồng ngô làm lương thực chính. Bên cạnh đó, họ còn trồng các cây khác: Đậu tương, khoai, dong giềng. Cây ăn quả: Mận, Táo, Lê, Đào... và các cây dược liệu: Xuyên khung, ý dĩ...

Nương của người Mông có hai vụ luân canh và quản canh. Trước kia người H’Mông trồng độc canh cây ngô, sau này do áp dụng khoa học kỹ thuật họ đã chuyển từ một vụ sang trồng 2 - 3 vụ. Do đất ít, chủ yếu canh tác trong các hốc đá nên họ có kỹ thuật thâm canh, xen canh khá cao, một nương ngô người H’Mông có thể trồng cả bí, dưa…

Ngoài các cây trồng trên, người Mông còn rất chăm chút đến một loại cây trồng nữa đó là cây lanh. Cây lanh được người H’Mông dành cho vạt đất tốt nhất, cho nhiều phân chuồng nhất để gieo hạt, sợi lanh dai và bền hơn sợi đay. Phụ nữ H’Mông dùng sợi lanh để dệt vải, may váy. Đã là phụ nữ H’Mông thì hầu hết không ai là không biết nghề dệt vải truyền thống.

Mùa gieo hạt trên cao nguyên Mèo Vạc (Hà Giang).
 Mùa gieo hạt trên cao nguyên Mèo Vạc (Hà Giang). 

Bên cạnh làm nương rẫy người H’Mông còn chú ý đến công việc chăn nuôi gia súc, gia cầm vì kinh tế của họ chủ yếu là tự cấp, tự túc. Chuồng gia súc người H’Mông làm ngay trước cửa nhà, có lát ván và làm vệ sinh hàng ngày. Họ quan niệm: Vạn vật đều có hồn, đối với vật nuôi trong nhà đều có "đá chỏ" (ma tổ) vì vậy khi mua vật về nuôi đều phải làm lễ, gồm: Một nén hương, bát nước, một mụn vải đỏ buộc vào chuồng nơi con vật ở.

Vật nuôi của người H’Mông là con bò, con ngựa, bò dùng để làm sức kéo (cày nương), ngựa dùng để cưỡi và thồ hàng. Khi bán và đổi ngựa người H’Mông giữ lại bộ yên cương vì họ cho rằng, có giữ lại bộ yên cương thì mua con ngựa sau mới tốt. Bên cạnh đó họ còn nuôi dê, lợn, gà, ngan, ngỗng... Những vật nuôi này người H’Mông thường để làm thức ăn dần trong gia đình, rất ít khi mang đi bán. 

Người H’Mông còn nuôi một loại đặc sản quý đó là ong mật, loài ong ở vùng núi cao hít khí trời trong lành, tìm hương hoa núi rừng hút nhụy nên cho một thứ mật sánh xanh, ngọt thơm, đây là loại dược liệu qúy dùng chữa nhiều bệnh tật.

Người H’Mông thường chế biến ngô thành hai loại lương thực chính là mèn mén (dùng thay cơm) và làm bánh trong những ngày lễ tết, hội hè.

Ngô bột làm mèn mén được say nhỏ bằng cối đá, sàng xảy thật sạch rồi cho nước vừa phải để nhào trộn thật tơi, sau đó cho vào chõ để đồ, khi hơi toả đều trên mặt chõ, lại mang ra nhào nước rồi cho vào chõ đun lần thứ hai cho tới khi chín. Vì bận công việc nương rẫy, hơn nữa làm mèn mén mất nhiều thời gian nên người H’Mông thường đồ một chõ đầy để ăn cả ngày.

Bánh ngô được làm bằng ngô nếp hoặc ngô tẻ non, nếu là ngô non họ chọn quả ngô bánh tẻ, bấm ra sữa, dùng dao mỏng lát lấy hạt ngô, sau đó cho vào cối say ra thứ nước quánh đặc như sữa. Bột ngô được vào lá chõ đồ thành bánh phở hoặc làm bánh trôi.

Thức ăn hàng ngày của người H’Mông gồm rau cải, đậu, bí đỏ. Ngày mùa, ngày tết, ngày lễ có thêm thịt gà, thịt dê, thịt lợn hoặc thịt bò. Thịt lợn có thể là thịt lạp treo trên bếp làm thức ăn dần, thịt bò có thể là thịt khô treo gác bếp, họ làm thức ăn thường ninh nhừ, ít có món xào. Bình thường cả nhà người H’Mông ngồi ăn chung, nếu có khách thì đàn ông và khách ăn trước, phụ nữ, trẻ em ăn sau.

