“Khoảng trống rửa tiền” chưa được điều chỉnh?

Đại Biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt giả định: “Nếu tôi là người rủa tiền, tôi đọc luật này (tức Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền – PV), tôi lách được ngay. Vì luật này giao cho ngân hàng soạn thảo (…) giống như quy chế nội bộ để bảo vệ chính mình”. Theo đại biểu Dương Trung Quốc, chính ngân hàng mới là đối tượng để chúng ta cần giám sát chặt (!?) 

Sáng nay (15/11), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tiếp tục điều hành Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII thảo luận về Dự án Luật phòng, chống rửa tiền.

Đối tượng “rửa tiền” là ai?

Theo khoản 1 Điều 4 của Luật này, định nghĩa: Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.

Có 25 đại biểu đã thảo luận đóng góp cho Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền vào sáng ngày 15/11

Do vậy, Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền quy định đối tượng áp dụng đối với: Tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cơ quan, cá nhân Việt Nam; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân…; tổ chức, cơ quan, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Đồng thời, Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền còn quy định, việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Trong trường hợp Điều ư¬ớc quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

“Rửa tiền” liệu có liên quan đến khủng bố?

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật phòng, chống rửa tiền cần điều chỉnh cả lĩnh vực chống tài trợ khủng bố. Về vấn đề này, có hai loại ý kiến. Loại thứ nhất cho rằng, tài trợ khủng bố thường gắn với rửa tiền; do vậy việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là hai lĩnh vực có nhiều điểm tương đồng.

“Luật này quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố; trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố”.
(Trích Điều 1 của Dự thảo)

Luật này có quy định về phòng, chống tài trợ khủng bố để thực hiện các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế về chống rửa tiền và chống khủng bố. Với phạm vi như vậy, các đại biểu ở nhóm thứ nhất này chỉ đề nghị lấy tên gọi của Luật là “Luật phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố”.

Ý kiến khác đề nghị chỉ quy định phòng, chống tài trợ khủng bố liên quan đến rửa tiền và với mức độ như vậy thì cũng chỉ nên có một vài điều khoản về phòng, chống tài trợ khủng bố.

Loại ý kiến thứ hai, các đại biểu đề nghị Luật này chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền và tên gọi của Luật là “Luật phòng, chống rửa tiền”.

Đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai với lập luận đã nêu. Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng tán thành loại ý kiến thứ hai này.

Còn “khoảng trống rửa tiền” chưa được điều chỉnh?

Có 25 đại biểu đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền. Trong đó, đa số đại biểu tán đồng ý kiến với đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) đều nhận định nền kinh tế của nước ta còn nặng giao dịch tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng và hệ thống tín dụng còn hạn chế. Ngoài hệ thông ngân hàng, các tổ chức tín dụng thời gian qua chưa đặt ra vấn đề quản lý, chống rửa tiền.

Chính ngân hàng mới là đối tượng để chúng ta cần giám sát?

Một số đại biểu cho rằng, các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 7 của Dự thảo (Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền; thiết lập, cung cấp dịch vụ chuyển tiền hoặc giá trị thay thế khi chưa  được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép; tham gia hoặc tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố) còn rất chung.

Đại Biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt giả định: “Nếu tôi là người rủa tiền, tôi đọc luật này (tức Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền – PV), tôi lách được ngay. Vì luật này giao cho ngân hàng soạn thảo (…) giống như quy chế nội bộ để bảo vệ chính mình”. Theo đại biểu Dương Trung Quốc, chính ngân hàng mới là đối tượng để chúng ta cần giám sát chặt (!?) 

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) băn khoăn, các hành vi cấm chưa tương xứng với hành vi rửa tiền đang tồn tại trên thực tế. Đại biểu Thoại kiến nghị rằng, cần đưa vào Luật này một số biện pháp phòng, chống rửa tiền qua kinh doanh vàng bạc, chứng khoán, đầu cơ đất đai, nhà hàng, khách sạn...

Trao đổi với Phóng viên, một số đại biểu cho rằng, để phòng, chống rửa tiền, Luật này cần có thêm một số quy định cấm “mở các doanh nghiệp sân sau”. Chẳng hạn, như bố, mẹ, anh, chị đang đương chức là Bí thư Tỉnh, huyện hoặc đang là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, huyện thì con em ruột của họ không được mở doanh nghiệp, để ngăn ngừa việc rủa tiền.

Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan nhà nước liên quan xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chủ trư¬¬ơng, chính sách, kế hoạch phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

2. Chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin báo cáo Chính phủ định kỳ hàng năm và khi được yêu cầu; chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện báo cáo phương thức, cách thức rửa tiền, tài trợ khủng bố trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Hỗ trợ, hợp tác chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố.

4. Là đầu mối triển khai thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách thành viên các tổ chức quốc tế về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

5. Chủ trì thực hiện công tác đào tạo đội ngũ cán bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan của Chính phủ, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và cá nhân, tổ chức khác về lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

6. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

7. Chủ trì và phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cao nhận thức của công chúng về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

(Trích Điều 38. Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền)

Trọng Hùng



 

Đọc thêm