Khi nông dân được tiếp cận với khái niệm “cà phê bền vững”

“Chương trình Phát triển cà phê bền vững” của Tập đoàn Thái Hòa mang đến phổ biến, tập huấn cho người trồng cà phê trên những vùng nguyên liệu ở Lâm Hà đã thực sự mang lại hiệu quả khi làm thay đổi được ý thức, quan niệm sản xuất  cũ của nhiều hộ nông dân nơi đây.
Trong những năm vừa qua, cây cà phê ở Lâm Đồng được xem như là một cây trồng chủ lực làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống cho nhiều địa phương ở Nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, thói quen canh tác đơn giản cắm cây xuống đất, mua phân về bón và đợi sự “thuận lòng” của mưa, nắng đã gần như trở thành ý thức của rất nhiều hộ nông dân trồng loại cây này. Chính sự “phó mặc” đó đã dẫn đến sự thất thường, được - mất, không ổn định của chất lượng, sản lượng cà phê chín qua mỗi mùa vụ.
“Chương trình Phát triển cà phê bền vững” của Tập đoàn Thái Hòa mang đến phổ biến, tập huấn cho người trồng cà phê trên những vùng nguyên liệu ở Lâm Hà đã thực sự mang lại hiệu quả khi làm thay đổi được ý thức, quan niệm sản xuất  cũ của nhiều hộ nông dân nơi đây.
Vườn "cà phê bền vững" ở Lâm Hà.
Đã có rất nhiều những nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh cà phê đến và chọn Lâm Đồng làm đối tác. Tuy nhiên, việc đưa khái niệm “Cà phê bền vững” cũng như tổ chức những buổi tập huấn đến với các hộ nông dân trồng cà phê thì Tập đoàn Thái Hòa là đơn vị đầu tiên. Câu trả lời về hiệu quả sau khi được tiếp cận với những kỹ thuật trong chương trình của nông dân các xã như Đạ Đờn, Đinh Văn, Tân Hà … đã được minh chứng bằng chất lượng quả chín cũng như sản lượng ổn định trong mỗi vụ thu hoạch. Việc tuân thủ theo các nguyên tắc kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón đã được bà con thực hiện ngày càng nhiều sau khi nhận thấy những hữu ích thực sự khi làm theo hướng dẫn của Chương trình cà phê bền vững.

Yếu tố đầu tiên được nhắc đến trong chương trình của Tập đoàn Thái Hòa mang đến cho người trồng cà phê đó là: Canh tác cà phê bền vững chính là con người sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên đất, nước, bảo vệ môi trường tự nhiên để vừa sản xuất ra nông sản đạt năng suất, chất lượng tốt để thỏa mãn nhu cầu con người ở hiện tại vừa có thể bảo đảm trong tương lai.

Dựa trên những nguyên tắc cơ bản đó, việc kết hợp trồng cà phê với các loại cây che bóng đa dạng nhưng đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao là một phương án luôn được khuyến khích. Các mô hình trồng xen với cây hồ tiêu, sầu riêng, cây bơ đều được cán bộ kỹ thuật của Thái Hòa phổ biến trong các chương trình tập huấn. Không chỉ che bóng, các loại cây trồng này còn mang lại thu nhập hàng năm từ 40 đến 50 triệu đồng/ha cho người trồng cà phê hàng năm nếu như tuân thủ được các yếu tố kỹ thuật.

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc trồng cà phê như các yếu tố đất đai, phân bón cũng thường xuyên được nhấn mạnh trong chương trình này. Trồng trên đất có độ pH 4,5-6 hay làm bồn theo sự phát triển của tán cây, thiết kế hàng 3x3m trên đất bằng, đất dốc 2,5 m/1 hàng cây … hay việc bón phân hợp lý với các nguyên tố đa lượng NPK cây cần với số lượng nhiều, trung lượng Ca, Mg với số lượng trung bình, vi lượng Zn, Bo, Cu, Fe cây cần với số lượng ít. Rồi những triệu chứng thiếu dinh dưỡng cây thường gặp như: lá non có màu vàng nhạt, phiến lá mỏng, lá già chuyển màu vàng rồi rụng là do thiếu đạm; cành sai quả lá có màu xanh sẫm bị rủ xuống đất, khô cững và rụng là do thiếu lân; lá già bị cháy ở mép và đuôi lá, cây bị khô cành, quả non bị rụng là do thiếu Kali; hình dạng lá bị biến đổi, chóp lá cong không đều vào phía trong do thiếu can xi … tất cả những yếu tố kỹ thuật cơ bản ấy được bà con tiếp cận một cách “mới mẻ” và hào hứng.
Đất tốt, thời tiết thuận lợi, giá cả trong những năm vừa qua phần nào ổn định đã khiến cho nhiều người trồng cà phê không quan tâm nhiều đến các yếu tố kỹ thuật. Tuy nhiên, việc canh tác lâu dài trên một diện tích, cũng như ít quan tâm đầu tư đến các yếu tố kỹ thuật đã khiến chất lượng, sản lượng cà phê bị giảm sút. Nên việc tiếp cận với các cách thức trồng và chăm sóc cây theo cách khoa học gần như hoàn toàn mới đối với nhiều người.

Việc liên tục được cập nhật các phương thức thâm canh cà phê tiên tiến của Tập đoàn Thái Hòa trong thời gian vừa qua đã giúp cho bà con nông dân ở các xã trong huyện Lâm Hà rất nhiều. Bà Hoàng Thị Huệ (thôn Tân Tiến, xã Đạ Đờn) cho biết: Thôn Tân Tiến có khoảng 200 hộ dân, do được tiếp xúc với khái niệm “Cà phê bền vững” nên vườn cà của người dân nơi đây đều xanh tốt và cho thu hoạch rất tốt. Mọi người không còn lạm dụng quá nhiều phân hóa học, không hái xanh cà phê, quả khi thu hoạch đều to, chín và rất đều.

Theo ông Nguyễn Kim Tú - Phó Tổng GĐ Công ty TNHH cà phê Thái Hòa (Lâm Đồng) thì: Việc tổ chức các lớp tập huấn về cà phê bền vững nhằm thay đổi cách thức canh tác lạc hậu, thường dựa vào thiên nhiên của bà con nông dân thường xuyên được công ty cử cán bộ kỹ thuật có trình độ cao xuống truyền đạt cho người dân. Các yếu tố về kỹ thuật từ tưới nước, phòng ngừa sâu bệnh, thu hoạch, chế biến, bảo quản … đều được phổ biến tường tận cho người nông dân trong mỗi đợt tập huấn.  Việc này mang lại những giá trị nhất định cho cả 2 bên, thu nhập ổn định và lâu dài cho người trồng cà phê cũng như lợi ích kinh doanh của công ty.

Việc phối hợp giữa nhà nông và doanh nghiệp luôn mang đến những hiệu quả tốt nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Mang đến cho người nông dân những kỹ thuật cơ bản trong việc chăm sóc cây trồng với những yếu tố kỹ thuật tiến tiến như việc tổ chức các lớp tập huấn về “như phê bền vững” của Tập đoàn Thái Hòa cho nông dân là vô cùng cần thiết và hữu ích, nhất là trong thời điểm thị trường ngày càng có những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.
Đăng Lộ   

Đọc thêm