Lãi suất cao, doanh nghiệp “cầm chắc lỗ”, người lao động nguy cơ mất việc làm. |
“Kẻ ăn không hết, người lần không ra”
Theo con số chính thức từ Thống kê TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm 2011, lãi suất cho vay VNÐ trên địa bàn bình quân khoảng 18,64%/năm, trong đó lãi suất cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu từ 16- 21%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác 18- 22%/năm, riêng lĩnh vực phi sản xuất mức lãi vay lên đến 25%/năm.
Bình luận về vấn đề này, bà Phan Thị Bích Đào, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Savills Việt Nam cho biết, lãi suất tiền gửi ngân hàng tính 14% nhưng khi cho vay lấy tới 24-25%, vị chi “lãi ròng” hơn 10%, đây là sự bất hợp lý mà phần thiệt thuộc về khách hàng. Lãi suất vay cao, doanh nghiệp (DN) đình đốn sản xuất kinh doanh, thua lỗ. Nhiều DN đã chấp nhận đóng cửa để đem tiền gửi ngân hàng sẽ khả thi và an toàn hơn, vì lãi nhiều hơn mức lợi nhuận thu được khi đi vay vốn của ngân hàng.
Ông Trần Cao Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phát Đạt, chuyên kinh doanh hàng trang trí nội thất cao cấp cho biết, khoảng tầm này năm ngoái, lãi suất vay ngân hàng cao nhất là 16%/năm, nhưng hiện nay lãi cao hơn 24%/năm. Với mức lãi suất này hầu hết DN kinh doanh bằng vốn vay cầm chắc lỗ, đặc biệt là các DN thuộc diện nhỏ và vừa. Đơn cử, Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho thấy, riêng quý II/2011 DN này đã lỗ 10,63 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu là do phí tài chính tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, với lãi vay đã lên đến 64,7 tỷ đồng.
Trong khi DN đang “đau khổ”, nhiều ngân hàng thương mại lại công bố lợi nhuận từ đầu năm đến nay khá lớn, không ít ngân hàng lãi đến hàng nghìn tỷ đồng. Một bức tranh quá tương phản, dẫu biết rằng đằng sau các con số lãi lời, nợ xấu và nợ quá hạn của các ngân hàng hiện cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Theo Hiệp hội Ngân hàng, chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2011, mức nợ xấu và nợ quá hạn tại TP.HCM đã chiếm tới 4,39% tổng dư nợ.
Khó “cứu”
Góp phần “cứu” DN, Ngân hàng Phát triển Nhà TP.HCM đang thực hiện chương trình ưu đãi lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh dành cho ngành công nghiệp phụ trợ, mức giảm lãi từ 1 - 4%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Từ đầu tháng 8 đến 31/12/2011, Ngân hàng Á Châu cũng ưu đãi cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn phục vụ kinh doanh, với lãi suất giảm 1,2% cho từng lần giải ngân nếu vay từ 300-500 triệu đồng trở lên… Mặc dù mức giảm lãi suất đã được các ngân hàng thương mại triển khai, song vẫn chưa đủ để làm hạ nhiệt cơn nóng lãi suất hiện tại vì mức giảm quá thấp.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cũng bày tỏ sự thông cảm với cộng đồng DN. Ông Minh nhấn mạnh, lãi suất huy động nhiều ngân hàng lên tới 18 - 19%/năm (thực tế cao hơn 25%) là vượt trần quy định của NHNN, điều này làm lãi suất vay tăng cao, gây áp lực lớn cho nền kinh tế. Để giảm áp lực về lãi suất vốn vay, NHNN chi nhánh TP.HCM đã làm việc với một số ngân hàng, theo đó đề nghị ngân hàng mạnh dạn chuyển đổi ngoại tệ sang VND để cho vay với lãi suất hợp lý. Lãi suất USD bị khống chế đầu vào 2%/năm, trong khi lãi suất VND đến 14%/năm, như vậy ngân hàng chuyển đổi USD sang VND cho vay với lãi suất 15% - 16%/năm cũng sẽ có lợi hơn.
Với những động thái mới đây từ phía NHNN, nhiều người đang hy vọng từ tháng 9 mặt bằng lãi suất có thể giảm về từ 17-19%. Trong một nỗ lực để hiện thực hóa thông điệp “chính sách tiền tệ chặt chẽ không phải là thắt chặt” ngay sau khi nhậm chức, tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, mở rộng sản xuất để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường, bình ổn giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho hay, khó có thể hạ lãi suất nếu như NHNN không có chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng thời hạ lãi suất vay vốn từ NHNN từ 14%-15%/năm xuống còn 12%/năm .
Mị Na - Hoàng Yến