Khóc, cười với phiếu giảm giá

Dịch vụ mua hàng giảm giá trên mạng đang ngày càng nở rộ. Giới văn phòng, tuổi teen, sinh viên có thú vui mua hàng trên mạng rất quan tâm đến hình thức này.
Dịch vụ mua hàng giảm giá trên mạng đang ngày càng nở rộ. Giới văn phòng, tuổi teen, sinh viên có thú vui mua hàng trên mạng rất quan tâm đến hình thức này. Nếu chịu khó, khách có thể “săn” được những phiếu mua hàng với mức chỉ bằng 90% so với giá trị thực. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người “vớ” phải những phiếu “dỏm”, không đúng như thông tin công bố.Lên mạng “săn” phiếu mua hàng giá rẻ Mới đây, Công ty VNG công bố website thương mại điện tử Zing deal. Đây là mô hình kinh doanh trực tuyến “win win win”, khi vừa quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp, vừa giúp người tiêu dùng tiết kiệm trong mua sắm, ăn uống, giải trí “săn” được những phiếu mua hàng giá hời. Bà Nguyễn Hoàng Quế Nga - Phó Tổng giám đốc VNG, cho biết: Đây là hình thức giảm giá cho một số lượng người nhất định, với thời gian nhất định. Bà Nga cam kết, người tiêu dùng có thể “deal” được các phiếu mua hàng về ẩm thực, mua sắm thời trang, giải trí mỗi ngày trên trang zingdeal.vn, với giá tiết kiệm từ 40 - 90%. “Sau hơn 2 tháng hoạt động, website này đã bán được hơn 10.000 phiếu mua hàng, giúp khách hàng tiết kiệm 1,4  tỉ đồng. Điều này cho thấy, mô hình kinh doanh trực tuyến đã đem lại lợi ích thật sự cho khách hàng, đáp ứng được nhu cầu quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp qua hình thức khuyến mãi”, bà Nga nói.
Nếu may mắn, nhiều người sẽ “săn” được những phiếu mua hàng với giá rẻ. (Ảnh: Đình Sơn)
Theo công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, 26% dân số Việt Nam truy cập Internet cho những mục đích khác nhau, trong đó gần một nửa lượng người truy cập có nhu cầu mua sắm trực tuyến. Đây là “mảnh đất” màu mỡ giúp website bán  phiếu mua hàng giảm giá, khuyến mãi nở rộ. Hiện hàng loạt website như: muachung.vn, nhommua.com, hotdeal.vn, cungmua.com, runhau.vn… đã ra đời, chuyên bán các coupon giảm giá, khuyến mãi. Có “treo đầu dê, bán thịt chó”?  Tuy nhiên, không phải dịch vụ giảm giá nào cũng đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Nhiều doanh nghiệp tham gia chỉ đưa thông tin cho những khách hàng mua voucher giảm giá ở mức độ nào đó. Trong khi các trang web lại không am hiểu hình thức kinh doanh của doanh nghiệp đối tác, khiến khách hàng khi mua voucher giảm giá đã mất tiền lại rước bực bội vào thân. Anh Nguyễn Tân - khách hàng của deal.zing.vn cho hay, giữa tháng 1, anh có mua voucher Aapple Foot Massage (273 Lê Thánh Tôn P.Bến Nghé Q.1) với giá 30.000 đồng, giảm 70% so với giá thực tế của doanh nghiệp. Tưởng mua rẻ, lại hưởng dịch vụ thoải mái như quảng cáo, nhưng khi đến nơi, anh được nhân viên lễ tân thông báo, mỗi người tham gia phải có tiền “tip” cho nhân viên phục vụ theo quy định. Cụ thể, mức phục vụ tốt giá 50.000 đồng/người,  khá tốt: 100.000 đồng, và xuất sắc là 150.000 đồng. Đáng nói, không có mức đánh giá nào không xuất sắc. Anh Tân bực bội: “Tiền “tip” là do tự nguyện của khách, không thể ép người khác phải “tip”. Bán voucher giá hấp dẫn, nhưng hình thức dịch vụ quá phiền toái ”. Mới đây, chị Linh, ở Q.10, TP.HCM “deal” được 2 vé xem ca nhạc giá chỉ bằng 1/3 giá vé thị trường. Tuy nhiên, chị bị đẩy lên tầng 2 ngồi xem, chứ không được ở tầng trệt. “Khi bán vé trên mạng, họ không nói rõ là phải ngồi trên tầng 2. Nếu biết, dù có rẻ mấy cũng không mua, vì ngồi xa đâu có thấy gì”. Ngay cả các cửa hàng ăn uống cũng đưa ra yêu cầu “gắt gao” khi mua voucher, mà chỉ khi mua xong, khách hàng mới biết. Chị Hoàng Yến - khách hàng của trang web nhommua.com than thở: “Sau khi trừ những ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của phiếu voucher, ngày 10.2, tôi mới đến nhà hàng MV Shushi (441/39 Nguyễn Đình Chiểu, P5.Q3) ăn trưa. Thế nhưng đến nơi mới biết, nhà hàng sau 14h giờ mới thực hiện dịch vụ giảm giá cho thẻ voucher!”. Nhiều người khác mua được phiếu ăn buffet với giá rẻ, nhưng khi đến nhà hàng chỉ được ăn những món giới hạn, chứ không được “gắp” hết những món bày trong nhà hàng. Một số websiet còn gây “phiền toái” cho khách hàng, như trang Zing deal, muốn mua được phiếu, khách hàng phải nạp tiền vào tài khoản bằng thẻ game, hệ thống thẻ Smartlink... sau đó đổi ra zing xu. Khi “deal” giá thành công, khách hàng phải thanh toán bằng hệ thống riêng zing xu. Điều này gây khó khăn cho người mua, vì cách thức nạp tiền và chuyển đổi rắc rối, không thân thiện.
Theo Đình Sơn - Hoàng Nam
Đất Việt

Đọc thêm