Khoảng 14,9 triệu người tử vong do COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 5/5 ước tính, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của từ 13,3 triệu đến 16,6 triệu người trong các năm 2020 và 2021.
Một khu tưởng niệm nạn nhân tử vong do COVID-19 tại Mỹ.
Một khu tưởng niệm nạn nhân tử vong do COVID-19 tại Mỹ.

Theo AFP, ước tính của WHO về tổng số ca tử vong vì COVID-19 bao gồm cả những người tử vong do tác động gián tiếp của căn bệnh.

"Các ước tính mới từ WHO cho thấy tổng số ca tử vong liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đại dịch COVID-19 từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021 vào khoảng 14,9 triệu ca (từ 13,3 đến 16,6 triệu)", tuyên bố của WHO nêu rõ.

Con số mà WHO đưa ra tính toán số ca tử vong vượt mức dự báo do cuộc khủng hoảng COVID-19, vốn đã khiến phần lớn hành tinh bị ảnh hưởng trong hơn 2 năm.

Số ca tử vong vượt mức dự báo bao gồm các trường hợp tử vong trực tiếp do COVID-19 và gián tiếp do tác động của đại dịch đối với hệ thống y tế và xã hội.

Các quốc gia trên thế giới đã báo cáo WHO 5,42 triệu ca tử vong do COVID-19 vào năm 2020 và 2021.

Con số này đến nay đã tăng lên thành 6,24 triệu, sau khi tính cả các ca tử vong trong năm 2022.

WHO từ lâu đã nhận định số ca tử vong liên quan đến COVID-19 thực sự sẽ cao hơn nhiều so với số ca tử vong được ghi nhận do nhiễm COVID-19.

Các trường hợp tử vong có liên quan gián tiếp đến đại dịch là do mọi người không thể tiếp cận điều trị vì hệ thống y tế bị quá tải do khủng hoảng.

Theo cơ quan của Liên hợp quốc về y tế, hầu hết số ca tử vong vượt dự báo (84%) được ghi nhận tại Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ.

Các nước có thu nhập cao chiếm 15% số ca tử vong này trong khi các nước thu nhập trung bình cao chiếm 28%, nước thu nhập trung bình thấp hơn chiếm 53% và các nước có thu nhập thấp chiếm 4%. Số ca tử vong ở nam (57%) cao hơn ở nữ (43%) và cao hơn ở những người trưởng thành lớn tuổi.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Những dữ liệu nghiêm túc này không chỉ cho thấy tác động của đại dịch, mà còn cho thấy rằng tất cả các nước cần đầu tư vào hệ thống y tế một cách linh hoạt hơn để có thể duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản trong các cuộc khủng hoảng, bao gồm các hệ thống thông tin y tế mạnh hơn".

WHO đã tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng quốc tế vào ngày 30/1/2020, sau khi các ca mắc làn rộng ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nơi ghi nhận những ca đầu tiên.

Đọc thêm