Vì nhiều lý do mà bếp núc trở thành chốn riêng của cánh nữ. Nhưng thế không có nghĩa là đàn ông không được bén mảng. Đã có nhiều nam đầu bếp giỏi bắt đầu sự nghiệp từ căn bếp của mẹ và cũng có nhiều ông chồng được vợ yêu hơn vì đã dũng cảm tung hoành... nơi chốn bếp trong những ngày kỷ niệm, ví như ngày 20/10!
|
Ảnh minh họa |
Vút bay từ căn bếp của mẹ
Cách đây 7 năm, năm 2004, có một nam đầu bếp được coi là đầu bếp trẻ nhất Việt Nam. Đó là đầu bếp Trường Duy. Tuy mới 19 tuổi nhưng Duy đã sở hữu rất nhiều bằng khen trong nước và các tổ chức quốc tế về tay nghề nấu bếp như bằng công nhận là thợ giỏi cấp thành phố bằng khen của tập đoàn thực phẩm Úc, bằng Diploma của Bỉ do vua bếp Frontyne trao tặng, bằng khen của một trường nấu ăn Bỉ năm 2004...
Theo lời kể của Duy thì ngay từ khi còn là một cậu bé, Duy đã đã mê căn bếp cùng tài nấu nướng của mẹ mình. Năm lên 10, Duy bắt đầu ôm mộng trở thành một đầu bếp... Được gia đình ủng hộ, Duy bắt đầu ước mơ của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Đó là những lúc Duy tìm cách được gần gũi với các đàn anh trong nghề để học hỏi kinh nghiệm. Những sách nấu ăn cuốn hút luôn cuốn hút cậu bé 15 tuổi. Căn bếp gia đình chính là nơi Duy đã chắp cánh cho ước mơ của mình. Những ngày cha mẹ vắng nhà, cậu tự trổ tài nấu bếp khiến gia đình nhiều phen phải ngạc nhiên.
Sau nhiều năm học tại trường trung học Nghiệp Vụ Du Lịch và Khách Sạn Sài Gòn, Duy đã tốt nghiệp loại giỏi... Cậu bé Duy ngày nào nay mới 19 tuổi đã trở thành một đầu bếp phụ trách món Âu của khách sạn Bông Sen. Theo Duy, nghề đầu bếp không đơn giản như mọi người thường nghĩ. Có những lúc Duy phải thao tác trên 4-5, thậm chí 9-10 chảo nấu. Tất cả mọi thao tác phải chính xác tới từng tích tắc để có thể ra được món ăn ngon. Vất vả là vậy nhưng Duy yêu thích không khí nơi bếp núc vì nó gợi cảm giác của một gia đình.
“Khỉ tò mò trong công viên”
Là lời ca cẩm của chị H.H (Hải Dương) sau môt lần dọn “bãi chiến trường” do đức ông chồng bày ra trong bếp. Số là, dâu mới, lần đầu tiên được về quê chồng ở Mê Linh, Hà Nội, chị H. đã mắt tròn mắt dẹt khi thấy tay dao tay thớt là cánh đàn ông, mà toàn các bậc cha, chú, anh trong họ cả. Nghe lời giới thiệu từ bà chị dâu thì chị H. được biết, ở quê này đã có truyền thống khi có giỗ chạp, đàn ông sẽ phụ trách từ khâu chế biến cho tới nấu nướng các món chính, còn cánh nữ chỉ đảm nhiệm những việc nhỏ như nhặt, luộc, xào rau, đồ xôi, làm gà... Về nhà chị H. cứ thán phục mãi với chồng khiến anh phổng mũi và hứa dịp sinh nhật vợ sắp tới sẽ trổ tài.
Đúng ngày sinh nhật, chị H. cố tình nấn ná ở cơ quan, về muộn để chồng có cơ hội “ghi điểm”. 6h chiều, chị đẩy cửa vào nhà, những nghĩ sẽ nhìn thấy một bữa ăn ngon bày sẵn trên bàn cùng lọ hoa hồng, giá nến lãng mạn. Nào ngờ, “đón” chị là một làn khói khét lẹt của chảo thịt đang cháy trên bếp. Ở bồn rửa, nước từ rổ ngâm rau chảy tong tỏng xuống sàn. Còn “đầu bếp” thì đang lúi húi tận trong buồng tìm lọ thuốc bỏng để xịt tay đau.
Sau trận dọn dẹp nhớ đời ấy, chị H. chép miệng với các đồng nghiệp cùng phòng ở cơ quan: “Đúng là thiên hạ nói chẳng sai. Đàn ông vào bếp chẳng khác nào voi vào cửa hàng đồ sứ hay khỉ tò mò trong công viên...”. Bỗng ông sếp chị cắt ngang câu chuyện: “Thôi đi các cô, đòi hỏi nhiều quá đấy. Theo tôi, việc đàn ông chuẩn bị một bữa tối thân mật cho vợ hoặc người yêu đã là một hành động lãng mạn rất đáng được tuyên dương, ủng hộ rồi. Nhưng vào bếp thường xuyên lại là chuyện khác. Vì dù có mạnh mẽ, độc lập đến đâu thì phụ nữ các cô vẫn cần một người đàn ông vững vàng, mạnh mẽ chứ không hẳn là mẫu đàn ông đảm việc nhà”.
“Ừ nhỉ, có lẽ đúng!” - chị H. gật gù và chấm dứt 15 phút “kêu ca và nhạc than phiền” về “tài nghệ” của chồng để yên tâm quay trở lại công việc.
Hạnh Quyên