Thời kinh tế đình đốn, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp có xu hướng xoay xở “làm nghề tay trái” để tự cứu mình. Theo các chuyên gia, đây là một động thái tất yếu, và không ít doanh nghiệp đã thóat nguy nhờ đó. Tuy nhiên, nhiều cảnh báo cũng được đưa ra cho xu hướng kinh doanh “nhảy cóc” theo thị trường của doanh nghiệp.
|
Vui buồn nghề tay trái của doanh nghiệp
Có lẽ chưa thời điểm nào doanh nghiệp rơi vào tình trạng bấp bênh hàng lọat như trong thời điểm này. Sự đình đốn xuất hiện từ cả những doanh nghiệp “đại gia” vốn được coi là vững vàng cho đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, cả các doanh nghiệp gia đình hay cửa hàng bán lẻ. Những con số nợ “khủng” được đưa ra khiến nhiều người choáng váng.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phải tạm ngưng một số dây chuyền, nhà máy án binh bất động, mà có lẽ, “thê thảm” nhất phải kể đến những doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và các ngành nghề liên quan. Giải trình nguyên nhân lỗ 104 tỉ đồng vào quý 4-2011, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cho biết là do chi phí lãi vay quá cao. Cụ thể, so với cùng kỳ, chi phí lãi vay của doanh nghiệp này đã tăng hơn 100 tỉ đồng.
TPHCM có gần 100 sàn giao dịch Bất động sản được cấp phép hoạt động. Có thời kì, người ta chứng kiến sự thịnh vượng của các sàn này, mỗi buổi sáng, dân chứng khoán, cò tấp nập, thậm chí các dịch vụ ăn theo như giữ xe, nước giải khát cũng “ăn nên làm ra”. Đến nay, các “sàn” này rơi vào tình trạng cực kì hiu quanh, các dịch vụ nọ cũng chuyển đi tìm địa điểm khác làm ăn. Nhiều “sàn” hiện treo bảng “cho thuê mặt bằng” hoặc đã chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác.
Đường Trần Não, quận 2 từng là một trung tâm bất động sản cực kì sôi động với vài chục công ty BĐS trải dài trên một con đường thì nay, chỉ còn vài công ty trụ lại, làm ăn ngắc ngoải. P.T.T, giám đốc công ty BĐS An Hòa.P., vốn là con trai một “đại gia” ở Bình Thuận, lập công ty BĐS ngay thời cực thịnh, muốn chứng minh cho gia đình thấy khả năng tự lập của mình. Được một năm, kinh tế rơi vào khủng hoảng, T. gắng gượng thêm năm nữa, cuối cùng đanh buông xuôi, chấp nhận trở về quản lý khu resort cho gia đình.
Cùng với BĐS, ngành xây dựng cũng trong tình trạng ngắc ngoải. Từ các công ty xây dựng cho đến cửa hàng trang trí nội thất, vật liệu xây dựng doanh số đều sụt giảm nghiêm trọng. Nguyễn Minh T. , ông chủ trẻ của Công ty xây dựng Minh T., Thủ Đức. Thời kì kinh tế ổn định, doanh nghiệp của anh ăn nên làm ra, nhận thầu được rất nhiều công trình lớn khu vực Thủ Đức, quận 9. Anh T. kể, thời điểm hưng thịnh, anh hầu như không nhận công trình nhà ở thông thường mà chỉ nhận công trình lớn. Thời điểm đó anh cũng mạnh tay thuê một trụ sở 4 tầng nằm trên một con đường lớn để tiện giao dịch.
Đến nay, hợp đồng thuê mặt bằng chưa hết hạn, làm ăn khó khăn, anh đành cho một công ty vận chuyển thuê lại hai tầng, còn mình thì giảm nhân viên, cầm cự với những công trình xây dựng nhà ở thông thường. “Ngay cả nhà dân năm nay người ta cũng chẳng thèm xây cho, có khi cả tháng chẳng nhận được cái nào. Mình đang dự tính cho vợ nghỉ làm việc tại công ty mình, ra kinh doanh ăn uống kiếm thêm”, anh T. chia sẻ thật lòng.
