Philippines sản xuất khẩu trang từ sợi cây chuối Abaca để giảm nhựa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại dịch Covid-19 đẩy lùi nỗ lực giảm, cấm rác thải nhựa ở nhiều quốc gia, bởi vì nhu cầu sử dụng khẩu trang, mặt nạ, áo choàng chống dịch tăng cao – hầu hết đều làm bằng nhựa. 
Lệnh cấm rác thải nhựa quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng ở Philippines.
Lệnh cấm rác thải nhựa quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng ở Philippines.

Không nằm trong số đó, trong năm 2020, đất nước Philippines đã tìm ra loại sợi lấy từ cây chuối sợi (Abaca) có thể thay thế thành phần nhựa trong hàng triệu sản phẩm chống vi rút SARS-CoV-2. 

Khẩu trang làm từ sợi cây chuối 

Trong khoảng 2 năm nay, những nỗ lực toàn cầu trong việc cấm sử dụng nhựa dùng một lần đang bị chững lại bởi các quốc gia ưu tiên vấn đề sản xuất vật tư y tế lên trước vấn đề môi trường. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc trong năm 2020, chỉ riêng doanh số bán khẩu trang dùng một lần trên toàn thế giới ước tính tăng hơn 200 lần, đạt khoảng 166 tỉ USD. Những chiếc khẩu trang làm từ sợi tổng hợp bị vứt bỏ sẽ nhanh chóng chất thành đống ở các bãi rác trên toàn cầu. Những chiếc khẩu trang này sẽ mất hàng năm, thập kỉ, thậm chí hàng thế kỉ để phân huỷ. 

Trong khi đó, tốc độ của chương trình tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 đang tăng theo cấp số nhân. Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg thu thập vào cuối tháng 2/2021, với tốc độ này, thế giới sẽ mất khoảng 4 – 6 năm  để tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 cho 75% dân số toàn cầu. Từ 70% đến 90% dân số toàn cầu cần được tiêm chủng để thế giới có thể tạo hệ miễn dịch cộng đồng. 

Khẩu trang làm từ sợi Abaca (Ảnh: Straitstime).
Khẩu trang làm từ sợi Abaca (Ảnh: Straitstime).  

Cùng với tiến độ sản xuất khẩu trang và các sản phẩm phòng chống dịch từ nhựa, trong khoảng vài năm tới, lượng rác thải nhựa cũng sẽ tăng đột biến. Những kịch bản khả quan nhất là chỉ trong vài năm tới đây thế giới có thể kiểm soát hoàn toàn tầm ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, tác động của nạn “ô nhiễm trắng” (ô nhiễm rác thải nhựa) có thể tàn phá môi trường và cuộc sống con người hàng thế kỷ tới, thậm chí là mãi mãi.  

Bởi vậy, nhiều quốc gia phải nghĩ đến các giải pháp thay thế thành phần nhựa trong các sản phẩm y tế chống dịch để ngăn chặn sự gia tăng của rác thải nhựa ngay từ khi Covid-19 còn chưa kết thúc. Một trong những giải pháp đó là thay thế các sợi tổng hợp trong khẩu trang bằng loại sợi có nguồn gốc từ cây Abaca – thuộc họ chuối bản địa ở Philippines.

Ông Kennedy Costales, Giám đốc Cơ quan Phát triển Công nghiệp Sợi Philippines (PhilFIDA) thuộc Bộ Nông nghiệp của nước này, cho biết: “Sợi Abaca thường được dùng để sản xuất túi lọc trà và tiền giấy, có độ bền tương đương với polyester nhưng chỉ mất hai tháng để phân hủy”. Quả thực, từ thế kỷ 19, sợi Abaca đã được sử dụng để làm dây thừng trên các con tàu biển và các loại phong bì. Ngày nay, sợi Abaca được dùng trong sản xuất một số phụ kiện ô tô Mercedes-Benz và khoảng 30% số tiền giấy lưu hành tại Nhật Bản.

Phân loại sợi Abaca (Ảnh: Dragon Vision Trading).
Phân loại sợi Abaca (Ảnh: Dragon Vision Trading). 

Nghiên cứu sơ bộ của Bộ Khoa học & Công nghệ Philippines cũng cho thấy, khẩu trang Abaca có khả năng chống nước tốt hơn so với khẩu trang thương mại N-95, đồng thời kích thước các lỗ rỗng của nó hoàn toàn nằm trong phạm vi được khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ.