Ngoài ra, người H’Mông còn có món ăn trong các phiên chợ, ngày hội, đó là món thắng cố, món thịt thái to, cả xương, lòng gia súc, thịt dê hoặc thịt bò hầm nhừ trong chảo, dùng ăn nóng.

Nhà ở của người H’Mông khá khang trang, họ dùng gỗ lợp tranh, lá, phên vách hoặc nhà trình tường lợp ngói âm - dương. Trong nhà thường có gác để cất giữ lương thực, thực phẩm và đồ dùng trong nhà. Nhà người H’Mông làm thống nhất theo một khuôn mẫu nhất định dù là nhà tranh, phên vách hay trình tường đều theo dáng chữ đinh. Mỗi vì nhà có 3 cột, một xà, nhà to hay nhỏ đều làm ba gian.

Văn hóa lễ hội của người H’Mông

Tết Nguyên đán có thể coi là ngày hội lớn của người H’Mông, đồng bào chuẩn bị cho những ngày tết rất chu đáo, cẩn thận. Ngày Tết không chỉ là ngày nghỉ ngơi, ăn uống thoả thích mà là ngày tụ họp, gặp gỡ gia đình, đón người thân đi công tác, học hành, đi làm ăn xa trở về. Ngày của người sống, người chết gặp nhau, con cháu làm lễ cúng viếng tổ tiên, chào mừng ngày âm dương giao hoà, cầu mong cho mọi sự được bình an, tốt đẹp. 

Người H’Mông cũng như các dân tộc khác coi ngày Tết là những ngày quan trọng, ngày họ có thể làm tròn nghĩa vụ với anh em, họ hàng, láng giềng, với tổ tiên, với các vị thần mà họ tôn thờ. Họ chuẩn bị giấy xanh, đỏ, giấy bản, gà trống, trứng gà, ngô, rượu, nước, những gia đình khá giả có thể mổ lợn, dê, bò... làm lễ cúng. 

Thầy mo làm lễ trong Lễ hội Gầu Tào.
 Thầy mo làm lễ trong Lễ hội Gầu Tào. 

Với họ ngày 30 tết là ngày trọng đại nhất, họ làm lễ cúng đêm 30 rất cẩn thận, chu đáo. Sau giao thừa, người đàn ông mới được đi lấy nước, họ cầm 3 thẻ hương, 3 tờ giấy bản, cắm đốt ở đầu nguồn nước, khấn xin được lấy nước, nước lấy về qua cửa chính, 2 lần ra, 3 lần vào, sau đó đổ lên các chén trên bàn thờ làm nước cúng. Nước sáng mùng 1 là nước tinh khiết, uống vào người sẽ khoẻ mạnh, trừ được ma quỷ, vì thế họ đổ vào đun một ấm để uống.

Mùng 1 họ làm cơm mới, thịt mới, nước mới cúng tổ tiên. Mùng 2, mùng 3 tết họ lấy cơm thịt của ngày mùng 1 đi nhét vào các cây ăn quả quanh nhà để lấy phúc cho cây, cây sẽ sai quả cho mùa bội thu.

Ngoài Tết nguyên đán, người H’Mông còn ăn Tết Rằm tháng giêng (15/1 âm), Tết Thanh minh (3/3), Tết Đoan ngọ (5/5)... giống các dân tộc khác trong nước.

Lễ hội Gầu Tào, cúng mưa, cúng cơm mới người H’Mông làm rất đơn giản và gọn nhẹ. Người H’Mông có phiên chợ tình (chợ Phong lưu) Khâu vai (huyện Mèo Vạc), mỗi năm có một phiên tổ chức vào ngày 27/3 âm. Chợ tình - người đến chợ không phải để bán mua mà là để gặp lại bạn tình xưa. Cả nhà: Ông, bà, cha, mẹ, con cái cùng đi, không có sự ghen tuông, nghi kỵ, những đôi lứa yêu nhau dù đã lên ông, lên bà, dù đã có vợ, có chồng đều có thể gặp lại bạn xưa để tâm tình công khai, tha thiết. Tan chợ ai về nhà nấy, còn quyến luyến, vấn vương gì thì lại đợi ngày này phiên chợ năm sau.

Đây là một hình thức sinh hoạt độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc. Ngoài ra chợ tình cũng như phiên chợ thường, đều trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hoá lành mạnh với các điệu múa khèn, xoè ô, đua ngựa, thổi kèn lá ... Chợ tình chính là ngày hội lớn của người H’Mông ở Hà Giang.

Đọc thêm