Khoảng 230.000 hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người ở nước ta còn thấp thì việc tự tạo lập nhà ở tương đối khang trang, chắc chắn là vấn đề khó khăn đối với nhiều hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước còn khoảng 230.000 hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở.
Cả nước còn khoảng 230.000 hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở.
Cả nước còn khoảng 230.000 hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở.

Hàng nghìn hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở

Theo Bộ Xây dựng, giai đoạn 2008-2020, các hộ gia đình nghèo khó khăn về nhà ở đã được Nhà nước hỗ trợ theo các Quyết định (QĐ) số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, QĐ số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số nhà hỗ trợ khoảng 650.000 căn.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện vẫn còn khoảng 230.000 hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở. Số liệu điều tra khảo sát này mới chỉ áp dụng chuẩn nghèo theo QĐ số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo mới tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Do vậy, nếu theo chuẩn nghèo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 thì con số hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở có thể còn tăng thêm.

Được biết, để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ nhà ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay, trong giai đoạn 2021-2025, hiện có 2 chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, phạm vi triển khai thực hiện của 2 chương trình nói trên không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo là quốc gia vùng dân tộc, vùng miền núi và tại các huyện nghèo.

Trên cơ sở tổng hợp các văn bản báo cáo tổng kết của các địa phương cũng như tại các cuộc họp Quốc hội, cử tri, Bộ Xây dựng cho biết đã nhận được kiến nghị của 45 địa phương và 5 Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với các hộ nghèo khu vực nông thôn.

Bộ Xây dựng cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới cho chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn cho các tầng lớp dân cư trong xã hội, đồng thời nâng cao mức sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển nguồn lực con người và giảm tỷ lệ hộ nghèo về nhà ở theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Điều kiện để được hỗ trợ nhà ở

Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng và lấy ý kiến nhân dân về dự thảo tờ trình và dự thảo QĐ của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Theo dự thảo QĐ, mục tiêu thực hiện hỗ trợ nhà ở cho khoảng 230.000 hộ nghèo khu vực nông thôn theo báo cáo rà soát của các địa phương. Đối tượng hỗ trợ là các hộ gia đình là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, có tên trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm QĐ này có hiệu lực thi hành và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi QĐ này có hiệu lực thi hành tối thiểu 5 năm.

Về điều kiện hỗ trợ, dự thảo quyết định nêu hộ gia đình phải đáp ứng các điều kiện sau: Thứ nhất, chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở. Thứ hai, chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác.

Thứ ba, trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác thì phải thuộc các đối tượng sau: nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra như: bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại. Đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác có thời gian từ 8 năm trở lên tính đến thời điểm QĐ này có hiệu lực thi hành nhưng nay nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ.

Dự thảo QĐ cũng nêu rõ, việc thực hiện ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự: hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật); hộ gia đình có thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội; hộ gia đình thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn; các hộ gia đình còn lại.

Đọc thêm