Khi các “cô chiêu” dạt vòm"

Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng khi rời xa mái ấm gia đình, dấn thân vào cuộc sống xô bồ, các bé gái rất dễ nhiễm thói hư tật xấu, thậm chí trở thành tội phạm, nghiện ma túy và là nạn nhân của HIV/AIDS...

Hiện tượng trẻ em bỏ nhà “đi bụi”, “dạt vòm” đang trở nên báo động hơn vì các em gái tham gia ngày càng nhiều. Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng khi đã rời xa mái ấm gia đình, dấn thân vào cuộc sống xô bồ, các em rất dễ nhiễm các thói hư tật xấu, thậm chí trở thành tội phạm, nghiện ma túy và là nạn nhân của HIV/AIDS.

Thích... là đi!

Ngày 3/12/2010, một tài xế xe khách đường dài tên là Nguyễn Hữu Được ở Quảng Nam đã kịp thời giải cứu nhóm em gái bỏ nhà đi lang thang từ TP HCM ra Đà Nẵng.

Theo lời anh Được, trưa đó, xe anh vừa xuất bến miền Đông đi Đà Nẵng thì có 5 em gái, tuổi 14-17, xin đi Quảng Ngãi. Hai người trong nhóm nói kẹt tiền, sẽ chạy xe máy theo sau, hẹn ba em kia gặp nhau ở Quảng Ngãi. Điều lạ là cả chặng đường hàng trăm cây số, ba em gái không giao tiếp với ai một câu...

Nghi ngờ việc chẳng lành, anh Được đã khéo léo hỏi chuyện và phát hiện ra việc “đi bụi” của nhóm trẻ. Những em gái ấy mang theo chiếc cặp sách, hai cuốn vở, phấn son, chăn màn, quần áo... Theo các thiếu nữ, qua chat họ được một nickname tên “Bin” rủ đi chơi. Không ngần ngại, các cô bé rủ nhau “đi bụi”. Anh tài xế đã liên lạc với cơ quan chức năng đưa các em về nhà.

Hè phố không phải là “đất sống” của các “cô chiêu”. Ảnh minh họa
Hè phố không phải là “đất sống” của các “cô chiêu”. Ảnh minh họa.

Đây là một vụ việc điển hình của hiện tượng một số em gái bỏ nhà đi bụi. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho các cô bé... thích bỏ nhà: Do bố mẹ mắng, buồn bã chuyện học hành, gia đình không hạnh phúc, cha mẹ mải lo kiếm tiền mà xem nhẹ việc giáo dục con cái...

Nhưng một nguyên nhân chính là do tác động bạn bè xấu. Giao tiếp với bạn bè xấu hoặc những đối tượng xấu ngoài xã hội là một trong những nhân tố quan trọng có thể dẫn trẻ đến sai lầm. Theo điều tra, thanh thiếu niên sai đường do bạn bè lôi kéo chiếm tỉ lệ 1/3.

Không phải tất cả những em gái “đi bụi” đều là hư hỏng, có hoàn cảnh gia đình éo le, phức tạp, khó khăn về kinh tế, thiếu sự kiểm soát của cha mẹ... Thực tế cho thấy, rất nhiều trẻ trong những gia đình khá giả, cha mẹ là cán bộ Nhà nước hoặc có địa vị xã hội, nhưng vẫn bỏ đi lang thang. Không ít em gái khi bị mắng là “ăn bám”, “vô tích sự” đã nổi tự ái, bỏ nhà tìm đường thoát li để... tự lập, rồi bị xâm hại tình dục, bị lừa bán, hoặc bị dụ dỗ tham gia các băng nhóm giang hồ...

Những “cô chiêu” non nớt này thường tụ tập trong các quán net, hoặc sinh hoạt tập thể trong các nhà nghỉ rẻ tiền, thậm chí cắm trại trên núi để ở.

Đừng thách thức trẻ

Hiện tượng bỏ nhà ra đi, nhiều em còn cho đó là mốt “thời thượng”, và dùng đó làm chiêu bài để đe dọa và gây áp lực đối với bố mẹ để đưa ra những yêu sách.

Hiện nay, có một số trẻ đã lấy “vũ khí” dọa... “dạt vòm” để ép người thân làm theo ý muốn của mình. Đây là một “trò chơi” nguy hiểm tới tính mạng trẻ, gây hoang mang, phiền muộn đối với những bậc sinh thành và gây “nhiễu” cho xã hội.

Đã không ít người vì sợ con bỏ nhà nên đã “thỏa hiệp” với con càng khiến chúng ngày càng thích... đi. Vì vậy, khi trẻ xung đột, các bậc cha mẹ nên bình tĩnh lắng nghe con, phân tích đúng mức độ yêu sách của trẻ. Sau đó để trẻ suy ngẫm và đáp ứng nhu cầu của trẻ (nếu thấy cần thiết, nhưng với giá trị vật chất thấp hơn).

Như vậy, cha mẹ có thể sẽ "hạ nhiệt" và dập tắt được ý định “làm khó” bố mẹ của trẻ, qua đó bạn cũng hiểu tính tình và gần gũi con nhiều hơn. Tuyệt đối không nên thách thức trẻ bằng những câu nói: “Có giỏi thì mày cứ ra khỏi nhà cho tao xem”, hoặc “Bước chân đi cấm cửa quay về”.

Nếu phát hiện trẻ có quan hệ với bạn bè xấu thì cần tìm cách để chúng đoạn tuyệt với những đối tượng này. Các cha mẹ cần chủ động phối hợp với nhà trường và các tổ chức xã hội để giáo dục trẻ về việc yêu gia đình, hiểu giá trị của gia đình.

Bà Vũ Thanh - Trung tâm Tư vấn Thăng Long:

Thông thường luôn có sự khác biệt rõ nét trong cách nhìn nhận và quan điểm của hai thế hệ cha mẹ và con cái.

Mặc dù cha mẹ luôn yêu thương, mong cho con những điều tốt đẹp nhất, song họ cũng luôn có xu hướng bao bọc, che chở và lo lắng cho con quá mức.

Điều đó, cộng thêm tâm lý con ngoan phải biết nghe lời, dẫn tới hành vi kiểm soát ở cha mẹ và cảm giác gò bó, mất tự do, cảm giác không được hiểu, được tôn trọng ở trẻ.

Từ cảm giác không được hiểu, tin tưởng, bị kiểm soát, cộng thêm đặc điểm tâm lý thường có ở tuổi vị thành niên như xu hướng chịu tác động lớn từ nhóm bạn bè và tâm lý muốn khẳng định mình..., nên nếu cha mẹ không khéo léo trong ứng xử thì những trường hợp bỏ nhà đi như các cô bé ở trên sẽ ngày càng nhiều, nhất là khi nhận được sự đồng tình của người yêu, bạn bè”.

Thùy Dương

Đọc thêm