Khám phá thế giới quan thần bí trong "Việt điện u linh tập"

(PLVN) - "Việt điện u linh tập" là cuốn sách được viết vào thế kỷ 14, được hiểu là Tập truyện về cõi u linh của nước Việt. Có người đánh giá Việt điện u linh tậplà cuốn sách chứa đựng thế giới quan thần bí.
Bìa sách "Việt điện u linh tập".

"Việt điện u linh tập" được cho là của Lý Tế Xuyên, điều này được khẳng định trong các tác phẩm: Đại Việt thông sử và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí (Văn tịch chí) của Phan Huy Chú.

Lý Tế Xuyên chưa rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết rằng, tác giả sống vào khoảng cuối thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 14. Quê quán của Lý Tế Xuyên cũng chưa được rõ ràng.

Theo một tài liệu, Lý Tế Xuyên từng giữ chức Thủ đại tạng thư Hỏa chính trưởng trung phẩm, Phụng ngự, An Tiêm lộ chuyển vận sứ thời vua Trần Hiến Tông.

Việt điện u linh tập được cho là xuất bản vào khoảng năm 1329. Cuốn sách gồm 27 thiên, chia làm 3 mục (Nhân quân, Nhân thần, Hạo khí) kể về công tích 27 vị thần được thờ trong các đền miếu thời Lý -Trần. Sau này, có một số nho sĩ khác bổ sung thêm vào Việt điện u linh tập.

Thông qua cuốn sách mà ta biết được thêm về Sĩ Nhiếp, Phùng Hưng, Triệu Quang Phục, Hai Bà Trưng, Lý Hoảng, Lý Ông Trọng, Lý Thường Kiệt, Thần Tô Lịch, Phạm Cự Lượng, Trương Hống, Trương Hát, Lý Phục Man, Cao Lỗ, Thần Phù Đổng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thần Châu Đằng, Thần Bạch Hạc, Thần Hải Thanh, Nam Hải long quân…

Đánh giá về Việt điện u linh tập, Nguyễn Phương Chi trong Từ điển văn học (bộ mới) viết: “Việt điện u linh tập" được viết ra trong một thời đại xa xưa nên không khỏi mang những hạn chế do điều kiện lịch sử...Cuốn sách chứa đựng thế giới quan thần bí, mang tư tưởng thần linh chủ nghĩa trộn lẫn với ý thức hệ phong kiến...

Tuy nhiên, nếu tước đi cái vỏ tôn giáo thì đằng sau câu chuyện của các thần linh lại bao trùm và phản ánh những lý tưởng tốt đẹp và niềm tin tưởng chân thành của nhân dân ngày xưa.

"Truyện Quảng Lợi Đại vương" (tức Thần Long Đỗ) là một thí dụ tiêu biểu. Ở đây tín ngưỡng chỉ là cái vỏ mà nội dung chính là ý thức phản kháng, sức mạnh quật cường của nhân dân Việt nhằm chống lại những âm mưu quỷ quyệt của Cao Biền, một viên quan đô hộ đến từ Trung Quốc...”.

Đọc Việt điện u linh tập, có người nói rằng, qua đó, ta biết được giá trị luân lý, giá trị tôn giáo, và giá trị lịch sử. Qua cuốn sách này, ta cũng hiểu thêm về tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam. Cuốn sách cũng giúp ta hiểu hơn về đất nước ta, để thêm yêu nhiều hơn.

Đọc thêm