Khôi phục, phát triển các trò chơi dân gian trong Lễ hội Trần

Trong những ngày lễ hội, bên cạnh phần "lễ", phần "hội" cũng diễn ra rất sôi động với các môn thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống thu hút sự quan tâm của du khách thập phương, góp phần tôn vinh nét đẹp của lễ hội.
Múa lân trong Lễ hội Trần.
Ảnh: Việt Thắng

Hằng năm, vào trung tuần tháng 8 âm lịch tại Khu di tích Lịch sử Văn hoá Đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định đều diễn ra lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, gắn với việc tri ân công đức dựng nước, giữ nước của các vị vua Trần. Trong những ngày lễ hội, bên cạnh phần "lễ", phần "hội" cũng diễn ra rất sôi động với các môn thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống thu hút sự quan tâm của du khách thập phương, góp phần tôn vinh nét đẹp của lễ hội. Đồng chí Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp cho biết: Theo các cụ cao niên kể lại, từ lâu, mỗi khi lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo diễn ra, nhân dân các địa phương Lộc Vượng, Lộc Hạ (TP Nam Định) và xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) đều tham gia tranh tài các môn thể thao truyền thống như vật, cờ người, chọi gà, múa rồng, múa lân, biểu diễn võ thuật… Việc giành chiến thắng trong dịp lễ hội Trần có ý nghĩa rất thiêng liêng nên trước đó hàng tháng trời, thậm chí trước đó nửa năm các địa phương đã tích cực chuẩn bị. Các đô vật ôn lại các miếng đánh, các đòn sở trường của cha ông truyền lại, trong đó nổi tiếng nhất đô Quý, đô Ba của phường Lộc Vượng. Các đội rồng, đội lân cùng nhau luyện tập, tìm tòi, sáng tạo các điệu múa đẹp để gây ấn tượng với ban giám khảo và những tràng vỗ tay của người xem. Các cụ cao tuổi tổ chức các cuộc thi cờ tướng để chọn cao thủ cờ tham gia thi đấu cờ người (cờ bỏi) với các đối thủ địa phương khác trong ngày chính hội (20-8 âm lịch). Các cụ cao tuổi mặc áo dài đội khăn xếp, trong không gian linh thiêng trước cửa đền, chậm rãi đi quân cờ thu hút ánh mắt thán phục của hàng trăm người.

Do nhiều nguyên nhân nên một số môn thể thao, trò chơi truyền thống trong lễ hội Trần có thời kỳ bị mai một. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa văn hóa của các môn thể thao truyền thống này, những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, thành phố Nam Định, Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp đã có nhiều hoạt động nhằm khôi phục, phát triển các môn thể thao, các trò chơi dân gian theo hướng xã hội hóa và đã thu được nhiều kết quả. Từ lễ hội năm 2009, Ban quản lý đã mời đoàn múa lân, múa rồng tỉnh Quảng Ninh về biểu diễn và giúp phường Lộc Vượng làm con rồng thời Trần, đồng thời truyền đạt lại các điệu múa đẹp cho người dân địa phương. Cũng từ dịp lễ hội này, đoàn võ Nhất Nam (Hà Nội) tổ chức các môn sinh về dâng hương phối hợp với võ sinh của phường Lộc Vượng biểu diễn các tiết mục võ thuật khơi dậy khí thế hào hùng của nhà Trần với sự tham gia của gần 60 võ sinh. Với phương châm hướng về cơ sở để tổ chức các hoạt động thể thao, trong lễ hội Trần năm nay, từ mùng 10-8 âm lịch, phường Lộc Vượng sẽ tổ chức giải thi đấu cờ tướng với sự tham gia của hàng chục người trung tuổi và các cụ cao tuổi trên địa bàn phường và các địa phương lân cận. Những người đoạt giải cao trong giải thi đấu sẽ được tham gia thi đấu cờ người tại Đền Trần vào ngày chính hội 20 tháng 8 âm lịch. Ban quản lý sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng không để xảy ra tình trạng ăn thua, cá độ trong các trò chơi truyền thống như chọi gà, cờ người… gây mất trật tự xã hội, gây tâm lý phản cảm với khách thập phương. Điểm nhấn lớn trong việc khôi phục, phát triển các môn thể thao, trò chơi truyền thống là trong chương trình nghệ thuật "Thăng Long - Thiên Trường, Đức Thánh Trần và Hào khí Đông A" kỷ niệm 710 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo do UBND tỉnh tổ chức có biểu diễn võ thuật truyền thống với sự tham gia của hơn 140 võ sinh Vovinam, trong đó có các màn: Hịch tướng sỹ, Trần Quốc Toản ra quân, Bạch Đằng giang và Trống Thiên Trường khải hoàn kết hợp với biểu diễn đánh quyền Vovinam… Qua hoạt động thể thao, đã góp phần khẳng định giá trị văn hóa, truyền thống "võ công, văn trị" của triều đại nhà Trần, đồng thời nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh gắn với Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Tiếp tục khôi phục và phát triển các môn thể thao, trò chơi truyền thống trong Lễ hội Trần, thời gian tới, Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp sẽ tiếp tục đưa môn vật cổ truyền và môn kéo co vào lễ hội. Cùng với việc tuyên truyền, vận động trong nhân dân, Ban quản lý phối hợp với các địa phương liên quan mời các HLV có kinh nghiệm về gây dựng phong trào, từ đó phát triển, tiến tới đưa vào biểu diễn, thi đấu trong thời gian diễn ra lễ hội để lễ hội ngày càng có ý nghĩa, thu hút du khách thập phương./.

Đức Thiện

Đọc thêm