Không nên 'chốt' 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

(PLO) - Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo góp ý Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt (Dự án Luật) do Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5/10.
Bắc Vân Phong sẽ thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt.
Bắc Vân Phong sẽ thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, việc xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, áp dụng đối với 3 đơn vị gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Qua đó, hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong thời gian dài.

Đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật và cho rằng, đây sẽ là điều kiện để tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, về phạm vi điều chỉnh, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, dự thảo Luật có thể linh động, không nên “chốt” 3 đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), vì như vậy sẽ mang tính cá biệt. Để Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt có tính lâu dài, nên quy định chung mang tính phổ biến cho các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt (có thể thành lập sau này) bởi cùng với thông qua Luật, việc thành lập từng đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt cũng phải có Nghị quyết của Quốc hội cho từng đơn vị với những nội dung cụ thể, phù hợp, mang tính đặc thù. 

Tán đồng quan điểm trên, bà Vũ Ngọc Anh, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận định, quy định cụ thể cho 3 đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt mà dự thảo đề cập như trên sẽ hạn chế sự phát triển của các khu khác trong tương lai. Tuy nhiên, việc hình thành các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt cần quy định tiêu chí rõ ràng, cụ thể tại Luật để tránh lợi ích nhóm trong việc thành lập những đơn vị này. 

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, nhiều ý kiến bày tỏ quy định này đã thể hiện sự vượt trội, đột phá về giao thẩm quyền, song cơ chế giám sát thì không có gì thay đổi, thậm chí quy định còn quá chung chung, không khả thi, khó phát huy được hiệu quả.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch lại cho rằng, tính tự chủ, tự quản là “linh hồn” của đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, vì vậy không nên lấy kiểu “trực thuộc hành chính” như các địa phương hiện nay để áp dụng cho những đơn vị này. Vì vậy, ông Trần Du Lịch đề xuất, những đơn vị này có thể được phân một số quyền của Chính phủ và UBND cấp tỉnh; người đứng đầu đơn vị được Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho một số quyền của Thủ tướng và quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. 

Đọc thêm