Khám phá thị trấn ngầm dưới lòng đất độc nhất vô nhị ở Australia

(PLVN) - Thế giới rộng lớn này có rất nhiều điều mới lạ cho chúng ta khám phá. Các công trình kiến trúc hoành tráng có thể khiến chúng ta trầm trồ về sự tài giỏi của con người, nhưng thị trấn ngầm Coober Pedy chắc chắn còn khiến nhiều người ngạc nhiên hơn.
Người dân ở Coober Pedy đã xây dựng cả một thị trấn dưới lòng đất để tránh cái nắng nóng trên sa mạc tới 48 - 50 độ
Người dân ở Coober Pedy đã xây dựng cả một thị trấn dưới lòng đất để tránh cái nắng nóng trên sa mạc tới 48 - 50 độ

Thủ phủ đá mắt mèo 

Opal Coober Pedy là một thị trấn nhỏ ở miền Nam Australia, cách Adelaide 850 km, vốn có khí hậu sa mạc khắc nghiệt. Cảnh quan trên bề mặt chẳng khác nào mặt trăng, nhưng ở dưới thì lại sầm uất và náo nhiệt với khoảng 3.500 người sinh sống.

Thị trấn Coober Pedy nằm bí ẩn dưới lòng đất ở đất nước Australia xinh đẹp. Nhìn thoáng qua, ai cũng nghĩ thị trấn này rất vắng vẻ, hoang tàn. Một vùng đồng bằng cằn cỗi với vài ngôi nhà thưa thớt cách nhau xa cả vài chục mét. Nếu bạn có dịp đi đến Coober Pedy, bạn sẽ nhìn thấy những miệng hố như thể “hố tử thần”. Những cái hố miệng rộng, sâu hoắm, tối đen tưởng như bước vào đó là “một đi không trở lại”.

Nhưng không ngờ nó lại là những cửa ngõ dẫn đến một thế giới do chính con người tạo ta, một thế giới ngầm hoàn toàn khác. Thị trấn này được mệnh danh là thủ đô opal (đá mắt mèo) của thế giới do sản lượng lớn opal được khai thác ở đây. Thị trấn ban đầu được đặt tên theo tên nhà thám hiểm người châu Âu John McDouall Stuart, người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này năm 1858.

Những ngôi nhà độc đáo tuyệt đẹp ẩn sâu dưới lòng sa mạc
Những ngôi nhà độc đáo tuyệt đẹp ẩn sâu dưới lòng sa mạc  

Sau đó đến năm 1920 được đổi tên thành Coober Pedy, theo ngôn ngữ của những người thổ dân địa phương có nghĩa là “hang của người da trắng dưới lòng đất”. Nguồn gốc của thị trấn này bắt đầu vào năm 1915, khi một cậu bé 14 tuổi tìm thấy một viên đá quý có tên ngọc mắt mèo (opal) ở vùng hẻo lánh Nam Australia. Được biết đã ngọc mắt mèo là một khoáng vật quý hiếm hơn cả hồng ngọc và kim cương rất được ưa chuộng dùng ở các đền đài, cung điện. Ngày nay, opal được xem là một món hàng trang sức có giá trị cao.

Tiện nghi hiện đại chuẩn 5 sao
 Tiện nghi hiện đại chuẩn 5 sao 

Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 150 triệu năm trước, Coober Pedy nằm dưới đại dương, khi nước mặt đất bị đẩy lên cao, nước biển rút làm các khoáng chất silica cát chảy vào khe nứt đá. Trải qua hàng chục triệu năm, chúng chuyển thành các loại đá quý nhiều màu. Sau đó, những người tìm vàng phát hiện ra trữ lượng lớn ngọc mắt mèo thì nơi đây bắt đầu nổi tiếng và thế là thị trấn Coober Pedy ra đời. Cư dân nhiều nơi đổ xô đến đây khai thác với mong muốn tìm đá mắt mèo và đổi đời.

Những người khai thác đá mắt mèo buộc phải đào những hang đá để ở tiện cho công việc, từ đó tạo ra vô số những hố rỗng trong lòng đất. Chẳng mấy chốc, thị trấn trở thành nơi cung cấp loại đá opal lớn trên thế giới. Thời kỳ hoàng kim vào những năm 70-80, thị trấn là nhà của hơn 1.000 thợ mỏ. Thế nhưng điều kiện thời tiết ở đây quá khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè thường trên ngưỡng 50 độ C, nhưng ban đêm có thể giảm xuống dưới 0 độ C.

Để chống đỡ với sức nóng như chảo lửa ở phía trên, những người đến khai thác đá mắt mèo đã nảy ra ý tưởng xây dựng những ngôi nhà trong hầm từ những hố rỗng, vừa tiện việc đào bới tìm kiếm đá quý, vừa chống lại nắng nóng gay gắt. Theo thời gian, công việc tìm kiếm ngày càng trở nên quy mô hơn. Họ tiếp tục mở rộng diện tích tìm kiếm và nhiều ngôi nhà lớn được xây dựng. Dần dần, những ngôi nhà xây dựng theo dạng hầm trú ẩn tạm thời. Lâu dần họ định cư, sinh con đẻ cái và tạo lập hẳn một khu dân cư nhộn nhịp dưới lòng đất.

