Tạo vỏ bọc hào nhoáng để lừa đảo
Mới đây, sự việc một số Tiktoker nổi tiếng bị bắt vì tội lừa đảo tài chính đã khiến cả cộng đồng bàng hoàng. Núp dưới vỏ bọc “nhà đầu tư tài chính” kinh nghiệm, TikToker Mr Pips (Phó Đức Nam) đã xây dựng hình ảnh một nhà đầu tư thành đạt, biết hưởng thụ cuộc sống, tiêu tiền như nước, có bộ sưu tập xe sang và luôn đi cùng những chân dài xinh đẹp khiến nhiều người mơ ước.
Đồng bọn chính của Mr Pips là Mr. Hunter (Lê Khắc Ngọ), cũng là một TikToker “triệu view” được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ, tạo dựng hình ảnh người trẻ “truyền cảm hứng” khi xuất phát điểm từ con số không, nợ nần để rồi vươn lên, thành đạt, có cuộc sống xa hoa. Dưới những lớp vỏ hào nhoáng này, cả hai cùng đồng bọn đã gây nên vụ lừa đảo tài chính với số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Thực tế, trước đây cũng đã từng có một số vụ lừa đảo, huy động vốn được thực hiện bởi những “doanh nhân thành đạt” trên mạng xã hội, khiến hàng nghìn người “mắc bẫy”. Có không ít vụ việc những người “truyền cảm hứng” cho cộng đồng bởi hành động thiện nguyện, lối sống tích cực bỗng một ngày bị phát hiện tất cả chỉ là vỏ bọc, đằng sau đó là chân dung của những kẻ đạo đức giả, lười lao động, lừa dối công chúng để kiếm tiền nhanh, phục vụ cho lòng tham không đáy…
Có thể thấy, trong thời đại của mạng xã hội, con người ta có cơ hội để dễ dàng xây dựng hình ảnh cá nhân hoàn mỹ, như: doanh nhân thành đạt, nhà từ thiện có trái tim vàng, hoặc người truyền cảm hứng với hàng triệu người hâm mộ. Những bài đăng lung linh về cuộc sống xa hoa, hưởng thụ, những câu chuyện “vượt khó” đầy cảm hứng và những hành động thiện nguyện vì cộng đồng khiến họ nhanh chóng trở thành “thần tượng” trong mắt công chúng.
Để rồi, đằng sau lớp vỏ bọc đó lại là những vụ lừa đảo gây chấn động: chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ người hâm mộ, lợi dụng lòng tin để lừa tình, hoặc kêu gọi quyên góp cho những dự án từ thiện “ma”. Với sức ảnh hưởng và sự tin tưởng của cộng đồng, những kẻ lừa đảo “không ẩn danh” này thường dễ dàng thuyết phục được hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người, để lại bao hệ lụy nặng nề.
Hơn cả thiệt hại về kinh tế…
Nếu như lừa đảo ẩn danh để lại hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại kinh tế cho người bị lừa, thì những kẻ lừa đảo “không ẩn danh” núp dưới các vỏ bọc hào nhoáng còn để lại nhiều hệ lụy đáng sợ hơn. Những cá nhân có danh tiếng thường sở hữu lượng người theo dõi lớn, đồng nghĩa với số người bị lừa đảo “tập thể” rất cao, con số có khi lên đến hàng nghìn, chục nghìn người. Hơn nữa, hành vi lừa đảo núp sau vỏ bọc hào nhoáng lại khó phát hiện hơn, bởi những kẻ này có các chiêu trò "thao túng tâm lý" rất tốt, thường tạo dựng được niềm tin mù quáng, khiến nạn nhân tin tưởng bất chấp, dễ bị lợi dụng.
Không chỉ dừng lại ở việc lừa tiền, hành vi lừa đảo này còn để lại tác động xã hội lâu dài, đặc biệt là đối với những giá trị đạo đức và lòng tin trong cộng đồng. Đó là sự sụp đổ niềm tin vào con người, đặc biệt là khi các cá nhân được xem là “hình mẫu lý tưởng” bị vạch trần. Từ đó, cộng đồng dễ rơi vào trạng thái nghi ngờ, dè chừng, khiến những nỗ lực thiện nguyện và truyền cảm hứng thực sự bị ảnh hưởng tiêu cực.
Bên cạnh đó, những kẻ lừa đảo núp sau vỏ bọc hào nhoáng, trên hành trình tạo dựng “tiếng tăm” đã kéo theo hệ lụy là lan truyền lối sống giả, “sống ảo” trong giới trẻ. Một bộ phận người trẻ dễ bị thu hút bởi hình ảnh thành công nhanh chóng và lối sống hào nhoáng trên mạng, từ đó xa rời giá trị thật, chạy theo những mục tiêu phù phiếm. Đã đến lúc mỗi chúng ta cần tỉnh táo hơn khi tiếp nhận thông tin, tránh để mình trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo tinh vi. Niềm tin là thứ quý giá và nó chỉ nên dành cho những điều thật sự xứng đáng.