Ra mắt nền tảng trực tuyến trao đổi và xây dựng chiến lược khoa học công nghệ Việt Nam 2045

(PLVN) - Ngày 25/11, tại Hà Nội, Câu lạc bộ AIVIET phối hợp với Đại học Fulbright tổ chức lễ ra mắt nền tảng trực tuyến trao đổi và xây dựng chiến lược khoa học công nghệ Việt Nam tới năm 2045.
TS Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch CLB AIVIET chia sẻ tại buổi lễ.
TS Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch CLB AIVIET chia sẻ tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, TS Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch CLB AIVIET - cho biết, nền tảng trực tuyến trao đổi và xây dựng chiến lược khoa học công nghệ Việt Nam 2045 (https://vietnamst2045.com) là nơi trao đổi thông tin, kiến thức của các nhà khoa học ở các ngành khác nhau, các nhà tư vấn chiến lược, chính sách, các nhà quản lý, các sinh viên và tất cả những người còn nặng lòng với tương lai khoa học quan tâm đến chiến lược công nghệ của Việt Nam.

Trang web gồm có các chương khác nhau như: Chương 1 “Địa chính trị và Chiến lược lớn”, chương 2 “Bài học kinh nghiệm từ Lộ trình phát triển Khoa học và Công nghệ tới 2045 của Trung Quốc”, chương 3 “Kinh nghiệm triển khai dự án Manhattan 1939-1946 của Mỹ” và chương 4 “Những vấn đề kinh tế xã hội và chiến lược khoa học công nghệ của Việt Nam”. Mọi người có thể tham gia đóng góp ý kiến về những nội dung của các chương.

Từ đó các tác giả sẽ tổng hợp thành cuốn sách “Tiến tới một chiến lược khoa học công nghệ quốc gia của Việt Nam đến năm 2045” dự kiến ra mắt vào tháng 1/2021.

PGS.TS Nguyễn Ái Việt – người sẽ chắp bút cho cuốn sách “Tiến tới một chiến lược khoa học công nghệ quốc gia của Việt Nam đến năm 2045” - cho rằng, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trước hết là nguy cơ tụt hậu, mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Ước mơ nhìn thấy một Việt Nam “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói trước khi lãnh đạo toàn dân vào cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm vẫn chưa thành hiện thực. Có lẽ đầu tư vào khoa học và đào tạo một thế hệ có tri thức và tư duy khoa học là con đường duy nhất để thoát căn bệnh trầm kha triền miên của dân tộc là đói nghèo - lạc hậu.

Tác giả bày tỏ: “Với cuốn sách nhan đề “Tiến tới một chiến lược khoa học công nghệ quốc gia của Việt Nam đến năm 2045”, tôi không có ý định đưa ra một chiến lược “ăn liền”. Tôi không có ý định áp đặt cách nhìn cá nhân hiển nhiên là sẽ có hạn chế, cho một đề án quốc gia như thế. Ngược lại, tôi quan niệm rằng việc xây dựng chiến lược là nhiệm vụ của toàn thể xã hội, của mỗi người làm khoa học."

"Bản chiến lược cuối cùng đưa ra thực hiện phải đúc kết được ý chí chung của mọi người, phù hợp với các chính sách cụ thể. Những ý tưởng đưa ra trong sách này hy vọng tạo ra những cuộc thảo luận xã hội sâu rộng bao gồm các nhà khoa học ở các ngành khác nhau, các nhà tư vấn chiến lược, chính sách, các nhà quản lý, sinh viên và tất cả những người nặng lòng với khoa học”- PGS.TS Nguyễn Ái Việt nói.

Đọc thêm