Vợ chồng chúng tôi đang xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mà lý do chỉ là chuyện tiền nong. Các cụ ngày xưa ví người vợ như cái hom giỏ. Nhưng vợ tôi hiểu điều đó theo nghĩa đen, tức là tất cả số tiền chồng làm ra đều phải bỏ vào cái giỏ của bà ấy.
Bỏ mồi bắt bóng
Sự ví von này chỉ phù hợp trong một xã hội nông nghiệp, đồng tiền kiếm được bỏ vào ống, không quay vòng. Nhưng tôi không phải là một ông nông dân mà là một nhà kinh doanh. Đồng tiền trong tay tôi phải liên tục quay vòng để sinh nở và tăng trưởng. Bình quân mỗi ngày có hàng chục tỷ đồng chảy qua ngòi bút của tôi và sinh lời. Trong khi tôi phải vay vốn ngân hàng để kinh doanh thì vợ tôi hàng tháng lại cứ cố moi thật nhiều tiền của chồng để gửi tiết kiệm. Với một nhà kinh doanh thì đó là điều hết sức vô lý. Nhưng sự vô lý đó tôi đã chấp nhận được suốt 20 năm qua.
|
Nếu như Kim Quý không xuất hiện thì có lẽ gia đình tôi vẫn vững như bàn thạch. Nhưng em đã xuất hiện. Các nhà thiết kế thời trang nói rằng bộ cánh của phụ nữ đẹp ở phần hở nhưng Kim Quý không mặc như thế. Cô không khoe ngực, khoe đùi mà mặc kín đáo và sang trọng. Nhưng quả thật cô rất đẹp.
Tục ngữ có câu: “Người đẹp vì lụa” nhưng Kim Quý không cần lụa vẫn đẹp. Không cần lụa là gấm vóc gì cả, người như Kim Quý chỉ khoác bao tải lên người cũng vẫn đẹp. Cô đến để mua cổ phần của công ty tôi. Giọng cô ấm áp và dịu dàng: “Có lẽ em đến hơi trễ rồi. Biết tin công ty của anh bán cổ phần nhưng thông tin đến với em hơi muộn, sợ anh bán hết rồi”. “Cô muộn mà chưa muộn. Có 3 người đăng ký mua cổ phần nhưng quá hạn hai ngày rồi mà chưa đến nộp tiền. Theo điều lệ thì đăng ký của họ không còn giá trị nữa”. Nghe tôi nói như thế, đôi mắt rất đẹp của Kim Quý sáng ngời lên: “Nếu thế thì anh cho em mua cả 3 cổ phần này”.
Với việc mua cổ phần của 3 cổ đông, Kim Quý trở thành một nhân vật quan trọng trong hội đồng quản trị của chúng tôi. Cô làm việc cẩn thận, sắc sảo và ứng xử lịch thiệp. Cô không những kính trọng tôi mà còn khâm phục tôi. Chúng tôi hiểu nhau, mến nhau rồi yêu nhau tự nhiên như cá yêu nước, như chim yêu bầu trời. Chuyện này đến tai vợ tôi và bà ấy lồng lên như một con sư tử cái bị mất tổ. “Những tin đồn đó đúng không”? - vợ tôi hỏi. Và tôi gật đầu xác nhận: “Hoàn toàn đúng”. Khi một người chồng đã thẳng thắn thừa nhận như thế thì hôn nhân không còn cơ may cứu vãn được nữa. Thế là chúng tôi chia tay nhau và Kim Quý trở thành vợ tôi.
“Khôn ngoan thì nên lấy vợ có nhan sắc vừa phải”
Đây là một câu tục ngữ La Tinh. Từ khi có Kim Quý tôi mới thấm thía được bài học này. Mọi người trong công ty gọi Kim Quý là “Dương Quý Phi”. Cái biệt danh quá sang này vừa có ý nịnh khéo phu nhân của Tổng Giám đốc, lại vừa có ý nhắc nhở tôi phải biết dừng chân trước vực thẳm.
Xưa Dương Quý Phi được Đường Minh Hoàng sủng ái và mối tình này đã đẩy triều đình nhà Đường đến suy tàn. Nhưng tôi không đến nỗi u tối như Đường Minh Hoàng và Kim Quý cũng không đến nỗi kéo cả nhà vào triều đình như Dương Quý Phi. Tôi chủ trương công tư phân minh. Công ty chúng tôi làm ăn khá tốt.
Rồi một hôm Kim Quý tỉ tê với tôi: “Với sự điều hành của chồng em, công ty đang phát triển từng bước rất vững chắc. Nhưng em thấy vẫn cần phải sắp xếp lại bộ máy. Có một vài vị trí chưa ổn mà quan trọng nhất là kế toán trưởng. Em phát hiện ông này đã chi những khoản rất sai nguyên tắc”. Những khoản chi sai mà Kim Quý chỉ ra rất chính xác nhưng đó trước hết là lỗi ở tôi chứ không phải ở kế toán trưởng. Có lẽ Kim Quý biết như vậy, nhưng vợ tôi cứ khăng khăng buộc lỗi cho ông kế toán trưởng và đề nghị thay ông ta.
Vợ tôi giới thiệu em trai của cô ta vào chức kế toán trưởng, vì cậu ta được đào tạo chuyên ngành và rất giỏi về lý thuyết kế toán Mỹ. Không hiểu từ bao giờ mà trong công ty tôi đã truyền tai nhau câu tục ngữ: “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Mọi người bảo nhau rằng: “Lời của Dương Quý Phi chính là khẩu dụ của Hoàng Đế”.
Vì thế khi Kim Quý giới thiệu kế toán trưởng mới thì mọi người tán thành ngay. Vợ tôi chỉ đạo phòng kế toán rất chặt chẽ. Mọi khoản chi nếu Kim Quý chưa ký nháy ở góc thì kế toán trưởng không chi. Công ty tôi bắt đầu lục đục từ đó. Mọi người, khi muốn làm một việc gì đều đến hỏi Kim Quý trước khi xin ý kiến của tôi. Nếu Kim Quý không đồng ý việc gì thì việc đó tôi không được biết. Người ta gọi Kim Quý là bà chúa đứng sau ngai vàng và mọi người sợ chúa hơn sợ vua. Tôi dần dần trở thành ông tổng giám đốc bù nhìn và người giật dây là vợ tôi.
Giờ thì tôi hiểu câu nói của người Trung Quốc: “Nhan sắc như vực thẳm”. Người ta rất dễ chết vì vực thẳm bởi trong vực thẳm có nước mà nước thì mát. Người đời chết vì nước mát nhiều hơn chết vì lửa nóng hàng nghìn lần.
Theo Giadinh.net