Việc tải trọng cầu đường trồi sụt như hiện nay, thực sự là nỗi “ám ảnh” đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, nhất là hàng container. Vì đây chính là lỗi mà doanh nghiệp vận tải dễ bị CSGT xử phạt.
|
Xe container và xe tải các loại rất khó tránh lỗi chở quá tải vì những bất cập như hiện nay. |
Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng hóa Việt Nam, biển tải trọng cao nhất trên hệ thống cầu đường Việt Nam hiện nay mới chỉ ở mức 30 tấn, còn lại phổ biến ở mức 13-25 tấn. Trong khi hiện nay, có đến 80% container hàng nhập vào Việt Nam có trọng lượng từ 20-30 tấn, thậm chí 40 tấn. Như vậy, khi chở một container có trọng tải 30 tấn qua cầu có tải trọng 30 tấn, thì đã vượt tải trọng cầu từ 10-15 tấn do cộng thêm trọng lượng của đầu kéo và rơ-mooc; trường hợp cầu có tải trọng dưới 25 tấn trở xuống, thì xe kéo container chở quá quy định tải trọng cầu xấp xỉ gấp đôi. Điều này khiến cho các doanh nghiệp vận tải hàng container rơi vào tình trạng cứ vận chuyển hàng là vi phạm và nộp phạt (!), mức phạt rất cao, thậm chí buộc hạ tải.
Ông Lý Văn Tình, một tài xế container thường xuyên vận chuyển hàng hóa theo tuyến Nam Lào-Cảng Tiên Sa và ngược lại cho biết, việc vi phạm tải trọng là… đương nhiên. Ông phân tích: Trên trục đường từ Cảng Tiên Sa đến Lào, là trục đường mới được nâng cấp, thế nhưng toàn bộ tải trọng cầu trên trục đường này cũng chỉ ở mức 30 tấn. Như vậy, chỉ cần chở một container 25 tấn, cộng thêm đầu kéo, rơ-mooc trên 10 tấn nữa đã vi phạm quá tải. Về tải trọng đường, như đường Ngô Quyền, quốc lộ 14B, tải trọng quy định cũng ở mức 25 tấn, vì thế, việc vi phạm là không tránh khỏi nên khi xây dựng giá cước vận chuyển cũng đã tính luôn phí nộp phạt (!)
Việc tải trọng cầu, đường quá thấp đã gây rất nhiều khó cho các doanh nghiệp vận tải; trong khi đó, trên thực tế, tải trọng nhiều cầu còn bị “kéo” xuống do tình trạng bị xuống cấp. Ông Trần Tiến Thành, tài xế xe container Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thịnh Phát của Đà Nẵng đưa ra dẫn chứng: Trước đây cầu Nam Ô chưa bị xuống cấp, thì lộ trình đi của công ty chở nguyên liệu từ các tỉnh phía Bắc về KCN Hòa Khánh, đi theo đường Nguyễn Lương Bằng rất thuận tiện. Thế nhưng, hơn 2 năm nay, cầu này bị xuống cấp, nên tải trọng của cầu đã hạ xuống còn có 10 tấn, vì vậy xe của công ty phải đi vào đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan-Trường Chinh-Tôn Đức Thắng-Nguyễn Lương Bằng, khiến cho lộ trình xa hơn 20km đã đẩy giá thành vận chuyển lên cao.
Để giải quyết khó khăn này, một số doanh nghiệp đã sử dụng phương án là đi xin giấy phép đặc biệt để vận tải hàng siêu trường siêu trọng, nhằm tránh bị lực lượng CSGT xử phạt lỗi chở quá tải. Mặc dù công nhận một số doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng đã phải sử dụng cách thức này, tuy nhiên theo một cán bộ của Hiệp hội Vận tải hàng hóa Đà Nẵng tỏ ra bức xúc: Theo Quyết định 60 của Bộ Giao thông- Vận tải thì trên toàn quốc có 32 tuyến đường bộ quốc gia đã được cải tạo nâng cấp như 1A, 3, 5, 18, 19, 20… cho phép tổng trọng lượng của xe (hàng hóa và phương tiện) dưới 48 tấn có thể lưu thông. Thế nhưng trên thực tế thì trên các trục đường này vẫn có đầy những tấm biển thông báo tải trọng của cầu từ mức 30 tấn trở xuống. Điều này khiến cho các doanh nghiệp khó tránh khỏi bị xử phạt vì lỗi chở quá tải.
Đây là những tồn tại có rất lâu, và đã được phản ánh nhiều lần, nhưng đến nay các doanh nghiệp vận tải vẫn phải chịu khổ vì… tải trọng khiêm tốn của
cầu, đường.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn