Không nên để Tòa án giải thích luật !

Hoạt động của các cơ quan Nhà nước phải khách quan, minh bạch, đặc biệt là hoạt động tư pháp. Chính vì vậy, không thể giao nhiệm vụ giải thích luật cho cơ quan xét xử, vì làm như thế chẳng khác nào cơ quan này cùng lúc thực hiện hai vai trò vừa là cầu thủ vừa là trọng tài theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Hoạt động của các cơ quan Nhà nước phải khách quan, minh bạch, đặc biệt là hoạt động tư pháp. Chính vì vậy, không thể giao nhiệm vụ giải thích luật cho cơ quan xét xử, vì làm như thế chẳng khác nào cơ quan này cùng lúc thực hiện hai vai trò vừa là cầu thủ vừa là trọng tài theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Cơ quan làm luật thì giải thích luật

Lịch sử hình thành và phát triển hoạt động của Nhà nước pháp quyền luôn tách bạch nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan ban hành, giải thích luật với cơ quan áp dụng, thực thi pháp luật. Ngành tòa án có chức năng nhân danh Nhà nước áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật bằng quyết định, bản án.

Đại diện Viện kiểm sát đang phát biểu tại một phiên tòa hình sự (ảnh minh họa)
Đại diện Viện kiểm sát đang phát biểu tại một phiên tòa hình sự (ảnh minh họa)

Chỉ có cơ quan làm luật (ban hành luật) nắm bắt quy định pháp luật mới thông suốt quy định của pháp luật có đủ điều kiện giải thích luật chính xác, tường tận. Điều này cũng dễ hiểu vì chỉ cơ quan soạn thảo, thông qua, ban hành luật mới quán triệt toàn bộ nội dung văn bản do chính cơ quan này hình thành.

Tòa án là cơ quan xét xử phải tuân thủ nguyên tắc: Thẩm phán độc lập và tuân theo pháp luật. Đã gọi là tuân theo pháp luật tức là chấp hành quy định pháp luật.

Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là cơ quan thường trực của Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ giải thích pháp luật là phù hợp. Đúng là UBTVQH ít quan tâm giải thích pháp luật.

Để khắc phục nhược điểm vừa nêu thì tìm biện pháp khắc phục, để hoạt động hiệu quả. Cơ quan giải thích pháp luật phải độc lập với các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT), thể hiện nguyên tắc phân quyền triệt để. Không vì chậm trễ giải thích pháp luật của UBTVQH mà chuyển giao nhiệm vụ hiến định của UBTVQH cho cơ quan xét xử.

Về tên gọi cơ quan giải thích pháp luật sao cho phù hợp với chức trách như : Tối cao pháp viện, Hội đồng bảo pháp...  Nhân sự của cơ quan giải thích pháp luật gồm những nhà luật học lỗi lạc, có bản lĩnh, giàu nghị lực (chọn lựa các thẩm phán, luật gia có nhiều thành tích đóng góp trong lĩnh vực tư pháp).

Hơn hai mươi năm qua, UBTVQH mới chỉ hai lần giải thích luật vào năm 2005 và vào năm 2006. Như đã đề cập, không vì chậm giải thích luật mà chuyển giao việc giải thích luật cho cơ quan khác.

Cần tìm nguyên nhân vì sao UBTVQH ít giải thích luật? Phải chăng UBTVQH bận nhiều việc quan trọng nên xao lãng việc giải thích pháp luật hoặc bộ máy nhân sự còn mỏng, chưa thể giải thích pháp luật kịp thời. Trước xu thể hội nhập, phát triển của đất nước, UBTVQH cần đổi mới phương thức hoạt động.

Giải thích luật nên nằm ngoài cơ quan xét xử

Lâu nay, Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) giải thích pháp luật thông qua các Nghị quyết, bản tổng kết đường lối xét xử của ngành tòa án. Tại Mục 9 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/05/2006 của HĐTP TANDTC quy định về việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đánh bạc quy định tại Điều 248 của Bộ luật Hình sự (BLHS); theo điểm b mục 9 thì:

Số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi số đề, cá độ với nhiều người là tổng số tiền giá trị hiện vật mà họ và những người chơi khác nhau dùng để đánh bạc.

 Ví dụ: B là chủ đề của năm người chơi đề khác nhau, mỗi người chơi đề với số tiền là hai mươi ngàn đồng. Nếu với tỷ lệ chơi 1/70 (1 ăn 70) thì số tiền dùng để đánh bạc được xác định như sau: Tiền dùng để đánh bạc của một người chơi đề với B sẽ được xác định là một triệu bốn trăm hai mươi ngàn đồng [20.000 đồng tiền của một người chơi dùng để đánh bạc + (20.000 đồng x 70 lần) tiền của B dùng đánh bạc với người chơi đó = 1.420.000 đồng)].

Tiền dùng để đánh bạc của B với năm người chơi đề là bảy triệu một trăm ngàn đồng (1.420.000 đồng tiền của B dùng đánh bạc với một người chơi x 5 người chơi = 7.100.000 đồng).

Văn bản vừa dẫn chiếu của HĐTP TANDTC gây khó khăn trong hoạt động thực tiễn của các cơ quan tiến hành tố tụng; số liệu mà HĐTP TANDTC nêu trong nghị quyết mang tính áp đặt, số ảo: Đánh đề chỉ có 1.000 đồng mà quy buộc gấp 70 lần nghĩa là 70.000 đồng là không phù hợp.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan CSĐT, VKS, TA không thể vận dụng nội dung quy định của Nghị quyết số 01/2006/ NQ-HĐTP ngày 12.05.2006 của HĐTP TANDTC nhưng phải đợi tới 4 năm sau HĐTP TANDTC mới sửa sai bằng cách ban hành Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22.10.2010 thay thế Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12.05.2006.

Có thể nói hướng dẫn bất hợp lý của Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/05/2006 của HĐTP TANDTC dẫn tới hệ quả là việc xử lý oan, sai những người tham gia đánh bạc kéo dài suốt 4 năm từ tháng 5/2006 đến tháng 5/2010.

Trong khi, hoạt động tư pháp phải thận trọng, khách quan, phù hợp với nền dân chủ pháp trị. Tuy không có quy phạm bắt buộc, nhưng nhiều năm nay các Thẩm phán vẫn tham khảo các bản án đã được xét xử nhất là quyết định giám đốc thẩm của TANDTC để phục vụ cho công tác xét xử; trong lúc luật pháp của ta chưa thừa nhận chế định án lệ (tiền lệ án) nên việc tham khảo các bản án của Tòa án Nhân dân Tối cao xem ra chưa ổn, trái với quy định của luật pháp thực định.

Quyền hạn của cơ quan làm luật và cơ quan áp dụng luật phải tách bạch, tránh tình trạng “lấn sân” đã và đang diễn ra.

Nghị quyết số 49 ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhấn mạnh: “Cải cách tư pháp phải kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội trong tương lai”.

Nhìn ra thế giới, tham khảo nền tư pháp các nước phát triển ổn định việc giải thích pháp luật đều nằm ngoài cơ quan xét xử.

LS. Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đọc thêm