Không để đại biểu mang "mác" dân cử hại uy tín cơ quan dân cử

(PLO) - Ngày 14/4, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ diễn ra, chốt danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sau khi đã lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú đối với các ứng cử viên.
Không để đại biểu mang "mác" dân cử hại uy tín cơ quan dân cử

Để đảm bảo cho danh sách ứng cử thực sự là cơ sở để cử tri có những lựa chọn tốt nhất, vấn đề rà soát, đảm bảo tính trung thực về hồ sơ, lý lịch của ứng cử viên là "bộ lọc" để không xuất hiện những đại biểu mang "mác" đại biểu dân cử làm hỏng uy tín của các cơ quan dân cử. 

"Thách thức" đầu tiên của ứng cử viên

Để được vào danh sách chính thức, ứng cử viên đã được xem xét, lựa chọn kỹ càng từ cơ sở, qua các vòng hiệp thương. Đặc biệt, trước Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, ứng cử viên sẽ trực tiếp tiếp xúc với cử tri qua hội nghị cử tri nơi cư trú. Tại đây, ứng cử viên sẽ được cử tri nhận xét, góp ý khách quan về mọi mặt, nhất là về quan hệ quần chúng, tư cách đạo đức, lối sống. Những phát biểu, nhận xét khách quan của cử tri đối với ứng cử viên chính là cơ sở quan trọng để chọn ra ứng cử viên tham gia vào vòng hiệp thương lần thứ 3, thống nhất danh sách chính thức những người ứng cử.

Từ kinh nghiệm từng ứng cử và hiện là đại biểu QH, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu QH có ý nghĩa quan trọng và có thể được xem là thử thách đầu tiên đối với ứng cử viên. Qua đó, cử tri sẽ đánh giá "mức độ gần dân, hiểu dân" của các ứng cử viên, góp ý để mỗi ứng cử viên nếu trúng cử sẽ thực sự là những đại biểu gần gũi, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân, của cử tri để phản ánh được những nguyện vọng chính đáng của nhân dân với QH.

Đồng thời, từ những ý kiến của cử tri nơi cư trú, ứng cử viên sẽ "tiếp thu" được rất nhiều vấn đề từ ý kiến nhận xét, đóng góp của cử tri để tiếp tục nỗ lực, rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt những vấn đề mà cử tri quan tâm. Do đó, được cử tri nơi cư trú tín nhiệm sẽ là "bước đà" để ứng cử viên tiến gần hơn đến với việc được mang trọng trách của một đại biểu dân cử.

Bịt lỗ hổng để không lọt ứng viên "dưới tiêu chuẩn"

Đó là kiến nghị của cử tri và nhiều đại biểu QH khi công tác hiệp thương đang đi đến giai đoạn cuối để lựa chọn ứng cử viên chính thức cho cuộc bầu cử sắp tới. Dẫn 2 ví dụ đáng tiếc của nguyên đại biểu QH khoá XIII Đặng Thị Hoàng Yến và Châu Thị Thu Nga, nhiều cử tri cho rằng, đó là bài học đắt giá cho công tác lựa chọn ứng cử viên để giới thiệu cho cử tri bầu làm đại biểu QH và đại biểu HĐND.

Rút kinh nghiệm, đại biểu QH cho rằng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động bầu cử trong việc kiểm tra, giám sát các thông tin có liên quan đến bầu cử, nhất là những thông tin liên quan đến lý lịch của các ứng cử viên cần được nâng cao để tránh những hành vi gian dối về hồ sơ lý lịch.

Cùng với đó, "cần siết chặt cơ chế trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động bầu cử để khi phát hiện ra hành vi gian dối về hồ sơ lý lịch như một số trường hợp đã xảy ra tại QH khóa XIII thì có thể kết luận được trách nhiệm thuộc về ai", ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH kiến nghị. 

Ngoài ra, để ngăn chặn triệt để tình trạng khai man trong hồ sơ ứng cử, ông Lê Việt Trường cũng thấy cần "tìm được lỗ hổng và cơ chế trách nhiệm trong công tác bầu cử. Có như vậy, công tác bầu cử mới thực sự được nghiêm túc, công khai, minh bạch và dân chủ. Nếu cứ để lọt những hành vi tương tự như vậy, sẽ tiếp tục khiến QH hao tổn uy tín và làm mai một niềm tin của cử tri và nhân dân".

Đọc thêm