"Vương quốc người chết” nằm sâu dưới lòng Paris hoa lệ

(PLVN) - Paris hoa lệ - thủ đô nước Pháp hay còn được gọi là La Ville Lumière, có nghĩa là Thành phố ánh sáng. Nhưng ít ai biết rằng bên dưới thành phố nhộn nhịp có dân số 12 triệu người này lại là một nghĩa trang khổng lồ với gần 7 triệu hài cốt.
Một góc hầm mộ Paris khổng lồ.
Một góc hầm mộ Paris khổng lồ.

Nghĩa trang hình thành từ mỏ đá

Du lịch Paris từ trước đến nay vẫn được biết đến như là Kinh đô ánh sáng, thành phố của tình yêu và nghệ thuật, nhưng ít ai biết phía sau sự lấp lánh đó là cả một lịch sử tăm tối và u ám. Ở ngay dưới lòng đất của kinh đô nghệ thuật, vẫn còn đang tồn tại một nghĩa trang khổng lồ, hay còn biết đến dưới cái tên là Hầm mộ Paris. Nơi này trở thành một "vương quốc của người chết" đúng như biệt danh mọi người đặt cho nó.

Hầm mộ Paris đã thu hút sự chú ý và tò mò của rất nhiều người, thậm chí cả hoàng gia. Với những ai yêu thích sự khám phá thì chuyến tham quan hầm mộ sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Hệ thống bên trong hầm mộ có rất nhiều lối đi, nhưng chính quyền thành phố chỉ cho phép một phần nhỏ được khai thác du lịch để du khách tham quan vì nơi đây vẫn là một nơi linh thiêng mang giá trị lịch sử của thành phố. 

Bên trong các phòng trưng bày tối tăm và lối đi nhỏ hẹp của hầm mộ Paris, bạn sẽ lần lượt được chiêm ngưỡng những chiếc xương được sắp xếp dày đặc bên trong những bức tường loang lổ trông thật rùng rợn. Cảm giác lạnh gáy khiến cho hầu hết những khách tham quan đều bị ấn tượng sâu sắc, nhất là khi ở ngay trong một không gian chật chội, tối tăm, ẩm ướt và kì bí. 

Biển chỉ dẫn vào khu hầm mộ.
Biển chỉ dẫn vào khu hầm mộ.  

Xương được đặt ở khắp mọi nơi, và tất cả cứ xếp chồng lên nhau đan xen hàng đống. Bạn chẳng thể biết được ai là ai trong số những chiếc xương đủ hình hài, kích thước này – có thể hộp sọ mà bạn đang nhìn thấy là của một quý tộc giàu có, mà cũng có thể chỉ là một người chết vì bệnh dịch hạch. 

Các chuyên gia đã có một khoảng thời gian khó khăn để tìm ra chính xác hầm mộ này rộng bao nhiêu, và còn những góc khuất nào vẫn chưa được khám phá dưới lòng đất. Hầm mộ Paris sâu ít nhất 91 mét. Các buồng và vực thẳm đã bị ngập nước trong nhiều năm qua. Do tính chất nguy hiểm của nơi này, thành phố đã bịt kín phần lớn các lối đi dưới lòng đất, chỉ có khoảng hơn 1.6 km không gian bên trong đường hầm được mở cho người dân đến tham quan.

Do đặc thù là một hầm mỏ cũ, Hầm mộ Paris có rất nhiều lối vào. Thậm chí, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu chôn cất người quá cố, chính quyền thời đó còn cải tạo lại khu mộ để dễ dàng đưa các xác chết xuống lòng đất. Họ thiết kế những đường hầm bí mật dẫn từ nghĩa trang tới tầng hầm của các nhà thờ, bệnh viện ở Paris, tạo thành một mê cung chằng chịt ngay dưới chân “kinh đô ánh sáng”.

Một khu lăng mộ tập thể.
Một khu lăng mộ tập thể. 

Với cấu trúc địa hình phức tạp, không khó hiểu nếu như những người tới Hầm mộ Paris sẽ bỡ ngỡ và đi lạc vài ba lần. Thậm chí, tại hầm mộ này đã từng xảy ra những sự kiện vô cùng bi đát. Nổi tiếng nhất chính là câu chuyện về hồn ma ai oán của Philibert Aspairt.

Theo đó, Philibert Aspairt vốn là người gác cổng của bệnh viện Val-de-Grace trong thời kì diễn ra cách mạng Pháp. Tháng 11/1793, người đàn ông này đã quyết định lợi dụng đường Hầm mộ Paris để đi tìm được loại rượu Chartreuse nổi tiếng dưới hầm của một tu viện ở Paris, gần Jardin de Luxembourg.

Tuy nhiên, Philibert đã lạc đường. Đáng ngạc nhiên hơn, người đàn ông này không thể tìm thấy lối ra và mất ngay trong mê cung của Catacombes de Paris. Mãi tới 11 năm sau, người dân mới phát hiện ra thi thể của Philibert và quyết định an táng ông ngay tại đây. Người ta cũng tin rằng linh hồn ông vẫn lang thang trong hầm mộ bảo vệ những người thám hiểm nơi đây.

