Không lẽ nào kỷ cương luật pháp chỉ là 'lời ru buồn'?

(PLO) - Hơn 173 doanh nghiệp trong tổng số 234 thuộc diện được Thủ tướng Chính phủ chỉ định chuyển giao vốn nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhưng không thực hiện. Đáng nói, nhiều bộ, ngành và địa phương đang cố tình “trì hoãn” để giữ vốn, đặc biệt nhiều đơn vị lách luật, chống lệnh của Thủ tướng.

Thông tin trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện SCIC đưa ra tại Hội thảo Chuyển giao doanh nghiệp nhà nước về SCIC diễn ra sáng 21/2. Hơn 3 năm qua khoảng 234 doanh nghiệp nhà nước có thỏa thuận chuyển giao vốn về SCIC, tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 61 chuyển vốn được, còn hơn 173 vẫn “nằm trên giấy”, “án binh bất động”.

Theo báo cáo của SCIC, “dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng nhiều bộ, ban, ngành và địa phương triển khai việc chuyển vốn về SCIC rất chậm. Nhiều bộ, ban, ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp cho SCIC. Đặc biệt, dù Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tại Công văn 10382/VPCP-ĐMDN ngày 11/12/2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được bán bớt phần vốn nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết, trước khi bàn giao về SCIC. Tuy nhiên, một số tập đoàn, tổng công ty vẫn tiến hành bán vốn”. 

Câu chuyện “chuyển giao” doanh nghiệp nhà nước, chậm cổ phần hóa phản ánh thực trạng buồn về kỷ cương hành chính đó là “chống lệnh”. Thực trạng thứ hai buồn không kém là “đá bóng” bên Chính phủ.

Tình trạng các địa phương, bộ, ngành “đùn” việc lên Thủ tướng diễn ra hàng ngày, kể cả những vụ việc chỉ thuộc cấp quận - huyện, hoàn toàn nằm trong tầm tay xử lý của các cấp. Có những việc nghe đã thấy ngỡ ngàng, tỉ như tỉnh Quảng Nam xin ý kiến về nợ tiền thuế của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu; vụ lấp sông ở Đồng Nai, vụ chặt cây xanh ở Hà Nội...

Nhiều. Nhiều lắm. Chả lẽ những việc cụ thể đó vượt quá năng lực của các cấp có trách nhiệm?

Bản chất của các hiện tượng “đùn đẩy” lên Thủ tướng và Chính phủ  giải quyết, mặc dù lẽ ra nó thuộc thẩm quyền của cơ sở, là gì nếu không phải rơi vào bốn tiêu chí sau? Hoặc năng lực nhận thức và xử lý công việc hạn chế, yếu kém. Hoặc không nắm được thẩm quyền. Hoặc không muốn mất lòng cơ sở, để còn “bảo toàn” phiếu bầu. Hoặc là né tránh trách nhiệm. Trong bốn tiêu chí này chắc chắn sự né tránh trách nhiệm có lẽ là bản chất nhất. Sự né tránh có khi thể hiện ở sự “đùn đẩy”, mà cũng có khi thể hiện ở sự “chậm chân”, “ngại lên tiếng” vì lý do... cái ghế của chính mình.

Trong khi Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt hướng tới mục tiêu một Chính phủ kiến tạo, gần dân, vì dân, một Chính phủ hành động, mà các tư lệnh ngành đến lời nói còn “ngủ đông” thì sự hành động hẳn… mơ về nơi xa lắm?

Không lẽ nào kỷ cương hành chính, kỷ cương luật pháp ở ta mãi mãi chỉ là “lời ru buồn”?

Đọc thêm