Một giám đốc khác, ông Lê Ngọc Tú của công ty BĐS Bình Dân, gần đây thấy trở thành… ông chủ quán ăn. Ông chia sẻ, vì muốn duy trì công ty BĐS nên phải xoay sở tay trái lấy tiền nuôi quân chờ thời.
Về phía các doanh nghiệp dệt may, tình hình cũng không khá khẩm gì hơn. Trước đây, thông thường là các DN dệt may đã có sẵn đơn đặt hàng của năm sau tới từ quý 3 của năm nay. Thế nhưng, theo thổ lộ của nhiều DN, đến hết quý 1 năm nay, vẫn chưa có đơn đặt hàng của quý 2, quý 3 chứ nói gì đến sang năm. Ông Nguyễn Đức Hiếu, chủ doanh nghiệp may mặc xuất khẩu Anh Em, quận Bình Chánh cho biết, từ năm ngoái đến năm nay các xưởng của công ty rơi vào tình trạng “trùm mềm” vì hòan tòan không có đơn đặt hàng.
Năm ngoái, công ty còn bị quỵt một số tiền nợ lớn do đối tác phá sản. Đỡ “thê thảm” hơn, xưởng may mặc của gia đình anh Lê Văn Tấn ở khu Bàu Cát, Tân Bình, sau khi bị đứt đơn đặt hàng may gia công quần áo công nhân cho nhiều khu công nghiệp, đã chuyển sang may khẩu trang, quần áo chống nắng đồng thời thuê ki ốt để tự tiêu thụ các mặt hàng này. “Không bằng hồi xưa nhưng cũng có đồng ra, đồng vào nuôi sống cả nhà”, chị vợ anh Tấn tâm sự.
Không nên “mất bình tĩnh”?
Theo Bộ Công thương, trong quý 1-2012, ngành công nghiệp chế biến vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn nhất, chỉ số sản xuất ba tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước.
Với tình hình trên, chuyện doanh nghiệp làm nghề tay trái để cầm cự là điều hiển nhiên, trên thực tế nhờ sự xoay chuyển phù hợp và kịp thời, nhiều doanh nghiệp cũng tạm vượt qua được nguy cơ trước mắt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã đưa ra lời cảnh báo về những nguy cơ khi doanh nghiệp “nhảy cóc”, kinh doanh trái ngành nghề.
Một ví dụ đến từ Hoa Sen Group, tập đòan này, trong thời thịnh vượng nhất, đã với tay đến nhiều lĩnh vực khác ngoài thép: Bất động sản, hàng hải. Năm 2009, nhiều dự án “khủng” về BĐS đã được tập đòan này bắt tay thực hiện như Dự án Phố Đông, Phước Long, Riverside… Sau một thời gian dài điêu đứng, mới đây, Hoa Sen Group đã lần lượt bán lại các dự án trên, quay về lại với thép.
Một câu chuyện khác mà nhiều doanh nghiệp trong ngành đều biết, là về một doanh nghiệp may mặc nổi tiếng. Thời điểm lợi nhuận cao, doanh nghiệp này cũng mở rộng sang đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê và còn dự định phát triển thêm nhiều cao ốc khác. Xây xong, cao ốc vắng hoe, không biết bao giờ mới thu hồi vốn, doanh nghiệp này mới quay lại với may mặc, lúc này, đơn hàng đã bị sụt giảm quá nửa do một thời gian thiếu chú trọng đầu tư. Đến nay, doanh nghiệp may mặc trên đang tự “cứu nguy” bằng cách nhảy sang kinh doanh hàng máy móc “second hand” và không biết tương lai sẽ thế nào.
Theo các chuyên gia kinh tế, “tự cứu mình” là điều doanh nghiệp cần và nên làm, tuy nhiên, nhìn nhận đúng đắn về thị trường, tìm ra cách để cứu cho hợp lý thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Bình tĩnh, không sốt ruột “chạy theo thời”, xác định thế mạnh và hướng đi đúng đắn là điều mà doanh nghiệp, dù ở thời thịnh vượng hay khủng hoảng cũng cần phải có để doanh nghiệp có thể phát triển ổn định một cách bền vững nhất.
Ngọc Mai