Không để giấy tờ giả “lọt” qua “cửa” công chứng

(PLVN) - Đây là nhấn mạnh của Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội Ngô Anh Tuấn tại Hội nghị giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Sở Tư pháp diễn ra mới đây.
Quang cảnh Hội nghị

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực

Theo báo cáo, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023 của TP.Hà Nội đã được triển khai đồng bộ, bám sát chương trình công tác của Bộ Tư pháp, triển khai cơ bản toàn diện, đúng trọng tâm các nhiệm vụ được giao, một số nhiệm vụ đạt kết quả tốt.

Cụ thể, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thực hiện tốt, kịp thời đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của thành phố; 100% văn bản của thành phố được ban hành đúng thẩm quyền. Trong 6 tháng, Sở Tư pháp đã nghiên cứu tổ chức góp ý, thẩm định hơn 131 VBQPPL; Sở đã tổ chức tự kiểm tra 7 quyết định là VBQPPL của Thành phố, tiếp nhận và thực hiện kiểm tra 104 VBQPPL được UBND các quận, huyện gửi đến. Công tác rà soát được thực hiện thường xuyên, kịp thời ngay khi có căn cứ rà soát.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đạt được nhiều kết quả tích cực, bám sát nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Trong đó tập trung vào các nội dung: công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; tuyên truyền về công tác cải cách hành chính, lý lịch tư pháp (LLTP), chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Việc triển khai hoạt động PBGDPL được thực hiện theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tăng cường ứng dụng CNTT.

Việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được thành phố quan tâm, chỉ đạo, đảm bảo triển khai đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả Kế hoạch phối hợp số 777/KH-BTP-UBNDTPHN ngày 19/3/2021 giữa Bộ Tư pháp và UBND Thành phố về đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô; nghiên cứu đề xuất chính sách lập hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Về công tác hộ tịch, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt Luật Hộ tịch và các văn bản liên quan. Đến nay đã có 9/30 quận, huyện của Thành phố hoàn thành số hóa Sổ hộ tịch. Sở Tư pháp phối hợp các đơn vị thành phố và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Công an thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu dân cư theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Bộ Công an. Trong công tác quốc tịch, 6 tháng đầu năm Sở Tư pháp tiếp nhận, giải quyết 5 hồ sơ thuộc lĩnh vực này.

Về lĩnh vực chứng thực, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Phòng Tư pháp, Chủ tịch UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền của công chức Tư pháp - Hộ tịch đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, tại Phòng Tư pháp: đã thực hiện chứng thực bản sao là 47.666 bản, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là 214 việc, chứng thực hợp đồng giao dịch là 2 việc. Tại UBND cấp xã: Kết quả chứng thực bản sao là 2.208.570 bản, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là 139.448 việc, chứng thực hợp đồng giao dịch là 6.799 việc.

Sở Tư pháp đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ cấp Phiếu LLTP qua Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công TP.Hà Nội (Phần mềm Hệ thống thông tin giải quyết TTHC mới). 6 tháng đầu năm 2023, đã cấp 37.531 Phiếu LLTP trên tổng số 37.801 hồ sơ yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý tiếp tục được tăng cường…

Tuy nhiên, đại diện Sở Tư pháp cũng cho biết, việc phối hợp giữa các sở, ngành trong xây dựng VBQPPL do UBND Thành phố giao có lúc còn chưa đảm bảo về tiến độ. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến gặp khó khăn do việc triển khai thử nghiệm hệ thống dịch vụ công trực tuyến mới vẫn chưa ổn định vẫn còn nhiều bất cập. Lực lượng công chức tư pháp cấp huyện, xã còn mỏng, đội ngũ cán bộ pháp chế các sở, ngành còn thiếu, chưa đủ đáp ứng yêu cầu trong khi nhiệm vụ được giao cho ngành ngày càng tăng…

Tăng cường quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực

Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện, phòng ban, đơn vị đã trao đổi, đóng góp ý kiến. Trong đó, Trưởng Phòng hành chính tư pháp (Sở Tư pháp) Lã Hoàng Hưng nêu thực trạng thời gian qua có xảy ra trường hợp một số đối tượng làm hồ sơ, giấy tờ giả đến chứng thực…

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh rằng vừa qua, các cơ quan đã phát hiện một số trường hợp sử dụng bản chứng thực giấy tờ giả, học bạ làm điểm giả. Do đó, các quận, huyện phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về chứng thực trên địa bàn; công chứng viên, chứng thực tại các xã, phường phải đặc biệt lưu ý, phải ngăn chặn tình trạng giấy tờ giả “lọt” vào công chứng.

Cùng với đó, lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội cũng cho biết trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Thành ủy; trong đó chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong công tác tư pháp, pháp chế của thành phố. Chú trọng thực hiện tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ công dân, triển khai hiệu quả công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, qua đó giúp người dân tin tưởng, đồng thuận với các hoạt động, công tác quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước.

Cùng với đó, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức; bố trí đội ngũ công chức, viên chức hợp lý, phù hợp vị trí việc làm để phát huy tốt năng lực công tác của từng cá nhân; xây dựng cơ chế huy động và tận dụng mọi nguồn lực ngoài ngành để tham gia vào công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo.

Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành, chất lượng công tác trên các lĩnh vực; xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực công tác của ngành. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong giải quyết yêu cầu của người dân; đề cao, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Đọc thêm