Dự án xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại khu đất góc phố Ngô Quyền- Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã gần 20 năm qua vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. Theo phương án mới nhất, để giải phóng mặt bằng (GPMB) khu đất, NSNN sẽ mất hơn 34,5 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với phương án đưa ra cách đây khoảng chục năm. Thế nhưng, không dễ để thuyết phục những hộ dân trong khu vực tự nguyện bàn giao mặt bằng khi ngay gần đó, khu đất 22- 24 Hàng Bài và 25 - 27 Hai Bà Trưng nhà đầu tư đã trả đến 500 triệu đồng/m2 mà có hộ dân vẫn chưa chịu…
Giữ đất để ... cho thuê
Ngay sau khi có giấy phép sử dụng đất (số 853 UB/XDCB ngày 10/5/1993 của UBND TP Hà Nội), KBNN đã tập trung thực hiện công tác điều tra khảo sát khu vực GPMB. Ngày 05/02/1995 UBND TP Hà Nội đã có quyết định số 678/QĐ-UB để thu hồi 1.233,7 m2 đất và giao cho KBNN để xây dựng trụ sở. Giai đoạn 1997-1998, 10 trong tổng số 25 chủ sử dụng nhà, đã nhận tiền hỗ trợ, bàn giao mặt bằng và chuyển đến khu vực tái định cư. Còn 15 chủ sử dụng nhà và đất không thực hiện việc bàn giao mặt bằng và “cầm cự” cho đến nay (diện tích hơn 554 m2).
|
Khu đất mặt phố Ngô Quyền đang cho thuê kinh doanh. |
Thế là khu đất “vàng” nằm giữa Thủ đô suốt hơn chục năm nay rơi vào cảnh nhem nhuốc, phần đất đã thu hồi được chủ đầu tư quây tôn, hàng tháng vẫn mất tiền thuê người trông giữ, số hộ dân còn lại phần lớn đã chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng vẫn giữ đất để cho thuê kinh doanh (đặc biệt phía mặt phố Ngô Quyền, từ số nhà 43F-47C). Mặc dù đất đã có quyết định thu hồi, song các hộ dân này vẫn đề nghị được cấp sổ đỏ (!?)
Giá Nhà nước "chịu" giá chợ đen
Ông Đào Thái Phúc, Giám đốc KBNN TP Hà Nội, đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và GPMB dự án cho biết, trong quá trình thực hiện công tác GPMB, các hộ dân trong khu vực GPMB đã đưa ra nhiều ý kiến thắc mắc liên quan đến cơ sở pháp lý của dự án, việc giao đất của UBND TP (diện tích và quy hoạch); việc tổ chức triển khai công tác GPMB và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời kiến nghị Nhà nước không thu hồi đất.
“Các thắc mắc và kiến nghị của các hộ dân đều đã được Hội đồng GPMB và các cơ quan có chức năng liên quan trả lời. UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm cùng KBNN Hà Nội đã vận dụng các cơ chế chính sách để tạo điều kiện có lợi nhất cho các hộ dân, đã tiếp thu chỉ đạo các ban ngành phải giải quyết triệt để mọi thắc mắc, kiến nghị của người dân và công khai đến dân, nhưng vẫn chưa được dân chấp thuận, chủ yếu do sự chênh lệch giữa đơn giá nhà nước bồi thường hỗ trợ với giá trên thị trường không chính thức mua bán giữa dân với nhau…”- ông Phúc nói.
Đề cập đến khu đất 22- 24 Hàng Bài và 25 - 27 Hai Bà Trưng, đại diện Ban bồi thường GPMB quận Hoàn Kiếm bày tỏ quan điểm: “Đây là 2 dự án hoàn toàn khác nhau. Dự án 22- 24 Hàng Bài và 25 - 27 Hai Bà Trưng là Dự án dựng trung tâm thương mại - văn phòng và nhà ở tái định cư tại chỗ, DN phải thỏa thuận giá đền bù với người dân. Thực ra khu đất đó chỉ còn một số hộ dân chưa chịu, DN đành phải chấp nhận bồi thường giá cao bởi người ta tính toán như thế còn hơn việc dự án chậm triển khai thiệt hại còn lớn hơn… Nhưng đây là dự án xây dựng trụ sở KBNN, vì mục đích công cộng, KBNN không thể lấy tiền ngân sách đẻ thỏa thuận với người dân mà phải theo quy định của nhà nước…”
Sẽ cương quyết
Ngày 01/10/2010 Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định số 2320/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái đinh cư cho các hộ dân ở số nhà 43F - 47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở KBNN với tổng số tiền bồi thường là 34.581.991.964 đồng. Được biết, KBNN Hà Nội đã phối hợp với tổ công tác hai phương Hàng Bài và Phan Chu Trinh tổ chức niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại hai phường và thông báo bằng văn bản, trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời xuống từng hộ dân dể giao trực tiếp Quyết định phê duyệt kèm theo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Theo Thông tin PLVN có được, tiến độ thực hiện công tác GPMB khu đất này cũng đã được phê duyệt, chậm nhất vào cuối tháng 3 năm sau, mặt bằng sẽ phải được bàn giao. “Tinh thần là lần này, TP, quận sẽ cương quyết làm dứt điểm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời đảm bảo mỹ quan của bộ mặt Thủ đô. Về phía chủ đầu tư, nếu hộ dân nào bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, ngoài phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được phê duyệt, KBNN sẽ có hỗ trợ thêm…”- ông Phúc cho biết.
Hiểu My