Khát khao hoàn lương của một "đại bàng gãy cánh"

“Ngày về có lẽ còn xa, tôi chẳng biết sẽ làm được gì cho đời nhưng muốn sống thật là có ích và vớt vát bù đắp được chừng nào hay chừng ấy cho những tổn thất ngày nào đã gây ra với cộng đồng và gia đình”, phạm nhân Nguyễn Ngọc Kiếm trải lòng.  

So với những “đại bàng ma túy” khét tiếng một thời ở đất Hà Thành như Vũ Xuân Trường, Chu Văn Hỉếu, Trịnh Nguyên Thủy... thì phạm nhân Nguyễn Ngọc Kiếm (56 tuổi, ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội; hiện đang thụ án chung thân tại Trại giam Thanh Lâm - Tổng Cục VIII, Bộ Công an) chỉ là một “cánh én nhỏ”. Nhưng so về mức độ khao khát hoàn lương, có lẽ Kiếm không kém một con người lầm lỡ nào...

Phạm nhân Nguyễn Ngọc Kiếm.
Đã từng “chạm mặt tử thần”
Ấn tượng đầu tiên của phóng viên về phạm nhân Nguyễn Ngọc Kiếm là sự nền nã, nhã nhặn trong từng lời ăn tiếng nói. Thậm chí, phạm nhân này tâm sự đã hồi hộp thế nào khi được cán bộ quản giáo giới thiệu sẽ có phóng viên tới phỏng vấn từ vài hôm trước, mong ngóng mãi, hôm nay đã định nhuộm lại mái tóc hoa râm cho trẻ hơn nhưng vì sợ bất chợt phóng viên đến nên Kiếm đành phải “nhịn” làm đẹp để kiên trì đợi. 
Tuy nhiên, theo hồ sơ phạm nhân thể hiện, từ cuối năm 1997 thông qua em trai, Kiếm đã thân quen với Phạm Văn Yên (SN 1966, ở xã Thái Thịnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và một số đối tượng buôn bán ma túy ở Sơn La và nước bạn Lào để kết hợp hình thành một đường dây khép kín từ Sơn La, Hà Nội. Theo tài liệu của cơ quan điều tra từ đầu năm 1998 tới năm 2001, Kiếm đã mua và tiêu thụ của Yên tổng hơn 11 bánh ma túy.
Sau này, trải qua hai phiên tòa sơ và phúc thẩm với hành vi buôn bán trái phép chất ma túy đó, Kiếm đều phải nhận mức án tử hình, đấy là chưa tính đến bản án 24 tháng tù về tội “Đánh bạc” mà Kiếm chưa kịp thi hành trước đó. 
Kiếm đã viết đơn xin tha tội chết gửi lên Chủ tịch nước và mỏi mòn chờ đợi, hy vọng sẽ được pháp luật mở lượng khoan hồng, ân giảm cho một con đường sống. Trong những ngày chờ kết quả, Kiếm vô cùng tuyệt vọng, cùng quẫn. Trong một phút thiếu kiềm chế, Kiếm đã nổi máu yêng hùng lỡ khởi xướng đánh trọng thương một bạn tù nên lại tiếp tục bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”.
Cụ thể là ngày 7/12/2006, tại buồng giam 21C Trại tạm giam Công an TP.Hà Nội, phạm nhân Nguyễn Khắc Hiền dù mới nhập khám nhưng lại được sắp xếp vị trí sạch nhất trong buồng nên những “bộ đội” cũ rất ghen tỵ. Đáp lại sự ganh tị ấy, phạm nhân Hiền đã cả gan không “nhả ra” vị trí ngon lành kia. Dưới sự chỉ đạo của Kiếm, khoảng 21h cùng ngày, Hiền đã bị một nhóm bạn tù trong buồng tổ chức đánh hội đồng, tuy thoát chết nhưng bị tổn hại trên 50% sức khỏe.
Dù thời điểm đó Kiếm không nhận tội mình là người khởi xướng vụ gây thương tích, thậm chí Kiếm còn “cãi chày cãi cối” rằng hắn thấy anh Hiền bị đánh đã xông vào “cứu”, đã chẳng được mang ơn còn bị anh Hiền “tặng” cho một phát cắn vào chân. Bản thân nạn nhân là anh Hiền cũng không dám tố cáo Kiếm là kẻ chủ mưu cầm đầu nhưng quá trình điều tra làm rõ: Tuy Kiếm không phải là trưởng buồng nhưng hắn lại là người có quyền lực điều hành, nắm “quyền sinh quyền sát” đối với mọi hoạt động của phạm nhân trong buồng và các bị can khác đều cùng khẳng định nếu Kiếm thực sự không cho ai đánh Hiền thì không ai dám manh động.
