Theo ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đà Nẵng cho biết, từ cuối tháng 12-2009, Sở Giao thông - Vận tải đã có kế hoạch chi tiết, hướng dẫn các đơn vị thành viên chủ động trong hoạt động vận tải dịp Tết. Về vấn đề này, bà Trương Thị Hà, Phó Giám đốc Công ty Vận tải và Quản lý Bến xe cho biết: Các DN vận tải cũng đã chủ động chuẩn bị trước đó nhiều tháng. Do hoạt động vận tải trong năm 2009 gặp nhiều khó khăn, vì vậy các DN phải tranh thủ tối đa dịp cao điểm Tết Canh Dần để bù đắp, đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá đơn vị mình. Theo đó, các DN đều sẵn sàng phục vụ không chỉ cao điểm trong vòng 20 ngày mà là cả tháng, vì Tết năm nay, số ngày nghỉ của người lao động nhiều hơn mọi năm.
|
|||
Sẵn sàng cho đợt hoạt động cao điểm Tết Canh Dần. |
Chưa có con số báo cáo cụ thể về số lượng ô-tô khách tham gia vận tải trong đợt Tết này, tuy nhiên theo những người có thâm niên trong nghề thì ước tính năm nay, bến xe Đà Nẵng sẽ có hơn 2 ngàn xe vận chuyển khách đến tất cả các bến xe trên cả nước. Số lượng xe tăng đáng kể như vậy (bình thường khoảng hơn 1.000 xe) là do nhiều đơn vị dịp cận Tết đưa số xe chạy dạng hợp đồng hoặc tự do sang chạy tuyến cố định. Đặc biệt, do đặc điểm hoạt động vận tải hành khách trong dịp Tết là một chiều có khách và một chiều vắng khách, cụ thể trước Tết, các tuyến chạy đi các tỉnh phía Bắc sẽ rất đông khách, các tuyến phía Nam sẽ đông khách sau Tết và ngược lại, vì vậy, các DN sẽ linh động phối hợp với nhau bằng cách điều xe tăng cường cho từng tuyến.
Bên cạnh đó, việc các Sở Giao thông - Vận tải đã thống nhất phương án hỗ trợ lẫn nhau trong từng thời điểm cụ thể, nên có thể điều tiết xe từ các tuyến ít khách sang đi các tuyến có nhiều khách. Có thể nói, với những nỗ lực từ các DN và các cơ quan chức năng, dịp Tết Canh Dần này sẽ không rơi vào tình trạng thiếu xe phục vụ hành khách.
Tuy nhiên, vấn đề hạn chế TNGT đang là một bài toán không dễ giải quyết của các địa phương lẫn các DN. Mặc dù đây là thực tế mang tính quy luật, do thời gian phục Tết chỉ gói gọn gần một tháng, nên các nhà xe đều cố gắng hết mức để làm sao quay vòng chuyến càng nhanh càng tốt. Điều này dẫn đến tình trạng các xe đều đua tốc độ để “bắt” khách trên đường, vừa về bến nhanh để chạy chuyến tiếp theo. Bên cạnh đó, do có một chiều vắng khách nên các tài xế sẽ chủ quan và chạy rất nhanh, không thể làm chủ tốc độ và dễ gây ra TNGT.
Mặc dù trong kế hoạch triển khai đợt hoạt động cao điểm trong dịp Tết, Sở Giao thông - Vận tải thành phố cũng như các địa phương khác trên cả nước đều yêu cầu các đơn vị vận tải buộc các nhà xe ký cam kết không điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, đánh võng, chở quá người quy định, tài xế không uống rượu, bia... Thế nhưng thực tế vẫn có không ít trường hợp đã vi phạm các quy định trên.
Để hạn chế “điệp khúc” càng gần Tết, TNGT càng tăng, từ đầu tháng 11-2009, Cục CSGT đường bộ đã chỉ đạo lực lượng CSGT các tỉnh, thành trên cả nước mở chiến dịch kiểm tra về an toàn giao thông đối với các phương tiện vận tải hành khách. Tuy nhiên, vấn đề chính là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của đội ngũ tài xế và cả chủ phương tiện, vì lực lượng CSGT không thể đủ để kiểm tra 24/24 giờ trên tất cả các tuyến đường.
Bài và ảnh: THANH VÂN