Nơi ẩn chứa nhiều điều bất ngờ 

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, tới thập niên 1980, Hầm mộ Paris lại một lần nữa thu hút được sự chú ý của công chúng. Môt số nghệ sỹ Pháp sau khi viếng thăm địa danh này đã nảy ra cảm hứng xây dựng tại đây các công trình nghệ thuật.  Họ trang trí căn hầm bằng việc xếp xương người và chạm khắc những thành phố thu nhỏ lên đá. Người Pháp gọi những nghệ sĩ này là các Cataphiles (người sống dưới hầm mộ). 

Đối với hầu hết mọi người, hầm mộ có vẻ như khu mê cung vô tận chỉ chực chờ lấy mạng họ. Nhưng với các nhà thám hiểm dày dặn kinh nghiệm, đây lại là nơi ẩn chứa nhiều điều bất ngờ. Trong nhiều năm qua, những du khách gan dạ đã phát hiện ra các hồ nước tự nhiên xuất hiện như một cảnh tượng kì diệu. Nhiều nhóm thám hiểm xem hồ nước này là mục tiêu tìm kiếm trong nhiều năm, đến nỗi họ như những chuyên gia thuộc làu các đường xoắn và khúc cua bên trong. Một số người còn dùng thiết bị lặn để khám phá vùng nước xa hơn.

Có rất nhiều lời đồn ma quái về hầm mộ gần chục triệu hài cốt này.
Có rất nhiều lời đồn ma quái về hầm mộ gần chục triệu hài cốt này.  

Hầm mộ vốn dĩ không phải là nơi để ghé chơi, và nó cũng nguy hiểm cho những ai không chuẩn bị trước. Không có tờ bản đồ hướng dẫn nào cho các lối đi tối tăm nằm ngoài khu vực tham quan. Vì vậy, chỉ cần một lần rẽ sai hướng thôi là có thể khiến con người mất phương hướng và bị lạc.

 Đó là một viễn cảnh đáng sợ: Lang thang dưới lòng đất, xung quanh là xương cốt, không biết làm thế nào để tìm thấy ánh sáng mặt trời. Mặc dù vậy không phải ai đi lạc vào cũng sẽ mất mạng. Hai thiếu niên 17 và 16 tuổi đã được tìm thấy bên trong hầm mộ vào năm 2017 sau ba ngày mất tích. May mắn là cảnh sát đã kịp thời phát hiện họ nhờ những chú chó nghiệp vụ đánh hơi. Cả hai nhanh chóng được đưa đến bệnh viện để điều trị chứng hạ thân nhiệt.

Hầm mộ Paris thực sự là một mê cung rộng lớn và chứa nhiều bí ẩn. Vào năm 2004, cảnh sát Paris đã có chuyến đi khám phá khu vực sâu thẳm dưới hầm như một phần của cuộc huấn luyện. Trong lúc thám hiểm, họ gặp phải dấu hiệu cảnh báo mọi người nên quay lại do có công trình phía trước. Sau khi mặc kệ cảnh báo và đi qua, họ nghe thấy tiếng chó sủa và gầm gừ trong bóng tối. 

Song nhóm cảnh sát phát hiện ra âm thanh này chỉ là một bản ghi âm phát ra từ hệ thống âm thanh, có lẽ là ai đó đã cài đặt để hù dọa những kẻ xâm nhập tò mò. Cuối cùng khi cảnh sát tiếp tục đi, họ khám phá ra bên trong khu vực hang động rộng hơn 1.600 mét vuông một màn hình chiếu phim khá lớn cũng như dãy ghế được đục vào đá. Rạp chiếu phim mini còn có cả quán bar, quán ăn, có dây điện và đường dây điện thoại.

Giờ đây, trước nhu cầu tham quan khá cao của công chúng, giờ mở cửa của hầm mộ đã được thay đổi từ 3 lần một năm thành thăm hàng ngày. Bất kỳ ai tới Paris đều có thể dễ dàng tìm tới Hầm mộ Paris để tham quan và khám phá. Bạn có thể đi tàu điện ngầm tới bến Denfert-Rochereau hoặc đi xe buýt số 38 hoặc 68. 

Bảo tàng mở cửa từ thứ ba đến chủ nhật, từ 10h sáng đến 8h30 tối và đóng cửa vào thứ hai. Lối vào Hầm mộ nằm ở quận 14 (Ga tàu điện ngầm Denfert - Rochereau), khách tham quan sẽ tốn 12 đô la cho vé vào cửa và cả hướng dẫn du lịch âm thanh. Tuy nhiên mỗi lần số người được vào trong hầm tối đa chỉ là 200 người/lần, nên phải xếp hàng rất dài.

Tuy nhiên mọi người chỉ có thể tham quan một phần nhỏ của hầm mộ, và quãng đường từ cổng vào đến hầm mộ mất đến 45 phút. Trước khi xuống cầu thang vào đường hầm, du khách sẽ được xem một cuộc triển lãm nhỏ giải thích lịch sử địa chất của Paris. Bên trong đường hầm, các bộ xương được nhóm theo nghĩa trang nơi chúng đến.

Một điều cần lưu ý là bên trong các đường hầm ngầm có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ bên ngoài, do đó bạn nên mang theo áo len bên mình ngay cả khi bạn đi  vào mùa hè. Tuy nhiên việc lẻn vào hầm mộ bất hợp pháp sẽ bị xử phạt nặng nề nhưng điều đó dường như không thể ngăn cản lòng đam mê khám phá của họ. Cho đến ngày nay vẫn có rất nhiều Cataphiles lén vào đường hầm để khám phá những con đường mới, vẽ tranh tường hoặc đào thêm đường hầm mới.

Đọc thêm