Theo ông Firat Kabasakalli (Tổng giám đốc Dragon Vision Trading, một đơn vị xuất khẩu sợi Abaca) cho hay, mặc dù chi phí sản xuất cao hơn so với các sản phẩm thay thế nhựa khác, các nhà sản xuất thiết bị y tế của Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam vẫn đặt hàng sợi Abaca trong năm 2020, khiến sản lượng của nhà máy phải tăng lên gấp đôi. Một công ty ở miền Nam Philippines có tên Salay Handmade Products Industries, trước đây chuyên sản xuất giấy và những tấm thiệp từ sợi Abaca để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu, cũng chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu đặt hàng. 

Tuy vậy, theo thống kê của PhilFIDA, hoạt động sản xuất sợi Abaca ở Philippines chưa theo kịp nhu cầu thực tế tại nước này, chứ chưa nói tới cung cấp cho toàn thế giới. Nói chung, đây mới chỉ là giải pháp cục bộ tại Philippines và một số nước tại châu Á bởi sản lượng còn thấp. 

Giảm nhựa ngay từ khâu sản xuất

Thêm vào những nỗ lực phòng chống ô nhiễm nhựa đại dương, đầu năm 2020, Philippines đã ban hành lệnh cấm sử dụng đồ nhựa một lần trong các cơ quan, văn phòng thuộc chính phủ, chính quyền địa phương. Cụ thể, lệnh cấm áp dụng đối với các sản phẩm nhựa như cốc nhựa có độ dày dưới 0,2 milimét; ống hút, dụng cụ khuấy cà phê, thìa, nĩa, dao, túi nhựa mỏng dưới 15 micrômét.  

Bộ trưởng Môi trường Roy Cimatu, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quản lý Chất thải rắn Quốc gia, đã đẩy mạnh thực hiện, tăng cường các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu chất thải rắn phù hợp với bối cảnh thế giới, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Theo thống kê, đến năm 2020, Philippines sản xuất khoảng 2,7 tấn rác thải nhựa hàng năm. Còn theo ước tính của Liên Hợp Quốc, với tiến độ sản xuất nhựa như hiện nay, kèm theo sự thờ ơ, quản lý yếu kém của các chính phủ, thì đến năm 2050 sẽ có nhiều nhựa trong các đại dương hơn cả số lượng cá. 

Theo tổ chức Hoà bình Xanh Philippines (Green Peace Philippines), lệnh cấm quốc gia đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần không chỉ rất cần thiết, cấp bách mà còn rất khả thi và thiết thực. Cụ thể, một nhà vận động môi trường của tổ chức này – Virginia Benosa Llorin cho biết: “Đã có những lệnh cấm đối với đồ nhựa, bao bì nhựa dùng một lần tại các địa phương như thành phố Quezon, Siquijor.

Philippines cấm nhựa dùng một lần trong các cơ quan, văn phòng chính phủ, chình quyền địa phương.
Philippines cấm nhựa dùng một lần trong các cơ quan, văn phòng chính phủ, chình quyền địa phương.  

Những lệnh cấm này có đạt được hiệu quả hay không phụ thuộc vào quyết tâm mạnh mẽ của các nhà chức trách, nhà quản lý. Các giải pháp thay thế nhựa dùng một lần đã tồn tại từ lâu nhưng cần có sức ảnh hưởng của lệnh cấm quốc gia, các giải pháp này mới được coi trọng. Thị trường đóng gói, phân phối trong nhiều năm tới sẽ không bị phụ thuộc vào nhựa.”

Hiện nay, người dân Philippines đóng thuế và trả các chi phí làm sạch môi trường, tái chế các sản phẩm nhựa. Do đó, nhà vận động này cho biết, thay vì cho các công ty thêm lý do để chuyển chi phí và “đá bóng” trách nhiệm cho người dân, lệnh cấm nên đi kèm với lệnh yêu cầu các công ty thực hiện nghiêm chỉnh hệ thống thu hồi, tái chế và tái sử dụng các sản phẩm nhựa.

Theo đó, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề nhựa là can thiệp ngay từ khâu sản xuất, tức là ngừng hoặc hạn chế sản xuất nhựa ngay từ đầu. Bởi lẽ, tái chế, tái sử dụng, vứt bỏ, đốt chất thải đều không giải quyết được gốc rễ của vấn nạn “ô nhiễm trắng”. Thậm chí, thúc đẩy các giải pháp nêu trên có thể cho các công ty thêm lý do để tiếp tục sản xuất nhựa dùng một lần theo lối tư duy lệch lạc, đại khái như: “Việc của tôi là sản xuất nhựa, còn việc xử lý nó là công ăn việc làm của người khác”.

Đọc thêm