Không sinh con vì sợ tốn kém, nhiều cặp vợ chồng Mỹ coi thú cưng như con

(PLVN) -Hiện nay một thực trạng diễn ra ở Mỹ, đó là khi số lượng các cặp vợ chồng không có con cái ở Mỹ ngày càng gia tăng. Rất nhiều người trong số họ bắt đầu có xu hướng thích nuôi nấng và cưng chiều thú cưng y hệt như đứa trẻ họ sinh ra.
Không sinh con vì sợ tốn kém, nhiều cặp vợ chồng Mỹ coi thú cưng như con

 “Đỡ tốn kém” hơn nuôi một đứa trẻ

Từ trước tới nay, người Mỹ rất nổi tiếng yêu động vật. Đối với họ, chó, mèo là vật nuôi luôn được yêu thương và chăm sóc giống như một thành viên trong gia đình. Các gia đình Mỹ tin rằng dạy con của họ cách tiếp cận, chăm sóc vật nuôi để gieo vào đứa trẻ tình yêu thương, lòng trắc ẩn và trách nhiệm. Ngoài ra còn có nhiều lý do khác nữa, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nghĩ rằng thú cưng có thể thay thế con của họ. Thế nhưng giờ đây, xu hướng nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh con và lựa chọn nuôi thú cưng đang ngày càng nở rộ. Vật nuôi dường như vươn lên một tầm cao mới, thay thế vị trí của những đứa trẻ trong gia đình.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, số lượng các cặp vợ chồng kết hôn ở Mỹ và Vương quốc Anh không có con đã tăng lên. Năm 1970, 40% các cặp vợ chồng kết hôn có con, trong khi chỉ 20% làm vào năm 2012, theo Cục điều tra dân số Mỹ. Không chỉ vậy, theo nghiên cứu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2007-2011, rất nhiều các cặp vợ chồng không có con, nhưng lại đổ rất nhiều tiền để chăm sóc vật nuôi (những con số này có thể bao gồm các cặp vợ chồng có con đã lớn và chuyển ra ở riêng).

Tại thành phố Ypsilanti, thuộc tiểu bang Michigan, Mỹ, khi cô Lisa Rochow  và người chống Cameron Wheeler đang chung sống cùng với chú chó có tên Aery, giống Siberian Husky mới 9 tuần tuổi. Cả Rochow và Wheeler quyết định không sinh con và coi Aery như con của mình. Cả hai đều cảm thấy thoải mái trong lần đầu “tập làm cha mẹ”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 

“Tôi cảm thấy mình sẽ phải từ bỏ và hy sinh quá nhiều thứ để có thể làm mẹ. Hơn nữa, việc nuôi dạy một đứa trẻ rất tốn kém từ thời gian cho tới tiền bạc và trên hết là tôi không thể làm những điều mình yêu thích”, cô Rochow tâm sự. Đồng quan điểm với vợ của mình, anh Wheeler nói rằng nếu có con, anh sẽ lo lắng cho đứa trẻ, thậm chí nhiều hơn cả những bậc cha mẹ khác.

Lisa Rochow chia sẻ, ý định không muốn có con đã xuất hiện trong cô từ những năm đầu trung học. Sau đó, cô quen Wheeler qua ứng dụng Tinder và hẹn gặp nhau tại một lễ hội âm nhạc. Anh có cảm nghĩ giống như cô về việc không sinh con. Do cùng quan điểm sống nên hai người đến với nhau. “Trong thời gian học tập và nghiên cứu của mình, điển hình là khi học đại học, tôi được tiếp xúc với các vấn đề chính trị hay học được nhiều điều về biến đổi khí hậu. Tôi nhận thấy mình có trách nhiệm không nên sinh một đứa bé nào ở thế giới này nữa”, anh Wheeler nói.

Thuộc nhóm kiên quyết không sinh con, đôi trẻ cho rằng khoản tiền tiết kiệm được từ đó có thể giúp họ phát triển sự nghiệp và theo đuổi sở thích cá nhân. Đồng thời, cuộc sống của những chú cún như Aery cũng trở nên tốt đẹp hơn. “Nếu không muốn có con đẻ, bạn sẽ muốn nuôi một chú cún”, cô Rochow cho hay.

“Những em bé nhiều lông”

Xu hướng các cặp vợ chồng lựa chọn cuộc sống không có con và chọn nuôi thú cưng ngày càng nở rộ. Tại chuyên mục Childfree trên trang mạng xã hội Reddit, có tới gần 600 nghìn thành viên thảo luận về vấn đề này.

