Khi nào thì người thi hành công vụ được nổ súng?

Tình trạng chống người thi hành công vụ (THCV) những năm gần đây diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao và xảy ra ở hầu khắp các địa phương, trên rất nhiều lĩnh vực… Vì vậy, Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người THCV đang được soạn thảo để góp phần hạn chế thực trạng nêu trên.

Tình trạng chống người thi hành công vụ (THCV) những năm gần đây diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao và xảy ra ở hầu khắp các địa phương, trên rất nhiều lĩnh vực… Vì vậy, Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người THCV đang được soạn thảo để góp phần hạn chế thực trạng nêu trên.

Ảnh minh họa

Chống người THCV ngày càng gia tăng

Vụ việc chống người THCV sau đây xảy ra đã gần một năm rưỡi nhưng nhiều người dân TP Mỹ Tho (Tiền Giang) chắc vẫn chưa thể quên được. Đêm 28/12/2011, hai nhóm côn đồ rượt đuổi và chém nhau loạn xạ bằng mã tấu trên đường Lê Thị Hồng Gấm (phường 4) khiến người đi đường và người dân trong khu vực hoảng loạn.

Khi bọn chúng ẩu đả trước cổng Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, hai cảnh sát bảo vệ mục tiêu (thuộc Công an tỉnh Tiền Giang) đã mang súng AK47 ra ngăn cản nhưng chúng vẫn không dừng lại. Tình hình căng thẳng buộc một cảnh sát phải chĩa súng lên trời nổ hai phát chỉ thiên để giải tán đám đông.

Tuy nhiên, ngay lập tức một tên côn đồ đã chống trả bằng việc dùng mã tấu chém người thi hành công vụ buộc viên cảnh sát này phải chĩa súng xuống đất bắn cảnh cáo. Viên đạn trượt xuống mặt đường và văng lên trúng vào chân tên côn đồ hung hãn khiến hắn bị thương, cả bọn mới chịu kéo nhau bỏ chạy. Nhiều người băn khoăn tại sao không bắn tên côn đồ thì được lý giải là chỉ được phép bắn chỉ thiên.

Hay mới đây, tại Hà Nội, TAND thành phố đã xét xử, và tuyên phạt Nguyễn Văn Hiếu (SN 1970, trú ở thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội) tù chung thân về tội giết người với nhận định bị cáo không chỉ coi thường tính mạng người khác mà còn coi thường cả những người THCV.

Nạn nhân là ông Lưu Hồ Tuấn (SN 1969) - Đội viên Đội bảo vệ dân phố phường Dương Nội, quận Hà Đông. Trước đó, vào khoảng 22h30 ngày 9/11/2012, sau khi đi uống rượu về, Hiếu và mấy người cùng làm xưởng mộc gây mất trật tự khu phố. Tổ dân phòng phường Dương Nội, trong đó, có ông Tuấn đến nhắc nhở nhưng Tuấn lại lớn tiếng gây gổ với những người thực thi nhiệm vụ.

Khi bị mời về trụ sở Công an phường giải quyết, đối tượng đã hắt xô xăng vào người ông Tuấn, rồi rút bật lửa ra đốt. Mặc dù được các đồng đội ứng cứu, rồi đưa đến bệnh viện chữa trị, song do diện bỏng quá lớn và sâu nên ông Tuấn đã tử vong.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc chống người THCV mà qua tổng kết của Bộ Công an thì tình trạng này diễn ra ở mọi địa bàn, trong mọi lĩnh vực. Từ năm 2002 đến tháng 6/2013, cả nước đã xảy ra 8513 vụ chống người THCV, với 13.706 đối tượng vi phạm, trong đó số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý vi phạm hành chính là 1.632 với 2.575 đối tượng.

Cũng trong hơn 10 năm qua, các hành vi chống người thi hành vụ đã làm rất nhiều người THCV bị thương, hi sinh, chỉ tính riêng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, lực lượng Cảnh sát và Bộ đội Biên phòng đã có 17 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, 40 cán bộ, chiến sĩ bị thương, trên 280 cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm HIV/AIDS do hành vi chống người THCV gây ra

Chỉ được nổ súng theo quy định của pháp luật

Những thực tế đau xót trên đòi hỏi phải có biện pháp để ngăn chặn và đây cũng chính là mục đích xây dựng Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người THCV. Dự thảo Nghị định từng quy định khá “mạnh” là: “Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người THCV sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người THCV hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người THCV được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm...”.

Trong khi đó, Điều 22 Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định khá rõ trường hợp nào được bắn súng, trường hợp nào không. Theo đó, người THCV chỉ được nổ súng trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết; chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra. Vì vậy, rất nhiều ý kiến lo ngại quy định trên sẽ xảy ra sự lạm dụng trong quá trình sử dụng súng của người THCV.

Tiếp thu những đóng góp này, trong cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị định do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua – 13/6, nội dung quy định đã được sửa đổi như sau: “Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người THCV sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người THCV thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người THCV được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người THCV. Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Mặc dù còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi nhưng Thứ trưởng Lê Hồng Sơn – Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá cao nhiều quy định của Dự thảo Nghị định trong việc tránh lạm quyền và đảm bảo an toàn pháp lý cho người THCV cũng như bảo vệ quyền tự do dân chủ, lợi ích hợp pháp của người dân.

Hoàng Thư

Đọc thêm