Không còn buồn khi con tự kỷ...

Mặc dù đã xác định tư tưởng từ trước nhưng mỗi lần nhìn thấy con ngơ ngác, không tập trung, thậm chí sẵn sàng chạy xông ra ngoài đường không cần biết trước mặt là ô tô, đứt tay không biết bảo mẹ mà còn giằng xé cho nó đau hơn khiến tim chị nhói đau. Điều đó càng thôi thúc chị phải tìm mọi cách chữa bệnh cho con.

Ai cũng muốn sinh ra những đứa con khỏe mạnh, xinh đẹp và khôn ngoan, những bà mẹ đang sinh hoạt ở Trung tâm Trợ giúp gia đình và Trẻ khuyết tật trí tuệ - trẻ KTTT (Hội Bảo vệ quyền trẻ em) cũng vậy. Nhưng, họ không may mắn hưởng niềm vui trọn vẹn đó. Để rồi, họ phải tự bươn chải, gắng gượng sống, phấn đấu, vươn lên...

Cháu Việt An
Cháu Việt An

Ngày chào đời, cháu Nguyễn Việt An - con trai chị Hồng Ngọc (ở đường Đê Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khỏe mạnh, bụ bẫm và không có dấu hiệu gì bất thường. Khi được 8 tháng tuổi, cháu bắt đầu có những biểu hiện không bình thường (đờ đẫn, ngây ngô  không thể hiện cảm xúc...).

Lên 1 tuổi, cháu không biết nói cũng chẳng biết đi nên gia đình đã đưa con đến Khoa Thần kinh, Bệnh viện (BV) Bạch Mai khám nhưng bác sỹ cũng chỉ kết luận là cháu bị chậm vận động. Chờ đợi đến lúc con được 18 tháng rồi mà cũng không có gì biến chuyển nên chị Ngọc đã đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và tá hỏa khi hay tin con trai mình bị mắc bệnh tự kỷ.

Sau 1 năm điều trị và phục hồi chức năng cho con tại BV Nhi Trung ương không thấy ăn thua, chị Ngọc đã thuê hẳn một cô giáo về dạy cho con tại nhà, nhưng rồi cô cũng phải bó tay...

Thấy con suốt ngày cứ lẩn mẩn chơi một mình, chị Ngọc buồn và thương con lắm nhưng không biết làm thế nào. Sợ con bị kỳ thị nên chị vẫn cho cháu đến trường mẫu giáo với hy vọng bé sẽ hòa đồng với các bạn. Nhưng càng hy vọng, càng thêm thất vọng.

Con chị suốt ngày lủi thủi chơi một mình vì mọi sở thích cũng như trình độ nhận thức của bé hoàn toàn khác với chúng bạn. Thấy cháu biệt lập và nhận thức quá chậm, cực chẳng đã các cô giáo đã đề nghị nhà trường cho cháu thôi học. Chuyển hết trường này đến trường kia mà tình hình vẫn không sáng sủa là bao, chị Ngọc đành đưa con vào Trung tâm Sao Mai để nhờ các cô giáo ở đây kèm gặp và sức khỏe tinh thần của con chị đã bước đầu có những dấu hiệu đáng mừng.

“Cháu không còn đái dầm, ị đùn nữa, biết tự ăn uống và vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, cháu đã bắt đầu biết bộc lộ cảm xúc và hòa nhập với cuộc sống và sinh hoạt của mọi người trong gia đình...”, chị Ngọc hồ hởi khoe.

Chị Nguyễn Thu Thủy (ở Sơn Dương, Tuyên Quang), một bà mẹ trẻ có chung hoàn cảnh với mẹ con chị Ngọc. Năm 2007, khi con chị 3 tuổi, không thấy con nói, gọi không có phản ứng gì, chị liền cho cháu đi khám và bác sĩ kết luận cháu bị câm điếc bấm sinh.

Ngoài ra, cháu có biểu hiện khác lạ như: không tập trung chơi đồ chơi, không biết bẩn, thậm chí ngồi nhặt những thức ăn bẩn cho lên miệng ăn, rồi chảy máu không biết kêu khóc, mà càng vung ra cho nó chảy hơn... Thấy vậy, chị vội đưa cháu lên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội khám và được kết luận cháu bị tự kỷ.