Một trong số thành viên có cô Maxine Trump (49 tuổi), đạo diễn bộ phim tài liệu “Nên hay không nên có con (To Kid or Not To Kid)”. Cô là người Anh và liên tục di chuyển giữa nước này và New York (Mỹ). Cô sống cùng chồng là Josh Granger (45 tuổi) và mèo Oscar Wilde. Với Maxine Trump, nuôi mèo là một lựa chọn hợp lý hơn việc sinh con đẻ cái khi phải di chuyển liên tục. Hai vợ chồng đã từng rất khó chịu và cảm thấy bị bạn bè kỳ thị, khi họ biết cặp đôi không muốn sinh con. Nhưng giờ đây khi có quá nhiều người có cùng suy nghĩ và lựa chọn giống mình, vợ chồng Maxine đã tự tin hơn rất nhiều. “Điều tôi chắc chắn đó là chúng tôi coi con mèo là một phần của gia đình”, cô Maxine nói.

Tiến sĩ Amy Blackstone (Đại học Maine) bắt đầu tiến hành nghiên cứu về “lựa chọn không sinh con” từ năm 2008. Trong khoảng thời gian bà nộp đơn xin vào một vị trí ổn định tại trường đại học, 3 người bạn thân tâm sự rằng họ đã mang thai. Blackstone quyết định đây chính là thời cơ để cô tập trung nghiên cứu về cách làm cha mẹ. “Tôi nhận ra, khi mà bạn bè tôi thổ lộ rằng bản năng làm mẹ của họ đang trỗi dậy thì tôi lại không cảm thấy như vậy”, bà Blackstone nói.

Ban đầu, Blackstone còn nghĩ rằng bản thân gặp phải vấn đề gì đó. Cô có cuộc hôn nhân viên mãn với người bạn trai từ thời trung học là Lance. Họ từng bàn bạc về chuyện có con nhưng nhanh chóng gạt đi vì thấy “mình còn quá trẻ”. Bước sang tuổi 30, họ nhận ra muốn có con nhưng vẫn quyết định không sinh đẻ. Hai người nuôi một con mèo. Trong hành trình khám phá “cuộc sống không con cái”, Blackstone gặp nhiều đôi và cả các cá nhân coi vật nuôi như con người. Bà lấy ví dụ về một đôi không có con nhưng khi ly dị phải xác nhận “quyền nuôi con” đối với chú mèo của họ. Cuối cùng, một người được quyền nuôi dưỡng, người còn lại có quyền ghé thăm thường xuyên.

Bà cũng đã tiến hành phỏng vấn một người đàn ông không có con và đang nuôi một chú chó. Khi được bác sĩ thú y thông báo, thú cưng của anh sắp chết. Anh này đã nghỉ việc ngay lập tức và muốn dành thời gian trong những ngày cuối đời của chú chó. Hành động này minh chứng rằng, anh ta thực sự yêu thương và coi chú chó như máu mủ ruột già của mình.

Hay theo chia sẻ của anh Ben Lenovitz, họa sĩ vẽ chân dung thú nuôi tại New York (Mỹ). Anh đã rất ngạc nhiên khi một đôi vợ chồng khoảng 40 tuổi không con cái, gửi gắm vẽ chân dung đàn chó của mình. “Mỗi bức chân dung thú nuôi mà tôi vẽ có giá lên đến 160 USD. Thế cũng đủ thấy họ chịu chi cho thú cưng của mình như thế nào”, Ben nói.

Qua những nghiên cứu độc lập cùng mình, Tiến sĩ Amy Blackstone nhận thấy rằng: “Các gia đình không có con cái thể hiện chức năng nuôi dưỡng của họ thông qua mối quan hệ với vật nuôi”.

Quay lại cặp vợ chồng Lisa Rochow và Cameron Wheeler, vì không sinh con nên mọi tâm tư, tình cảm của họ đều dồn cả vào chú chó Aery. “Chúng tôi đã rất sợ hãi khi Aery bị ốm và nhanh chóng đưa nó đến gặp bác sĩ thú y”, anh Cameron Wheeler chia sẻ. Có thể thấy, phản ứng này giống hệt như sự lo lắng của một ông bố, bà mẹ dành cho đứa con họ dứt ruột đẻ ra.

Thế nhưng sự khác biệt giữa một đứa trẻ và thú cưng và có thể nói là nguyên nhân tiên quyết khiến cặp đôi này không sinh con. “Tôi phải đưa Aery vào phòng cấp cứu dành cho chó và chỉ tốn ít hơn 1.000 USD. Điều này khiến tôi nghĩ rằng nếu phải tới phòng cấp cứu trên một chiếc xe cứu thương, hay đơn giản chỉ đưa một đứa bé đến phòng cấp cứu thôi thì chắc chắn không bao giờ tốn ít hơn chừng đó”, cô Rochow nói.

Ngoài vấn đề tiết kiệm chi phí, Rochow nói rằng quyết định này còn giúp họ tiết kiệm “chi phí tình cảm” trong việc có con. “Tôi là một nhà hoạt động xã hội. Vì vậy, tôi hiểu cuộc sống ngoài kia như thế nào. Và thực sự bản thân tôi cảm thấy khó có thể cung cấp đầy đủ tất cả điều kiện cần thiết để nuôi nấng một đứa trẻ”, cô kết luận.

Đọc thêm