Trước những lo ngại rằng thị trường BĐS có thể xảy ra tình trạng “vỡ bong bóng”, mất khả năng chi trả, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, cùng với các biện pháp thắt chặt tiền tệ thì lĩnh vực BĐS cũng khó khăn. Tuy nhiên, thị trường BĐS có tính hàng hóa ở nước ta hiện có qui mô còn nhỏ với tổng BĐS tạo lập để bán chỉ chiếm 30%, còn 70% là BĐS tạo lập để ở. Hơn nữa, trên cơ sở đánh giá theo số lượng, giá cả, dư nợ tín dụng trong thị trường BĐS… thì dư nợ thị trường này đến cuối tháng 5 khoảng 220.000 tỷ.
Giá BĐS có giảm nhưng vào thời điểm cuối tháng 5/2011 vẫn có hơn giá cao hơn thời điểm tháng 1/2010. Giá BĐS vẫn cao hơn giá thành tạo lập BĐS nên khả năng thanh toán và giá trị BĐS vẫn trong lĩnh vực an toàn, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp BĐS vẫn có khả năng trả nợ ngân hàng dù số lượng giao dịch trên thị trường BĐS có giảm. Do đó, "sẽ không có tình trạng “vỡ bong bóng” thị trường như lo ngại hiện nay”, ông Nam khẳng định.
Giải pháp để đảm bảo sự an toàn của thị trường BĐS trong thời gian tới, theo ông Nam, là kiểm soát dư nợ BĐS chặt chẽ, không cho vay vào đền bù giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, không cung cấp tín dụng cho những dự án BĐS cao cấp, không phục vụ cho đa số người dân và đang có xu hướng bão hòa, mà chủ yếu chuyển tín dụng sang các dự án nhà ở có qui mô nhỏ, giá trung bình, trung bình thấp, cho người có thu nhập, đối tượng xã hội, các dự án đang hoàn thành để biến thành nhà hàng hóa và tăng tính thanh khoản cho thị trường BĐS.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nam, đối với các hộ gia đình có nhu cầu mua BĐS và có khả năng thanh toán cũng vẫn được vay tín dụng để chuyển từ dư nợ tạo lập BĐS sang dư nợ người tiêu dùng. Qua đó, đảm bảo thị trường BĐS “không bị sốt nóng hay bị đóng băng đột ngột” mà vẫn tạo điều kiện cho thị trường này và các thị trường liên quan phát triển.
H.Giang