Thị trấn ngầm sầm uất

Hiện tại, Coober Pedy có 1.500 ngôi nhà trong lòng đất. Coober Pedy trở thành một thị trấn ngầm nổi tiếng. Với khoảng 3.500 người, nhưng người dân Coober Pedy lại đến từ 50 sắc tộc khác nhau, như Sri Lanka, Philippines, Hy Lạp, Argentina và Anh Quốc. Điểm độc đáo của thị trấn này đó là người dân sống trong những ngôi nhà dưới lòng đất để tránh cái nóng hầu như lúc nào cũng đến 50 độ C.

Theo đó, nhiệt độ ở những ngôi nhà trong lòng đất luôn luôn giữ một mức ổn định hoàn hảo - khoảng 24 độ C, độ ẩm 20%. Chắc hẳn bạn đang tự hỏi liệu nơi đây có khác gì một thị trấn bình thường trên mặt đất khác? Câu trả lời là “không”. Nếu nhìn từ bên ngoài, những ngôi nhà này như hang động với lối vào bí hiểm, không có ánh sáng mặt trời nhưng bên trong đầy đủ tiện nghi, có ánh sáng đèn điện và các vật dụng hiện đại không khác gì những nhà trên mặt đất.

Thủ phủ của đá mắt mèo tuyệt đẹp
Thủ phủ của đá mắt mèo tuyệt đẹp

Thế nhưng ở đây họ có đầy đủ mọi thứ. Thậm chí ngày nay, Coober Pedy đã phát triển thành một trong những địa điểm độc đáo nhất Australia. Coober Pedy nổi tiếng với các công trình ngầm hiện đại và đầy đủ tiện nghi dưới lòng đất như: nhà thờ, nhà hàng, khách sạn quán bar, nhà thờ, phòng trưng bày nghệ thuật, khu vui chơi và nhiều thứ khác để sống cuộc sống đầy đủ, tiện nghi... ở độ sâu hơn 10m dưới đất.

Bên trên mặt đất chỉ có thể nhìn thấy một số ống thông hơi, ống khói nhấp nhô từ các căn nhà ngầm. Trạm cung cấp nhiên liệu hoặc một vài cửa hàng công cộng là những công trình còn nằm trên mặt đất để phục vụ cho các khách du lịch và người đi đường. Đặc biệt, ở đây còn có cả một bảo tàng nghệ thuật ngầm mang tên Old Time Mine từng là hang đá cổ, bên trong có rất nhiều tầng opal được lưu giữ lại, phản ánh một giai đoạn lịch sử của Coober Pedy.

Thị trấn dưới lòng đất Coober Pedy là địa điểm du lịch hút khách
Thị trấn dưới lòng đất Coober Pedy là địa điểm du lịch hút khách 

Thậm chí, họ có hẳn một khách sạn cho thuê, phục vụ những du khách muốn trải nghiệm cuộc sống dưới lòng đất. Những ngôi nhà tuyệt đẹp trong lòng đất này có lối đi vào nhà liền kề với phố bên ngoài. Vật liệu chính bên trong các ngôi nhà là đá sa thạch bởi nó dễ khai thác, có tính ổn định và đem lại sự vững chắc cho ngôi nhà.

Không chỉ vậy, màu sắc tuyệt đẹp của đá sa thạch không chỉ mang lại sự sang trọng mà còn tôn thêm vẻ ấm áp, thân thiện, đối lập với cái nóng khắc nghiệt của thời tiết bên ngoài vùng sa mạc. Ánh sáng tự nhiên chiếu vào khu vực nhà bếp, phòng sinh hoạt qua một trục thông ánh sáng lớn hơn. Phòng ngủ thì được đẩy lui, nằm phía sau cùng của ngôi nhà để giữ được sự yên tĩnh tuyệt đối.

Mặc dù sống dưới lòng đất nhưng đó không phải là lý do hạn chế trí tưởng tưởng kỳ diệu của người dân Coober Pedy. Họ chạm khắc vô số những hình ảnh tuyệt đẹp, kỳ lạ song vô cùng tinh tế ở khắp nơi bên trong “hang động”. Các căn phòng được bài trí khá tiện nghi, không khác gì trên mặt đất với giường ngủ sạch sẽ, tủ quần áo, tivi, bếp nấu. Việc cung cấp nước cho thị trấn đến từ một nguồn dẫn ngầm dài 24 km về phía Bắc của thị trấn.

Hơn nữa, dù nằm sâu dưới lòng đất nhưng ở đây không hề bí bách bởi bao quanh thị trấn này là hàng trăm khối hình trụ trục thông gió của căn nhà dưới lòng đất - được gọi là “dugouts”. Nhiều ngôi nhà dưới lòng đất tại đây rất rộng lớn. Điển hình là nhà của ông Rod Wells cư dân nơi đây thậm chí còn có một hồ bơi trong lòng đất, và một thẩm mỹ viện cho vợ của ông ta. Bạn thậm chí còn có thể cắm trại trong một khu mỏ hoang nữa.

Có khó ló cái khôn, khí hậu sa mạc nóng bức đã khiến người dân sáng tạo ra ý tưởng tuyệt vời. Cư dân Coober Pedy đã tạo ra sự độc đáo cho riêng mình thu hút những người thích khám phá.

Đọc thêm