Những dấu hiệu sai phạm về tài chính tại Trường trung cấp nghiệp vụ Công đoàn Giao thông Vận tải (GTVT) hé lộ…
Thanh toán thiếu… chứng từ
Kết luận kiểm tra định kỳ được tiến hành bởi Công đoàn GTVT Việt Nam tại Trường trung cấp nghiệp vụ Công đoàn GTVT vào cuối năm 2011 cho thấy, lãnh đạo nhà trường đã có những bê bối về tài chính.
Trước đó, Công đoàn GTVT Việt Nam đã có quyết định đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp Trường trung cấp nghiệp vụ Công đoàn GTVT tại huyện Thanh Trì, Hà Nội và giao cho trường này làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thiện các thủ tục và có kết quả thẩm định, chủ đầu tư đã có văn bản trình lên Công đoàn GTVT Việt Nam và được đơn vị này chấp thuận với tổng vốn đầu tư hơn 2,1 tỷ đồng.
Trong qua trình thực hiện, với vai trò là chủ đầu tư, lãnh đạo nhà trường đã chuyển cho đơn vị thi công 7 lần bằng ủy nhiệm chi với tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng. Điều đặc biệt, nội dung chuyển tiền được ghi là "chuyển theo hợp đồng” mà không có chứng từ gì kèm theo.
Kết của kiểm tra tại trường này thể hiện rằng, toàn bộ số tiền thanh toán cho đơn vị thi công xây lắp đều là tạm ứng theo hợp đồng là chưa đúng theo Nghị định của Chính phủ về quản lý xây dựng công trình.
Trong khi đó, do giám đốc đơn vị thi công bị bắt trong một vụ án khác, nên một số hạng mục của công trình này lại không hoàn thiện được theo đúng tiến độ đặt ra. Điều này buộc Công đoàn GTVT Việt Nam phải có công văn yêu cầu hiệu trưởng nhà trường hoàn thiện hồ sơ của công trình.
Cơ quan cấp trên và bản thân nhà trường huy động chính nguồn tài chính của mình để xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, sau khi công trình hoàn công, “cơ ngơi” mới lại được lãnh đạo Trường trung cấp nghiệp vụ Công đoàn GTVT cho trường Trung cấp y dược Bắc Ninh thuê lại.
Đồng thời, học sinh trường phải đến “tá túc” tại 27 ngõ Giếng (Đống Đa, Hà Nội), theo một thỏa thuận thuê phòng học được ký giữa nhà trường với một trung tâm giới thiệu việc làm tại đây.
Theo thỏa thuận nói trên, Trường trung cấp nghiệp vụ Công đoàn GTVT phải trả cho trung tâm giới thiệu việc làm là 22 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, theo hợp đồng số 04, ngày 1/1/2009 được ký giữa nhà trường với trung tâm nói trên, thì mức giá lại “bèo” hơn rất nhiều, chỉ thể hiện 9 triệu đồng.
“Còn lại 13 triệu đồng mà trường phải thanh toán lại không có biên bản thỏa thuận hoặc phụ lục hợp đồng mà chỉ có bản đề nghị làm một số dịch vụ là chưa đảm bảo tính pháp lý”, kết luận kiểm tra cho hay.
Lấy tiền lương của cán bộ chi sai mục đích
Kết luận kiểm tra công bố vào cuối năm 2011 cũng nói rằng, một số chứng từ chi bồi dưỡng bằng tiền cho các trường mà trường liên kết để xin chỉ tiêu đào tạo là chưa đảm bảo tính hợp pháp của chứng từ. Trong khi đó, các giấy đề nghị thanh toán được hiệu trưởng duyệt lại “không rõ nội dung thanh toán”.
Bê bối về mặt tài chính chưa dừng lại ở đó, sau khi có ý kiến của một số cán bộ nhà trường, Công đoàn Trường trung cấp nghiệp vụ Công đoàn GTVT đã có kiến nghị với lãnh đạo trả lương cho cán bộ trong những ngày nghỉ hè.
Tuy nhiên, các bên sau đó đã thống nhất lấy số tiền lương này để đóng bảo hiểm xã hội, tham quan nghỉ mát. Việc trường cho một số cán bộ nghỉ hè không nhận lương nhưng vẫn chi lương và yêu cầu người nhận ký vào bảng lương để lãnh đạo trường dùng nguồn này chi cho các hoạt động khác là vi phạm, kết luận kiểm tra nói rõ.
“Được” ký nhưng không có tiền, ngay khi phát hiện ra sự việc, Công đoàn GTVT Việt Nam cũng đã yêu cầu chấm dứt ngay việc cho cán bộ công nhân viên nghỉ hè nhưng vẫn phải ký vào bảng lương nhưng không được nhận để sử dụng nguồn này sai mục đích.
Một cán bộ có trách nhiệm tại Công đoàn GTVT Việt Nam khẳng định, Công đoàn GTVT Việt Nam đã nhận được đơn tố cáo hiệu trưởng nhà trường. “Chúng tôi đang giao cho các bộ phận chức năng xem xét giải quyết”, vị này cho hay.
P.V.