Khốn khổ vì… chứng thư bảo lãnh

Trên số báo 205/2012, báo PLVN đã phản ánh trường hợp Khiếu Ngọc Anh – nguyên cán bộ của Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) - huy động vượt trần lãi suất, làm giả sổ tiết kiệm. Ngoài chuyện này, Cơ quan ANĐT còn xác minh được, đã có một loạt chứng thư bảo lãnh “ngoài luồng” được phát hành, gây thiệt hại cho nhiều DN...

 Trên số báo 205/2012, báo PLVN đã phản ánh trường hợp Khiếu Ngọc Anh – nguyên cán bộ của Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) - huy động vượt trần lãi suất, làm giả sổ tiết kiệm. Ngoài chuyện này, Cơ quan ANĐT còn xác minh được, đã có một loạt chứng thư bảo lãnh “ngoài luồng” được phát hành, gây thiệt hại cho nhiều DN...

 

Bảo lãnh “ngoài luồng”

Câu chuyện rất nghiêm trọng này cũng có liên quan đến Khiếu Ngọc Anh, hiện đang chưa tìm được cách giải quyết triệt để ở HDBank. Khi đang giữ chức Trưởng phòng giao dịch HDBank Long Bình Tân,  Ngọc Anh đã ký phát hành 2 chứng thư bảo lãnh vượt quyền cho Cty CP Tập đoàn Hiệp Đồng Tâm thanh toán hợp đồng mua bán xăng dầu cho Cty TNHH MTV thuộc TCty 28 – Bộ Quốc phòng, có tổng giá trị bảo lãnh tối đa 5 tỷ đồng.

Sau khi có chứng thư bảo lãnh, Cty Hiệp Đồng Tâm đã liên tiếp mua ghi nợ vật tư nhiều lần của TCty 28 và tính đến ngày 14/9/2011 còn nợ số tiền trên 4,86 tỷ đồng. Do Cty Hiệp Đồng Tâm không thực hiện thanh toán tiền xăng dầu, ngày 17/9/2011, TCty 28 yêu cầu HDBank thực hiện nghĩa vụ pháp lý phải thanh toán số nợ trên.

Theo Công an Đồng Nai, Khiếu Ngọc Anh đã cố ý vi phạm quy định về thẩm quyền bảo lãnh ngân hàng HDBank nhằm trục lợi bất chính, vi phạm kỷ luật nội bộ của HDBank.

Do Ngọc Anh thực hiện hành vi này trong khi đương chức Trưởng phòng giao dịch HDBank Long Bình Tân, nên theo quy định của Điều 618 - Bộ luật Dân sự, HDBank phải gánh chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho TCty 28 – BQP 4,86 tỷ đồng từ hai chứng thư bảo lãnh trái luật trên; Cty Hiệp Đồng Tâm và giám đốc DN phải chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền trên cho HDBank. Từ đó đến nay, TCty 28 đã nhiều lần làm việc trực tiếp với HDBank nhưng  đã hơn ba tháng, những sai phạm này vẫn chưa được sửa.

Tương tự, mới đây nhất, hai khách hàng là Cty CP Viễn thông An Đô và CN Cty TNHH Thép Thành Đô cũng khốn đốn bởi các chứng thư bảo lãnh phát hành từ  HDBank. Số tiền mà Cty CP viễn thông An Đô (bên nhận bảo lãnh) tối đa là 10,69 tỷ đồng và CN Cty TNHH Thép Thành Đô (bên nhận bảo lãnh), giá trị bảo lãnh tối đa là 15,39 tỷ đồng đều bảo lãnh mua hàng hoá. 

Ngày 10/7/2012, HDBank phản hồi đến Cty An Đô và Cty Thành Đô rằng, các thư bảo lãnh nêu trên đã thực hiện không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, quy trình nội bộ của HDBank và vượt thẩm quyền được giao.

Ai chịu trách nhiệm?

Bình luận về chuyện này, TS Lê Thẩm Dương - giảng viên ĐH Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh - cho rằng: “Lỗi trước hết thuộc về Ngân hàng bởi không chỉ cá nhân một người có thể làm ra được chứng thư bảo lãnh, còn cả một hệ thống quản trị của ngân hàng. Ngay cả chữ ký của giám đốc mà không có dấu của ngân hàng thì chắc chắn chứng thư bảo lãnh sẽ là không hợp lệ”.

Theo TS Dương, trường hợp tại HDBank thuộc vào diện nhân viên đã cố tình làm sai, là những rủi ro trong quá trình hoạt động, nguy hiểm hơn rất nhiều so với tình trạng khách hàng xù nợ bởi có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống của ngân hàng.

Phân tích về những kiểu chứng thư bảo lãnh ảo, TS Dương cho biết: Trong quản trị của hệ thống ngân hàng,  trước tiên là quy trình hoạt động và sau đó mới đến con người hoạt động trong hệ thống. Việc xuất hiện nhiều chứng thư bảo lãnh “ảo” là do quy trình của ngân hàng đã có một khâu nào đó… bị hở; và bất kỳ ngân hàng nào cũng cần phải khắc phục ngay nếu không muốn có những “lỗ hổng” lớn hơn.

Thực tế, sau khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong thư bảo lãnh của HDBank, Cty Thành Đô liên tiếp có văn bản gửi lãnh đạo HDBank và trực tiếp đến làm việc thì đến ngày 3/5/2012, HDBank mới có công văn gửi đến CN HDBank Thăng Long yêu cầu giải trình, báo cáo đầy đủ và chính xác vấn đề liên quan.

Ngày 17/7/2012, HDBank lần đầu tiên mới có công văn gửi Cty Thành Đô và Cty An Đô với nội dung: HDBank đã báo cáo và chuyển hồ sơ cho Công an TP HN để xác minh làm rõ, xử lý theo qui định của pháp luật.

Theo đại diện Cty Thành Đô, đến nay HDBank vẫn chưa có bất kỳ một văn bản nào trả lời trực tiếp cho DN: “Đối với DN thì không thể nào vào được ngân hàng để giám sát việc lập thủ tục, thực hiện quy trình để ra một chứng thư bảo lãnh. DN cho người đến trực tiếp CN HDBank Thăng Long nhận chứng thư bảo lãnh từ nhân viên tại phòng giao dịch nên việc cho rằng không có hồ sơ trong hệ thống là vô lý”…

Như thế, ai sẽ gánh chịu trách nhiệm về những thiệt hại phát sinh từ các chứng thư bảo lãnh với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng?.

Nhóm P.V.

Đọc thêm