Khôn đâu đến trẻ?

Trong một hội nghị gần đây, khi nói đến những việc làm được nổi bật nhất trong năm của đơn vị mình, ông Vũ Ngọc Liên, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố không ngần ngại nhìn nhận rằng, đó chính là nhờ học được từ... Đoàn Thanh niên của khối mình. Đó là việc triển khai các văn bản qua mạng Internet bằng các ứng dụng công nghệ thông tin mà Đoàn khối Doanh nghiệp đã triển khai từ trước đó. Bằng phương pháp này, Đảng ủy khối Doanh nghiệp đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc, đồng thời các văn bản đến những đơn vị thành viên cũng nhanh chóng hơn.

Trong một hội nghị gần đây, khi nói đến những việc làm được nổi bật nhất trong năm của đơn vị mình, ông Vũ Ngọc Liên, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố không ngần ngại nhìn nhận rằng, đó chính là nhờ học được từ... Đoàn Thanh niên của khối mình. Đó là việc triển khai các văn bản qua mạng Internet bằng các ứng dụng công nghệ thông tin mà Đoàn khối Doanh nghiệp đã triển khai từ trước đó. Bằng phương pháp này, Đảng ủy khối Doanh nghiệp đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc, đồng thời các văn bản đến những đơn vị thành viên cũng nhanh chóng hơn.

Chỉ cần một cái nhấn phím, các văn bản được gửi đi một cách nhanh chóng, đồng thời cũng kiểm soát được việc người nhận có chịu đọc văn bản đó hay không. Thật ra, tiện ích này không phải là mới mẻ, nhưng đối với những cán bộ đã có chút tuổi, thì việc thay đổi để áp dụng nó không phải là điều dễ dàng. Ông Vũ Ngọc Liên cho rằng, việc làm đó đã khuyến khích các cán bộ làm công tác chuyên trách Đảng ở các doanh nghiệp cũng nhanh chóng thay đổi tư duy, chịu khó học hỏi để ứng dụng những tiến bộ từ công nghệ thông tin-lĩnh vực mà lớp trẻ luôn chiếm ưu thế!

Việc thừa nhận kết quả học hỏi được từ lớp trẻ của ông Vũ Ngọc Liên cũng đã nói lên một điều rằng, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và xu hướng hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, thì việc học hỏi lớp trẻ để đáp ứng nhiệm vụ là điều luôn cần thiết và... có lợi. Thế nhưng, vấn đề quan trọng là làm sao phải loại bỏ được tư duy kiểu “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” của một bộ phận cán bộ, công chức; nhất là với một bộ phận đã nắm giữ những cương vị chủ chốt trong đơn vị.

Điều này được ông Nguyễn Văn Hiệu, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang bày tỏ trong băn khoăn về việc bố trí cán bộ được đào tạo qua lớp cán bộ tạo nguồn Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường khóa đầu tiên của thành phố về nhận công tác ở cơ sở. Theo ông, việc bố trí này sẽ tạo thuận lợi trong việc thực hiện chủ trương “trẻ hóa và chuẩn hóa” trong nhiệm kỳ đến, nhất là với tiêu chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND phường, xã phải tốt nghiệp đại học chính quy trở lên. Những người đạt tiêu chuẩn này thường phải là cán bộ trẻ. Nhưng lại “cấn” người trong quy hoạch nên dễ sinh “tư tưởng”! Đó là chưa nói, một bộ phận cán bộ, công chức còn mang nặng sự hoài nghi trước năng lực và kinh nghiệm của giới trẻ, kể cả chưa tin tưởng vào lý tưởng, sự phấn đấu vì sự nghiệp chung của những cán bộ trẻ.

Để giải quyết vấn đề “tư tưởng” này, thì điều quan trọng là cán bộ trẻ phải được đào tạo một cách bài bản, trang bị những kỹ năng sống và làm việc bên cạnh việc phát huy tốt những thế mạnh của mình như tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với những bước phát triển mạnh mẽ của xã hội và thế giới. Điều này đã được nhìn nhận từ lâu, nhưng đến mới đây, thông qua lớp đào tạo cán bộ nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường vừa tổ chức bế giảng khóa 1 và khai giảng khóa 2, đã hóa giải được một cách rõ ràng. Lớp đào tạo nguồn chức danh cho cơ sở đầu tiên trên cả nước này không quá chú trọng về lý thuyết, mà tập trung vào việc trang bị những kỹ năng cần thiết-những kỹ năng mà cán bộ được rèn luyện từ thực tiễn lâu nay vẫn phải mất nhiều thời gian mới trang bị được cho mình.

Thế nhưng, phát biểu bên lề lễ bế giảng khóa đầu tiên của lớp đào tạo này, thủ khoa Nguyễn Thị Diệu Oanh, 24 tuổi vẫn cho rằng, vấn đề không chỉ gói gọn trong những điều học được hoặc rèn luyện, mà còn là vấn đề uy tín của mình trong công tác tại địa phương. Diệu Oanh cũng là một trong số 23 học viên được kết nạp Đảng trong quá trình học tập; nơi công tác cô chọn là phường Thạc Gián, quận Thanh Khê.

Qua phát biểu đó, cũng đã thấy được cái sự “khôn” của một lớp cán bộ trẻ trong việc nhận thức về uy tín của người lãnh đạo trong quá trình công tác của mình, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào những lợi thế, tiềm năng của giới trẻ.

Liệu có thể, đã đến lúc cần thay đổi quan niệm “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” trong công tác cán bộ, khi mà một chặng đường mới đã mở ra?

NGUYỄN THÀNH

Đọc thêm