Do đó, Kiếm tuy miệng nói không nhưng cũng là người tham gia dùng chân đánh Hiền nên mới bị phạm nhân này cắn vào chân. Trước những chứng cứ trên, bị cáo Kiếm sau đó đã hoàn toàn tâm khục khẩu phục khi phải lĩnh thêm mức án 8 năm tù giam. Nhưng cũng đúng thời điểm đó, Kiếm may mắn được Chủ tịch nước tha cho tội chết nên được ân giảm mức án từ tử hình xuống chung thân về tội “Mua bán trái phép các chất ma túy” nên buộc bị cáo Kiếm chấp hành án phạt chung thân cho 3 tội danh trên.
Niềm tin hướng thiện
Được pháp luật mở lượng khoan hồng tha cho tội chết thật chẳng khác nào Kiếm được pháp luật sinh ra lần thứ hai. Chính điều đó đã thức tỉnh trong Kiếm một lương tâm biết phải trái, hắn đã nhận ra lỗi lầm, ăn năn hối cải và quyết tâm phục thiện. Nhờ có ý thức cải tạo tốt nên Kiếm được Ban giám thị Trại giam Thanh Lâm giao cho nhiệm vụ Đội trưởng đội bếp ở phân trại số 1. 
Nhớ lại những ngày tháng đen tối đã qua của cuộc đời, phạm nhân Kiếm chân thành thừa nhận vì quá hám lợi trước mắt nên đã dấn thân vào con đường tội lỗi. Suốt đời, Kiếm nhớ nhất cảm giác tuyệt vọng khi phải nhận án tử hình, để lại người vợ trẻ cùng hai đứa con thơ dại phải gánh chịu rất nhiều mặc cảm, tủi hổ vì có một người chồng, người cha mang trọng tội.
“Ngày về có lẽ còn xa, tôi chẳng biết sẽ làm được gì cho đời nhưng muốn sống thật là có ích và vớt vát bù đắp được chừng nào hay chừng ấy cho những tổn thất ngày nào đã gây ra với cộng đồng và gia đình”, phạm nhân Kiếm trải lòng.
Kiếm tiết lộ, một trong những “động tác” đầu tiên mà phạm nhân này chứng minh cho quyết tâm hoàn lương của mình đó là trong những ngày thụ án, đã có rất nhiều “anh em trong giới giang hồ” không quản ngại đường xá xa xôi lặn lội đến tận trại giam thăm nom, tiếp tế cho “đại ca”. Thế nhưng, trong thâm tâm của kẻ vừa thoát khỏi cửa tử đang tràn đầy hi vọng ngày trở về, Kiếm đã quyết dặn mình dù tình nghĩa đến đâu vẫn phải đoạn tuyệt với những kẻ như thế vì nó chẳng đem lại lợi ích hay giúp bản thân cải tạo tốt hơn.
Thậm chí, lại dễ bị lôi kéo vào con đường tội lỗi. Bù lại, thường xuyên hàng tháng, gia đình, anh em bạn bè thân tín vẫn lặn lội vượt cả vài trăm cây số vào thăm nom động viên đều đều nên phạm nhân này rất lấy làm an tâm, lấy đó là động lực phấn đấu cải tạo.
Cần phải hiểu biết pháp luật và suy nghĩ hành động đúng mực là bài học quý giá mà Kiếm rút ra cho bản thân sau khi đã kinh qua đủ những “hỉ, nộ, ái, ố” của cuộc đời. Từ bài học xương máu của bản thân, Kiếm nhận thức được rằng chỉ có nỗ lực cải tạo lao động là con đường duy nhất giúp những con người một thời tay trót nhúng chàm như hắn ta sửa chữa lỗi lầm để hoàn lương.
Phạm nhân từng mệnh danh “đại bàng gãy cánh” một thời cũng đã cởi mở sẻ chia những kinh nghiệm khắc cốt ghi tâm đó với các anh em phạm nhân khác, để rồi tất cả cùng nhau thi đua “chạy nước rút” về với cuộc đời tự do, với gia đình trong một ngày không xa.
Tiến Phong

Đọc thêm