Con trai chị Thủy và bạn
Con trai chị Thủy và bạn

Từ khi biết cháu bị bệnh, nhà chồng mỉa mai, kỳ thị, và rủa “chị không biết sinh”. Phần vì thương con, phần vì không chịu nổi sự quá đáng của nhà chồng, chị đã ký vào tờ đơn ly dị, viết đơn xin thôi việc, rồi dắt díu 2 đứa con lên Hà Nội.

Mặc dù đã xác định tư tưởng từ trước nhưng mỗi lần nhìn thấy con ngơ ngác, không tập trung, thậm chí sẵn sàng chạy xông ra ngoài đường không cần biết trước mặt là ô tô, đứt tay không biết bảo mẹ mà còn giằng xé cho nó đau hơn khiến tim chị nhói đau. Điều đó càng thôi thúc chị phải tìm mọi cách chữa bệnh cho con.

Nhờ vốn tiếng Anh vốn có, chị đến làm giúp tại khu biệt thự Ciputra và bắt đầu tìm trường cho con. Bạn bè giới thiệu, chị đưa con tới lớp can thiệp tích cực Trung tâm Sao Mai. Cảm thông hoàn cảnh, chị được nhận là cô giáo dạy văn hóa cho trẻ lớn với mức lương 500.000 đồng/tháng. Nhưng số tiền đó không thể đủ cho sinh hoạt cho ba mẹ con và việc học tập cho hai đứa con. Vì vậy, ngoài giờ lên lớp, chị đi dạy tiếng Anh thêm để có tiền trang trải.

Cũng tại đây, chị đã có cơ hội trở thành tư vấn viên cho các dự án nước ngoài, được gặp các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ có thêm kiến thức về dạy con. Những năm đầu, chị thuê giáo viên về dạy cho con, và chị cũng học luôn để giao tiếp với con. Và, sự kiên trì của chị đã được bù đắp xứng đáng. Từ chỗ không biết nghe, biết gọi, không biết đau, giờ đây cháu có thể hiểu, hành động như trẻ bình thường, và đang học tại trường tiểu học Xã Đàn, hiểu và hành động như bao đứa trẻ khác...

Còn chị Thủy với vai trò là chuyên viên tư vấn tại Trung tâm trợ giúp gia đình và trẻ khuyết tật trí tuệ, chị đem kiến thức và tình thương trẻ khuyết tật truyền đạt lại cho những bà mẹ không may mắn. Đây chính là nơi đã gắn kết để cảm thông và chia sẻ của hơn 500 bà mẹ có con bị khuyết tật trí tuệ như chị. Bên cạch niềm hạnh phúc khi ở bên cạnh con trai, giờ chị Thủy còn có thêm thật nhiều niềm vui sau mỗi lần giúp đỡ được ai đó có chung cảnh ngộ với mình. Mùa xuân đã lấp ló ở ngưỡng cửa. Và ba mẹ con chị đang cùng nhau chào đón một năm mới thật nồng nàn và ấm áp.

* Trung tâm tư vấn phát hiện sớm - can thiệp sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ gọi tắt là Trung tâm Sao Mai ở khu Ciputra, HN được thành lập tháng 12/ 1995 trực thuộc Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tàn Tật Việt Nam. Bằng sự phối kết hợp giữa giáo dục và y tế, Trung Tâm Sao Mai có bề dày kinh nghiệm trong vấn đề phát hiện sớm - can thiệp sớm (PHS - CTS) trẻ khuyết tật trí tuệ (KTTT).

* Từ mô hình thành công của Sao Mai, Trung tâm Trợ giúp gia đình và trẻ KTTT được thành lập với sự giúp đỡ về tài chính của Hội cha mẹ có con khuyết tật trí tuệ Đan Mạch (tổ chức LEV) cùng với sự trợ giúp pháp lý của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Việt Hưng, Phụ trách Trung tâm Trợ giúp gia đình và Trẻ KTTT, Trung tâm có sứ mệnh chính là kết nối, chia sẻ thông tin và hỗ trợ các gia đình và trẻ KTTT của Việt Nam về kỹ năng chăm sóc con, kỹ năng sống, giáo dục hòa nhập và hướng nghiệp; Thông tin, tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến gia đình và trẻ KTTT; Tập hợp, phản ánh nguyện vọng của gia đình và trẻ KTTT, kiến nghị với các tổ chức, cơ quan, các ngành chức năng của Nhà nước góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Đoan Trang

Đọc thêm